Với chủ đề "Xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ năng lượng và môi trường”, chương trình đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm cá nhân, tổ chức và cơ quan báo chí.
Tham dự tại Diễn đàn có các ông Trần Văn Tùng -Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng hơn 300 tổ chức, cá nhân và các diễn giả.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Đảng và Nhà nước thời gian qua đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển của năng lượng và môi trường tại Việt Nam. Năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TTg về Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. "Năng lượng và môi trường" là 1 trong 4 lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu |
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định số 2117/QĐ-TTg và các quy định khác của pháp luật liên quan để định hướng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng và môi trường.
"Diễn đàn hôm nay là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà đầu tư và nhà khoa học trao đổi về các thành quả trong việc triển khai các chủ trương, chính sách nêu trên; xác định những khó khăn, thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng và môi trường.Đồng thời, đây cũng là dịp để tìm kiếm những cơ hội kinh doanh và mở rộng hợp tác đầu tư", Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Diễn đàn gồm 2 phiên: Phiên tham luận và Phiên tọa đàm. Tại Phiên tham luận, đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có bài trình bày về các nội dung liên quan tới xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ Năng lượng và Môi trường. Chương trình xin trân trọng cảm ơn Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) đã tham gia đồng hành cùng chương trình".
Tại diễn đàn, các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam cần hình thành và phát triển thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, tạo sự bình đẳng trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ năng lượng tái tạo.
Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023 sẽ là cơ hội quý báu để các đơn vị trong các ngành khoa học và công nghệ, công thương, tài nguyên và môi trường nhìn nhận tổng quan, rõ nét về thực trạng các hoạt động liên quan đến ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực Năng lượng và Môi trường.
Kết quả của Diễn đàn là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong hoàn thiện các cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ năng lượng và môi trường mới từ các tổ chức trong và ngoài nước, rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước tiên tiến, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch.