Kết thúc phiên giao dịch ngày 25-8, chỉ số Shanghai Composite Index tiếp tục giảm mạnh 7,63%, xuống thấp hơn mốc 3.000 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 12-2014.
Như vậy, chỉ trong vòng hai tháng vừa qua đã có đến bốn lần chỉ số Shanghai Composite Index lao dốc, nằm trong tốp 10 lần giảm mạnh nhất trong 15 năm qua. Tờ The Guardian tường thuật giá cổ phiếu một số ngành chủ chốt của Trung Quốc (TQ) như bất động sản, dầu khí cũng giảm, chạm mốc 10% trong cùng ngày.
Chứng khoán Trung Quốc vẫn “trên mây”
Thế giới bắt đầu chứng kiến thị trường chứng khoán (TTCK) TQ giảm kỷ lục vào tháng 7-2015. Đến cuối tháng 8, thị trường này tiếp tục lao dốc bất chấp những giải pháp quyết liệt của chính phủ nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của TQ đang chững lại.
Lệnh cấm các nhà đầu tư lớn bán cổ phiếu; ngừng các hoạt động IPO để giảm mức cung nhằm vực giá cổ phiếu; trích quỹ lương hưu mua cổ phiếu ổn định thị trường; giảm lãi suất kỷ lục khuyến khích đầu tư… của Nhà nước không thể ngăn chứng khoán TQ giảm mạnh vì bản chất giá cổ phiếu TQ dù đã giảm mạnh nhưng vẫn còn đang ở “trên tận mây xanh”.
Tính đến giữa tháng 6-2015, cổ phiếu của TQ đã tăng trưởng rất nóng, chạm mốc 150% trong suốt 12 tháng. Các nhà đầu tư cá nhân, theo ví von của các chuyên gia, “từ cụ già đến trẻ con” đua nhau đổ tiền tiết kiệm, tiền vay vào TTCK. TTCK bị thổi phồng căng cứng, đạt mức đỉnh cao nhất trong vòng bảy năm qua. Thậm chí sau sự kiện chứng khoán bốc hơi 3.000 tỉ USD vào tháng 7 thì mức giá này vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước đến 80%.
Nhà đầu tư mất niềm tin
Sau “cơn sốc” tháng 7-2015, niềm tin của nhà đầu tư với thị trường TQ đã giảm đi đáng kể. Nhiều bài phân tích dự báo tương lai ảm đạm của TTCK vì các giải pháp của Bắc Kinh không theo cơ chế thị trường, tức “thuận mua vừa bán”. Trong khi đó, chính quyền Tập Cận Bình thời gian qua đang nỗ lực hướng tới việc thả nổi tương đối TTCK. Thế nên tờ nhật báo thông tin kinh tế của TQ có bài xã luận cho rằng chương trình hỗ trợ TTCK có thể bị thu hẹp ngay cả khi giá cổ phiếu tiếp tục giảm.
Bắc Kinh đã cho dừng các chính sách can thiệp TTCK hôm 25-8. Ảnh: AP
Mặt khác, tiến trình cải cách kinh tế của TQ cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực thay đổi cơ cấu GDP, từ ưu tiên xuất khẩu và đầu tư - chiếm thị phần lớn trên TTCK TQ sang ưu tiên tiêu dùng và dịch vụ. Đây tuy không phải là lý do chính nhưng cũng là nhân tố làm suy giảm giá chứng khoán mà hệ lụy là những cơn khủng hoảng vừa qua.
Ngay cả việc phá giá đồng nhân dân tệ đến mức “không ai ngờ” mới đây của Bắc Kinh cũng chỉ càng làm cho giới quan sát lo ngại về sự bất ổn và suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Rõ ràng uy tín trong ngắn hạn và dài hơi đối với TTCK TQ đã suy giảm ngoài tầm kiểm soát.
Trang Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích Wei Wei tại Công ty Chứng khoán Huaxi nhận định: “Đó là cơn bán đổ bán tháo diễn ra trong sự hoảng loạn. Đó là vấn đề thuộc về niềm tin”. Với dấu mốc “ngày thứ Hai tối tăm”, TTCK “trên trời” của TQ dường như đã phải chính thức từ bỏ những gì mà họ gọi là thành quả trong một năm 2015 đầy biến động. Và vì “vẫn còn trên mây” nên chưa có cơ sở khẳng định sự suy giảm đáng sợ hiện tại sẽ dừng trong những ngày tới.
Bắc Kinh chấp nhận “buông tay”?
Hai tác giả Nick Gentle và Adam Haigh tờ Bloomberg cho rằng tính tới thời điểm hiện tại, những nỗ lực chưa từng có của Bắc Kinh nhằm giải thoát hiện tượng “bốc hơi” TTCK dường như đã đổ sông đổ biển. Chuyên gia Wei Wei cho biết thêm: “Dường như các nhà đầu tư đã mất tất cả niềm tin, vì thế giá chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục giảm”.
