Kết phiên giao dịch ngày 27-8, Reuters cho hay chỉ số Shanghai Composite Index trên sàn chứng khoán Thượng Hải bất ngờ đạt lại ngưỡng trên 3.000 điểm vào những phút chót cuối phiên giao dịch, tức tăng 5,4%. Theo bình luận của CNBC, sở dĩ chứng khoán Trung Quốc (TQ) bất ngờ tăng mạnh sau năm phiên liên tục giảm “không phanh” một phần là nhờ vào giá cổ phiếu phố Wall tăng vọt trong suốt đêm hôm trước (26-8). Cùng lúc đó giá cổ phiếu tại hầu hết sàn chứng khoán châu Á cũng đã tăng trở lại. CNBC cho biết thêm hai chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu blue-chip và Shenzhen Composite Index của sàn Thâm Quyến cũng tăng trở lại, chốt phiên với mức tăng tương ứng 6% và 3,3%.
Vẫn “đá trái banh trách nhiệm”
Báo chí quốc tế hôm 26-8 có các bài xã luận cho rằng Bắc Kinh đang tìm mọi cách để “đá trái banh trách nhiệm” chứng khoán giảm giá về phía người khác khi tuyên bố điều tra “nghi án giao dịch chứng khoán không lành mạnh” đối với nhiều cơ quan và cá nhân. Một ngày sau, tờ The Guardian dẫn lời Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết Wang Xiaolu, phóng viên kinh tế làm việc cho tạp chí kinh doanh Caijing (TQ), đã bị cảnh sát bắt giữ vì tội “thao túng thông tin”. Wang Xiaolu bị bắt hôm thứ Ba (25-8) khi cảnh sát tuyên bố ông ấy liên quan đến việc chứng khoán TQ “bốc hơi” chóng mặt hồi cuối tháng 7-2015.
Cụ thể, trong bài viết của mình trên Caijing hôm 20-7, Wang đã “tiết lộ” rằng Ủy ban Chứng khoán TQ (CSRC) đang cân nhắc việc ngừng các chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) đang gặp khó khăn. Tân Hoa xã thuật lại nội dung bài viết của Wang rằng CSRC đang tìm mọi cách ứng xử với các công ty chứng khoán nhằm rút các nguồn quỹ hỗ trợ ra khỏi TTCK. Sau bài viết “động trời” này, tờ New York Times có bài cho rằng “tiết lộ của Wang đã góp phần khiến giá cổ phiếu TQ lao dốc không phanh vào cuối tháng 7-2015, bất chấp CSRC đã tuyên bố bài viết là thất thiệt và “vô trách nhiệm”.
Hãng thông tấn nhà nước TQ - Tân Hoa xã cho biết Wang bị cáo buộc tội “tự tạo và truyền bá thông tin sai sự thật về hoạt động giao dịch chứng khoán chưa diễn ra”. Tuy nhiên, chưa ai biết được liệu ông Wang có bị buộc tội chính thức hay chưa. Trước thông tin Wang bị bắt, CPJ lập tức đã kêu gọi các nhà chức trách TQ phải thả tự do cho Wang và cho rằng việc Wang bị bắt giữ vì “đưa tin thất thiệt” TTCK Bắc Kinh là vô lý. “Các nhà chức trách TQ quá nhạy cảm đối với những biến động của TTCK. Điều này không thể là lý do để ngành chức năng đe dọa hay bỏ tù các nhà báo vì cho rằng họ thao túng thông tin” - Bob Dietz, điều phối viên châu Á của CPJ, nói.
The Guardian cho hay ngoài Wang, 10 nhân viên thuộc hai đơn vị, bao gồm hai người thuộc CSRC, tám người thuộc công ty môi giới lớn nhất của TQ Citic Securities, cũng bị cảnh sát nước này điều tra liên quan các nghi án giao dịch chứng khoán trái quy định. Bên cạnh đó, hàng loạt “ông lớn” khác ngành chứng khoán TQ hiện đang trong tầm ngắm điều tra sai phạm của ngành chức năng Bắc Kinh. Tháng 12-2014, theo một điều tra của CPJ, TQ là nước đứng đầu thế giới về việc giam giữ hàng loạt nhà báo - ước tính có đến 44 nhà báo bị bỏ tù.
Cổ phiếu ngành ngân hàng, bảo hiểm đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch 27-8 trên TTCK TQ, trong đó có nhiều cổ phiếu tăng kịch trần biên độ 10%. Ảnh: CHINA FOTOPRESS/GETTY
Trách nhiệm của Bắc Kinh ở đâu?
Theo Paul Krugman viết trên The New York Times, sở dĩ chứng khoán TQ gặp nạn chính là vì nền kinh tế nước này đang mất cân bằng trầm trọng. GDP của TQ trước nay phụ thuộc chính vào đầu tư và xuất khẩu nhờ có nguồn lao động dồi dào, trong khi tiêu dùng vẫn rất thấp. Vấn đề này có vẻ “bền vững” và thực tế mô hình này đã giúp TQ có thể duy trì mức tăng trưởng ở mức cao như nhiều năm trước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây GDP nước này chững lại đáng kể, theo Paul, vì thị trường lao động - vốn là một thế mạnh của TQ nay đã bão hòa. Hệ quả là lợi nhuận từ việc đầu tư của TQ đã giảm mạnh (và chi tiêu vẫn thấp).
