Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần thêm 4.142 tỉ đồng

(PLO)- Chính phủ đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình Mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với kinh phí cần thêm khoảng 4.142 tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày với Quốc hội báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo báo cáo, trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia hiện hành đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, về nguồn vốn, nếu theo Nghị quyết 120/2020 của Quốc hội thì nguồn vốn thực hiện chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Nhưng như vậy thì lại có độ vênh với nguồn kinh phí sự nghiệp. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh, đưa kinh phí sự nghiệp vào nằm chung trong nguồn vốn của chương trình.

Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần thêm 4.142 tỉ đồng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày báo cáo

Cũng từ thực tiễn, một số bộ, ngành địa phương đề nghị đưa một số đơn vị sự nghiệp công lập như các trường đại học, dự bị đại học, trường chuyên biệt vào đối tượng thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia.

Các đề xuất này được Chính phủ đánh giá là có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Chẳng hạn, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc từ năm 1976 đến nay đã đào tạo được hơn 50.000 học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra, trong đó có những dân tộc rất ít người như Ngái, Lự, Mảng, Si La, Cơ Lao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y...

”Nhiều em đã trở thành kĩ sư, bác sĩ, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lí làm việc ở Trung ương và địa phương, đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ vùng biên giới, hải đảo xa xôi của Tổ quốc”, báo cáo Chính phủ nêu.

Các trường như Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương, Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn; Dự bị Đại học trung ương Nha Trang, Dự bị Đại học TP HCM, Trường Hữu Nghị T78, 80, cùng các Đại học Tây Bắc, Tây Nguyên, Tân Trào... cũng được Chính phủ đề nghị đưa vào diện thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia để.

Với các trường dân tộc nội trú, các trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ cũng có những đề xuất cụ thể.

Sau khi đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và tính khả thi đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình, báo cáo của Chính phủ đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đưa các đề xuất điều chỉnh...

Theo đề xuất của Chính phủ, nếu đưa nguồn kinh phí chi thường xuyên cũng như bổ sung đối tượng thụ hưởng thì Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ cần thêm khoảng 4.142 tỉ đồng.

Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết Quốc hội luôn đồng hành Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, với đề xuất này, cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định, bổ sung vào Nghị quyết Kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội Khóa XV một số nội dung như Chính phủ trình.

qh-thanh-ha.jpg
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra

Dù vậy, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiến nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các văn bản, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra khi Quốc hội tiến hành giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm