Không ít lần người bố trẻ trút nỗi niềm vào câu à ơi ru con: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Chuỗi ngày gà trống nuôi con của ông bố sinh năm 1984 bắt đầu từ cái ngày định mệnh khi con gái Nguyễn Kim Yến Nhi chào đời được 10 ngày tuổi.
“Em ra đi chỉ mới là khởi đầu của bất hạnh, có những lúc anh tưởng nó đã qua. Nhưng anh vẫn đang ngập ngụa trong đống bầy nhầy của nó. Em cũng hiểu điều đó mà, nên em từng cấm anh chết trước em vì em nói người chết thì dễ nhưng người ở lại khổ lắm”, trang nhật ký của người vốn là dân kỹ thuật, từng trong đội vô địch Robocon châu Á - Thái Bình Dương, không ít lần nhòe nước mắt xót xa trước sự ra đi bất ngờ của vợ sau cơn tai biến sản khoa.
Thương con gái bé bỏng phải chịu thiệt thòi vì sớm mất tình yêu của mẹ, anh tự mình vực dậy nỗi đau để dành trọn tâm sức chăm con. “Lúc đó tôi chỉ là một người cha ‘thực tập’ với vỏn vẹn mấy ngày kinh nghiệm, nhưng tự hứa với lòng sẽ chăm sóc Ủn thật tốt và nuôi dạy con nên người với tất cả tình yêu thương”, anh tâm sự.
Thương con gái bé bỏng phải chịu thiệt thòi vì sớm mất tình yêu của người mẹ, ông bố trẻ tự mình vực dậy nỗi đau để dành trọn tâm sức chăm con. Ảnh: NVCC. |
Anh đón con về từ bệnh viện khi tang vợ vẫn còn trùm kín không khí gia đình. "Ngày đón con về, trên taxi chỉ có hai cha con, ba phải xoay xở thay tã khi con tè rồi dỗ khi con khóc đói. Khóc một chặp nhưng chưa được bú con đành nhét ngón cái vào mút, nhìn con ba lại chảy nước mắt. Chưa bao giờ tôi thấy mình mít ướt tới vậy”, anh trải lòng.
Anh bắt đầu mang túi trữ sữa đi xin sữa cho con, bất kể nắng mưa. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè, anh dần được tiếp cận với nhiều bà mẹ đang có con nhỏ có thể giúp được bé Ủn đủ sữa bú. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng sau khi mẹ mất, hễ cứ đưa bình sữa vào là bé khóc đẩy ra. Anh thực sự stress vì lo cho sức khỏe của con và áp lực dùng sữa ngoài từ bà nội bé và mọi người, nhưng bé Ủn bú vào là ói ra hết nên anh không cho bà nội dùng sữa bột nữa.
Với anh, nuôi dạy một đứa trẻ chưa bao giờ dễ dàng, nhưng nhiều lúc khó khăn không đến từ kiến thức và kinh nghiệm mà đến từ những định kiến phải đối mặt. Không ít lần hai bên gia đình nội ngoại muốn anh đưa con về quê để ông bà tiện bề chăm sóc. “Con đã mất mẹ, không thể thiếu thêm ba. Như ai đó đã nói mỗi người đều có cuộc chiến riêng của mình, cuộc chiến của tôi bây giờ là duy trì nguồn sữa mẹ cho con, giữ con luôn cạnh mình”, anh hạ quyết tâm tự tay chăm sóc, chứng kiến từng ngày khôn lớn của con.
Từ thực tế ròng rã đi xin sữa cho con, anh nhen nhóm suy nghĩ về việc liên kết một mạng lưới các mẹ dư sữa, mỗi tủ lạnh của mỗi mẹ là một kho trữ. Trước tiên các mẹ đông lạnh và trữ sữa dành cho chính con mình dùng khi mẹ đi làm hoặc những lúc vì lý do gì đó bị mất sữa. Kế đến là chia sẻ cho các bé khác khi mẹ của các bé không có hoặc bị mất sữa. Cuối cùng là giúp điều phối nguồn sữa ổn định tới các bé có nhu cầu, giảm tải tủ lạnh trữ sữa, tránh để quá tải dẫn đến phải bỏ.