Một trong những giải pháp khả dĩ cho Bắc Kinh là đầu tư ít lại và kích thích tiêu dùng. Muốn vậy TQ phải phân phối lại nguồn lực một cách hợp lý để người dân no đủ hơn, cảm thấy an toàn hơn trong việc chi tiêu. Nhưng theo Paul Krugman, cần phải có thời gian để Bắc Kinh làm được điều này.
Trớ trêu thay, khi đang cố gắng kích cầu, TQ lại bơm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước yếu kém để đầu tư phát triển hạ tầng quốc gia. Hậu quả là các công ty mắc nợ mà không có khả năng trả lại.
Chưa dừng ở đó, TQ “cứu” các doanh nghiệp này bằng cách kích cầu chứng khoán, tung ra các gói hỗ trợ để dân mua cổ phiếu nhằm giúp doanh nghiệp huy động vốn “cố làm ăn để trả nợ” nhưng bất thành.
Ngược với mong muốn Bắc Kinh, các doanh nghiệp nợ vẫn hoàn nợ, trong khi bong bóng chứng khoán căng phồng và vỡ khiến các nhà đầu tư khốn khổ. Cho đến khi chứng khoán chưa “hạ đất” đúng với giá trị của nó thì việc giá chứng khoán giảm liên tục trong thời gian qua là dễ hiểu.
Việc chứng khoán TQ bất ngờ tăng giá vào hôm qua (27-8), đa số chuyên gia vẫn cho rằng đó là “tức thời” bởi sự tác động tích cực của phố Wall và vì giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hoãn tăng lãi suất. Mặt khác, theo ông Arthur Kwong, Trưởng bộ phận chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương của BNP Paribas Investment Partners: “Ngân hàng Trung ương TQ đã hạ lãi suất và giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc và mọi người nghĩ rằng đã có sự hỗ trợ của chính phủ. Họ bắt đầu nhảy vào bắt đáy”.
Lao đao vì vắng bóng “rùa biển”
Một nguyên nhân khác để người ta tin rằng TQ sẽ còn lao đao đó chính là sự vắng bóng của những người “cầm trịch” - “rùa biển”.
Vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, khi “thánh đường” phố Wall của những tay chơi chứng khoán bắt đầu sa thải hàng loạt nhân viên, Bắc Kinh đã nhanh chóng “săn lùng” và mời về những nhân tài gốc TQ hàng đầu trong ngành tài chính để cải cách TTCK nước này. Những “người trở về” này được ưu ái gọi với biệt danh “rùa biển” - những người thành đạt ở bên kia bờ biển nhưng cuối cùng vẫn quay về “mẫu quốc”.
Thế nhưng mùa hè 2015, khi CSRC cần những nhân tài này hơn bao giờ hết để kìm chân một TTCK tuột dốc thảm hại, những “chú rùa biển” giỏi nhất trong đợt hồi hương năm 2008 đó đều đã chuyển sang lĩnh vực tư nhân để làm việc. Họ rời bỏ bộ máy quản lý nhà nước vì thất vọng trước những lời hứa hẹn không bao giờ thành hiện thực.
Một cựu quan chức tại CSRC (một trong tốp 20 người hồi hương được đánh giá cao nhất trong giai đoạn 2008-2010) cho biết những nhân tài hồi hương đã không được CSRC quý trọng như những gì họ đã hứa hẹn. Mức lương mà họ được nhận khi làm việc tại CSRC chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì họ có thể được nhận trong khu vực kinh tế tư nhân TQ chứ chưa nói đến mức lương công việc cũ tại nước ngoài mà họ đã từ bỏ.
Trả lời hãng tin Reuters, cựu quan chức giấu tên này cho biết trong nhiều năm trời rất ít người trong số những “rùa biển” về nước được thăng chức. Một số người thậm chí còn không được đảm bảo một vị trí ổn định trong CSRC. Theo Reuters, làn sóng những người xin từ chức khỏi CSRC bắt đầu trở nên ồ ạt trong giai đoạn 12 tháng qua, đúng vào lúc những tư tưởng tiến bộ về TTCK được cần đến nhất.
Các nhà quản lý quỹ tín dụng TQ cho rằng sự biến mất của những nhân tài này khỏi CSRC đã đặt TTCK TQ vào tay những người không đủ năng lực và kinh nghiệm để hiểu thấu đáo được sự vận động của thị trường. Điều này đã dẫn đến những chính sách quản lý sai lầm, không kịp thời và góp phần tạo nên những ngày tháng “đen tối” trên sàn chứng khoán TQ.
Ông Liu Li-Gang, một chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ANZ, nhận xét: “Khi mà TQ cần những người có kinh nghiệm cả trong nước lẫn quốc tế (đối với khủng hoảng chứng khoán), những người có nhiều kinh nghiệm quốc tế nhất đều đã bị buộc rời khỏi bộ máy quản lý”.
Những “rùa biển” giỏi nhất Trung Quốc phải “ra đi” Danh sách những “rùa biển” xuất sắc đã phải rời khỏi CSRC bao gồm nhiều cái tên “nặng ký” như Tang Xiaodong, cựu Trưởng phòng tín dụng phái sinh bất thường của ABN AMRO, từng phụ trách các chương trình cải cách về nhà đầu tư nước ngoài. Hay Li Bingtao, cựu nhân viên phòng ngân khố toàn cầu của Tập đoàn Ngân hàng J.P Morgan Chase, cựu thành viên ban tham mưu của CSRC. Hoặc Luo Dengpan, người từng là học trò của Nobel Kinh tế học Robert Shiller. |