Cơ chế hoạt động chứng khoán mới của Trung Quốc (TQ) - được gọi là “cầu dao tự động” - chính thức được áp dụng ngày 4-1 nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của thị trường chứng khoán TQ (TTCKTQ). Nếu chỉ số CSI 300 (gồm 300 loại cổ phiếu loại A, giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến) giảm từ 5% trở lên thị trường sẽ phải tạm ngừng giao dịch trong 15 phút. Nếu giảm từ 7% trở lên thị trường sẽ phải đóng cửa, kết thúc ngày giao dịch đó. Nếu cơ chế “cầu dao tự động” được áp dụng từ tháng 6-2015 thì đến nay cái cầu dao đã bị ngắt nhiều lần vì chỉ số CSI 300 đã có khoảng 20 lần giảm hơn 5%. Riêng ngày thứ Hai đen tối 24-8-2015, TTCKTQ đã giảm tới 8,75%.
Đen ngay ngày đầu năm
Mục đích “cầu dao tự động” thì tích cực thế nhưng khi đi vào thực hiện thì hậu quả lại quá tai hại. Vì cơ chế này, TTCKTQ đã đen tối ngay từ ngày giao dịch đầu năm 2016 khi buộc phải đóng cửa vào 1 giờ 34 phút (giờ địa phương) phiên giao dịch chiều 4-1 khi chỉ số CSI 300 giảm tới 7,02%. Chỉ số nhựa Thâm Quyến giảm tới 8,22%. Tổng cộng trong ngày 4-1, TTCKTQ đã giao dịch gần 600 tỉ nhân dân tệ, chỉ hơn một nửa các ngày bình thường.
TTCK Hong Kong không có cơ chế đóng cửa như TQ nên các cổ phiếu TQ trên sàn giao dịch Hong Kong vẫn tiếp tục giao dịch và chịu giảm mạnh. Chỉ số Hang Seng Enterprises giảm 4,1%.
Theo các chuyên gia chứng khoán trong và ngoài TQ thì đây là một sự khởi đầu gây sốc và họ đều choáng váng trước những gì đã diễn ra. Nhà phân tích chứng khoán Jasper Lawler tại công ty giao dịch tài chính trực tuyến CMC Markets (Anh) nhận định đây là một trong rất ít ngày giao dịch đầu năm tồi tệ nhất của chứng khoán thế giới.
Trong một động thái nhằm trấn an tính thanh khoản cho các nhà đầu tư, ngày 5-1 ngân hàng trung ương TQ đã đổ thêm 130 tỉ nhân dân tệ vào thị trường, mức lớn nhất kể từ tháng 9-2015. Để trấn an thị trường và các nhà đầu tư, ngày 5-1 Ủy ban Điều tiết chứng khoán TQ (CSRC) ra tuyên bố rằng cơ chế “cầu dao tự động” đã giúp thị trường bình tĩnh lại và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Dù thế CSRC cũng thừa nhận sẽ tiếp tục cải tiến cơ chế “cầu dao tự động” hoàn hảo hơn.
Trong ngày 5-1, CSRC tuyên bố gia hạn thêm lệnh cấm các lãnh đạo công ty và các cổ đông sở hữu trên 5% tổng cổ phiếu của công ty không được bán cổ phiếu trong sáu tháng. Lệnh cấm được ban hành trong giai đoạn đen tối của chứng khoán TQ tháng 7-2015 và nếu không được gia hạn thì sẽ hết hạn ngày 8-1 tới. Các nhà phân tích lo ngại một khi lệnh cấm được hủy bỏ, TTCK sẽ rất rối ren vì làn sóng bán tháo cổ phiếu, có thể sẽ đến 1.000 tỉ nhân dân tệ.
Chứng khoán TQ ngập sắc đỏ trong ngày giao dịch đầu năm 4-1. Ảnh: AP
Sập sàn do “cầu dao tự động”
Dù CSRC ra sức bảo vệ cơ chế “cầu dao tự động” nhưng thực tế tuyên bố của CSRC đi ngược với đánh giá của phần lớn các nhà phân tích và chuyên gia khi phần lớn họ nhận định chính cơ chế này đã gây ra nông nỗi. Hãy nhìn lại diễn biến TTCKTQ thời điểm phải đóng cửa ngày 4-1. Đến 1 giờ 13 phút (giờ địa phương), chỉ số CSI 300 giảm 5%, thị trường ngừng giao dịch 15 phút. Chỉ bảy phút sau khi giao dịch được khôi phục, mức giảm đã là 7% và thị trường phải đóng cửa hết ngày.
“Nếu bạn đang ở sàn giao dịch, bạn sẽ làm gì nếu 15 phút ngưng giao dịch đầu tiên kết thúc? Chắc chắn bạn sẽ vội vàng bán cổ phiếu ra để tránh lỗ thêm! Đây đúng là điều đã xảy ra và hậu quả là thị trường đã phải giảm thêm 2% chỉ trong vài phút sau đó”. Đây là ý kiến của cố vấn đầu tư Terry Savage (Mỹ). Theo bà, TQ đã không thực sự hiểu cách thức hoạt động của thị trường và đã thiết kế ra cái “cầu dao tự động”quá tệ. Bà dự đoán sau việc này nhiều khả năng TQ sẽ cấu trúc lại hệ thống giao dịch hy vọng TTCK sẽ hoạt động tốt hơn nhưng sẽ rất khó để xử lý tận gốc vấn đề.