Khi chia sẻ ý tưởng thành lập ngân hàng sữa mẹ với những người mẹ trên Facebook, anh nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. “Qua tìm hiểu tôi được biết ngân hàng sữa mẹ có từ rất lâu ở châu Âu, Mỹ, gần đây thì Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines... Bất ngờ hơn là tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực, chỉ dưới 20%. Tôi và các mẹ khác có động lực để làm một điều ý nghĩa cho chính con mình và các bé khác có cơ hội được duy trì nguồn tài nguyên quý giá này”, ông bố đảm đang trăn trở.
Nhiều người e ngại sữa trữ đông không vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe, anh đã tìm hiểu kiến thức từ những nguồn uy tín để cập nhật. Anh đưa ra các bằng chứng thiết thực từ chính câu chuyện của mình và của mọi người, trở thành cầu nối cho các bà mẹ, động viên các mẹ trữ sữa cho con, chia sẻ sữa với cộng đồng như một hành động đầy ý nghĩa. Hiện nay, ngân hàng sữa mẹ đã thu hút hơn 9.000 thành viên, tạo được tiếng vang và bắt đầu kết nối với hệ thống Human Milk for Human Babies của thế giới. Ngoài ra anh còn là đồng sáng lập Hội sữa mẹ, cộng đồng hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ với hơn 40.000 thành viên. Nhiều bà mẹ khi gặp vấn đề trong việc bảo quản và thanh trùng sữa, chăm sóc con thường tìm đến anh để được lắng nghe những chia sẻ, giải đáp một cách cặn kẽ chi tiết.
Hành trình nuôi con là hành trình học hỏi và nỗ lực không ngừng. Con gái giờ đã 18 tháng tuổi, xinh xắn đáng yêu. Anh hạnh phúc vì nỗ lực của mình đã tạo động lực cho nhiều người mẹ cố gắng làm điều tốt nhất cho con. Điều này là khởi nguồn cũng như động lực để anh cho ra đời dự án babyMe. Đây là ứng dụng di động quản lý hiệu quả hành trình 1.000 ngày đầu tiên của bé. Anh đang gấp rút hoàn thành dự án như một món quà “dành cho chính tôi và những người mẹ để cùng con bước qua 1.000 ngày đầu tiên đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui”.
Tự trang bị nhiều kiến thức nuôi dạy trẻ, hơn 18 tháng ròng tự tay chăm từng bữa ăn giấc ngủ của con, anh tự hào mình chưa cho con dùng đến một viên thuốc nào. Khi con có dấu hiệu bệnh, anh chọn khám ở những bác sĩ không lạm dụng thuốc. Ảnh: NVCC. |
Không ít trống trải diệu vợi anh chỉ biết trải trong những vần thơ dang dở khi người vợ yêu dấu đã ra đi mãi mãi. Không ít lần anh muốn gục ngã vì bao nỗi chông gai đường đời, tiếng nấc cay nhòe trong gió giữa khắc khoải bộn bề. Tuy nhiên, chính những lúc tưởng chừng mềm yếu nhất thì cũng là lúc chàng trai xứ Nghệ mạnh mẽ nhất vì con.
"Ít ra cuộc đời đã không lấy đi của ba tất cả, ba vẫn còn Ủn để nhớ, để thương, để quay về tìm nơi bình lặng sau cơn sóng dữ. Có nơi để tìm chút hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng là tất cả với ba bây giờ. Thật đáng sợ khi không còn gì bám víu trong dòng nước dữ, con người ta sẽ để mặc cho dòng đời cuốn đi. Mọi cảm xúc như vỡ nát nghẹn ngào, trái tim sẽ chai sạn từ đây. Ba sẽ thành kẻ đầu đường xó chợ, hay có thể là kẻ tâm thần dĩ vãng, phước đức hơn thì ăn mày cửa Phật, hay tệ hơn ai mà biết... Cảm ơn con đã níu ba lại để không gục ngã, để hôm nay nhận thấy tim mình còn thổn thức vì con".
Theo Lê Phương (VNE)