Ngoài ra, chuyên gia Wei Wei cho rằng: “Chính phủ TQ sẽ không giải cứu thị trường một lần nữa vì hiện tượng bán tháo xảy ra trên phạm vi toàn cầu và đã lan rộng đến khắp nơi. Các giải pháp can thiệp của chính phủ đã không còn hiệu lực”.
Christopher Balding, Giáo sư tài chính và kinh tế tại HSBC Business School thuộc ĐH Peking, cũng nhận định Bắc Kinh đã từ bỏ các chính sách hỗ trợ TTCK bất chấp những tổn thất rất lớn trong những ngày qua.
“Dường như Bắc Kinh đã quyết tâm không bơm thêm một xu nào vào TTCK. Khi giá chứng khoán vừa giảm, vài người chơi chứng khoán nói với tôi rằng họ sẽ nhận được rất nhiều đề xuất mua lại cổ phiếu với giá cao hơn 10% so với giá thị trường. Hiện tại tôi nói chuyện với một cặp vợ chồng và chính xác là không ai có nhu cầu mua cổ phiếu của họ (kể cả chính phủ)” - Christopher Balding cho biết.
Nỗ lực cuối cùng của Bắc Kinh được ghi nhận hôm Chủ nhật (23-8) là việc cho phép sử dụng quỹ hưu trí để cứu TTCK. Tuy nhiên, theo He Fan thuộc tập đoàn Caixin Insight Group nói trên Tân Hoa xã, nỗ lực này không thể ngăn chặn được chứng khoán lao dốc.
Tân Hoa xã phải thừa nhận rằng sau “ngày thứ Hai tối tăm”, TTCK TQ tiếp tục đối diện một “ngày thứ Ba kinh dị”. Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh đã cho dừng các chính sách can thiệp TTCK và đang tìm đối pháp. Điều này lý giải nguyên nhân ngày thứ Ba “kinh dị”: Các nhà đầu tư thì chờ chính phủ can thiệp vào đầu ngày 25-8 nhưng thực tế điều đó không xảy ra khiến họ hoảng sợ, xáo trộn, bán tháo và rớt giá trầm trọng.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 lặp lại?
Nếu như TTCK TQ rớt giá hôm 24-8 kéo theo sự rớt giá ồ ạt của chứng khoán thế giới thì sang ngày 25-8, châu Âu đã “ấm” dần. Chứng khoán Mỹ có lúc giảm kỷ lục tính từ năm 2011 nhưng sau đó đã hồi phục nhanh chóng. Giá cổ phiếu nhiều quốc gia khác như Úc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia,… cũng tăng trở lại.
Dù vậy, theo Bloomberg, nhiều người cho rằng sự suy giảm TTCK TQ là một trong những nhân tố làm hoang mang các nhà đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Góp phần vào đó còn có sự bất ổn chính trị, khủng hoảng nội tại của khu vực đồng euro (điển hình như vấn đề Hy Lạp), các dấu hiệu tăng tưởng yếu dần và đổ vốn sang các thị trường mới nổi đầy rủi ro như Brazil.
Ngoài ra, các nhà chính sách dường như có quá ít các công cụ để hỗ trợ giải quyết và giảm thiểu bất ổn. Sự rớt giá TTCK TQ và tình hình thế giới hiện tại gợi nhớ đến sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ Lehman Brothers, kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lạc quan hơn thì cho rằng trường hợp của TQ, một nền kinh tế mới nổi, không thể so sánh với Lehman Brothers - một ngân hàng có tính hệ thống và ảnh hưởng toàn cầu. Nhà kinh tế Julian Jessop tại công ty tư vấn Capital Economics cho rằng: “Bản chất hiện tượng hoảng loạn hiện nay sinh ra trong lòng TQ. Trong khi các dữ liệu gần đây từ các nền kinh tế lớn khác, trong đó có Mỹ, khu vực châu Âu và Nhật Bản, nhìn chung là tốt. Ngoài thông tin “không sáng sủa” về TQ, gần như không có lo ngại nào khác về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Tại sao Trung Quốc dừng can thiệp TTCK Việc Bắc Kinh dừng can thiệp TTCK đã được dự báo trước. Thứ nhất, các can thiệp này bị đánh giá là “thô bạo”, trái với quy luật cung cầu thị trường, điều mà ông Tập Cận Bình cam kết sẽ giảm thiểu trong quá trình cải cách kinh tế. Thứ hai, giá trị cổ phiếu được đưa ra mua bán trên TTCK TQ chỉ tương đương hơn 30% GDP TQ, thấp xa so với mức 100% ở các nước phát triển. Lượng tài sản tài chính hộ gia đình đổ vào TTCK chỉ chiếm 15% nên dù giá cổ phiếu có giảm mạnh cũng không làm giảm mức chi tiêu hộ gia đình. Mặt khác, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán chỉ chiếm 1,5% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng TQ. Đó là lý do tại sao quan chức TQ hôm 25-8 thừa nhận giá cổ phiếu giảm sẽ chỉ có tác động hạn chế đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong khi chi phí các chính sách can thiệp, hỗ trợ thị trường lại quá cao. Can thiệp thô bạo có thể dẫn đến tổn thương hệ thống ngân hàng của nước này. |