Nhà phân tích Cổ Vĩnh Đào tại Công ty chứng khoán quốc tế Cinda Securities (Hong Kong) cho rằng đà rớt giá mạnh của các cổ phiếu đã dẫn tới một làn sóng bán tháo mạnh chưa từng thấy và chính việc “cầu dao tự động” ngắt đi 15 phút càng gây hoảng loạn, tính thanh khoản biến mất.
Giám đốc đầu tư David Dai tại Công ty quản lý quỹ đầu tư Nam Hải (TQ) cũng đồng ý nếu không có cơ chế này thì các nhà đầu tư đã không quá hoảng sợ, thị trường đã không bị giảm mạnh đến thế. Theo ông, “cầu dao tự động” chỉ gây áp lực thêm cho thị trường, tốt nhất Ủy ban Điều chỉnh chứng khoán TQ nên hủy bỏ hoặc chí ít cũng chỉnh sửa lại cơ chế này nếu muốn cứu TTCKTQ. Nhà Quản lý quỹ Vũ Khang tại Công ty tài chính JK (TQ) dự đoán tuyên bố trấn an của CSRC sẽ không ngăn nổi đà bán ra của các nhà đầu tư, vì sự cố ngày 4-1 đã phá hủy niềm tin của họ, hơn thế TTCKTQ không có dấu hiệu gì sẽ hồi phục sớm.
Chứng khoán TQ ngày 5-1 vẫn khá bi quan. Ảnh chụp tại một sàn giao dịch chứng khoán ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP
Ngày đen tối 24-8-2015 có lặp lại trong năm 2016?
Sau sự cố ngày 4-1, nhiều nhà đầu tư toàn cầu tìm đến các kênh tài chính an toàn hơn như trái phiếu chính phủ, vàng. Việc TTCK thế giới bị ảnh hưởng ngay lập tức từ sự cố của TTCKTQ như trên là hiện tượng khá lạ vì trong đợt chứng khoán TQ mất giá giữa năm 2015 thì gần cả tháng sau thị trường thế giới mới có phản ứng. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia thì đây có thể là phản ứng nhất thời, tuy nhiên không loại trừ khả năng phản ứng này sẽ là xu thế trong năm 2016.
Trưởng chiến lược đầu tư Matthew Sherwood tại Công ty đầu tư tài chính Perpetual Ltd. (Úc) khuyên các nhà đầu tư thận trọng hơn nữa với chứng khoán TQ trong tương lai tới vì tình hình kinh tế TQ năm 2016 rất phức tạp, tốc độ tăng trưởng vẫn rất trì trệ, chỉ có một điều chắc chắn là sự mất ổn định sẽ tiếp tục gia tăng. Trưởng ban Nghiên cứu Thị trường tài chính Michael Every thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính và Ngân hàng Rabobank Group (Hà Lan) nhận định lời khuyên của chuyên gia Matthew Sherwood có căn cứ khi kinh tế TQ đang có hai dấu hiệu rất tệ.
Dấu hiệu thứ nhất là ngày 4-1, hai tạp chí Tài Kinh (TQ) và Markit Economics (Anh) công bố thống kê về chỉ số quản trị sức mua TQ (PMI - là chỉ số đánh giá hoạt động của ngành sản xuất - ngành chủ lực của kinh tế TQ) cho thấy sức mua trong tháng 12-2015 đã giảm xuống mức 48,2%, tháng 11-2015 là 48,6%. Vậy là sức mua ở TQ đã giảm 10 tháng liên tục, cho thấy sức khỏe của kinh tế TQ đang suy giảm đáng lo ngại. Dấu hiệu thứ hai là đồng nhân dân tệ của TQ liên tục giảm giá. Ngày 4-1 lần đầu tiên trong bốn tháng đồng tiền này đã giảm xuống hơn 6,5032 nhân dân tệ/USD.
Nhiều sàn chứng khoán giảm đồng loạt - Chứng khoán TQ không ổn định ngày giao dịch 5-1, tăng-giảm thay đổi liên tục. Chỉ số nhựa Thượng Hải ban đầu giảm 3,18% sau đó tăng lại 0,4%, chỉ số nhựa Thâm Quyến giảm 0,63%, chỉ số CIS 300 giảm 2,58% sau đó tăng 0,8%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 0,21%. Tỉ giá đồng nhân dân tệ đã được điều chỉnh tăng 0,21% so với ngày trước đó, ở mức 6,5159 nhân dân tệ/USD. Chứng khoán các nước châu Á khác cũng tăng-giảm không ổn định trong ngày 5-1. Chỉ số ASX 200 của Úc giảm 1,07%, chỉ số Nikkei của Nhật tăng 0,41%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,83%, chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 1%. - Ngay sau khi TTCKTQ - thị trường lớn thứ hai thế giới sập sàn, các TTCK thế giới bắt đầu phản ứng. Tại châu Á ngày giao dịch 4-1, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 3,1%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,6%, chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,28%. Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản MSCI đã giảm 1,7%. Chỉ số nhựa Kuala Lumpur giảm 2,3%, chỉ số Straits Times giảm 1,6%. TTCK Philippines, Malaysia, Thái Lan đều giảm trên dưới 1%. TTCK Indonesia giảm ít nhất - 0,8%. Chứng khoán châu Âu cũng không thoát được màn mây u ám khi các chỉ số DAX (Frankfurt, Đức) giảm mạnh tới 4,3%, CAC của (Paris, Pháp) giảm 2,5%, FTSE của (London, Anh) giảm 2,4%, EURO STOXX 50 giảm 3,1%. Tại thị trường phố Wall (Mỹ), chỉ số S&P 500 giảm 1,5%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,6%, Nasdaq giảm 2,1%. |