Trên khắp thế giới, người hâm mộ thể thao lẫn khán giả điện ảnh đang chờ đợi ngày công chiếu bộ phim The Program – phóng tác từ sự nghiệp và bê bối doping của cựu tay đua người Mỹ Lance Armstrong. Ở Việt Nam thì ngược lại, người hâm mộ xe đạp đang được thưởng thức dư vị dịu ngọt về câu chuyện chiếc xe đạp “cứu tinh” của nhà vô địch SEA Games 1999 tại Brunei.
Đêm trước ngày thi đấu, HLV người Nga Yuri Dmitriev và chuyên gia xe đạp Huỳnh Châu kỳ cạch mãi cũng không sửa xong chiếc xe đạp cho Thanh Huyền. "Tôi mượn chiếc từ CLB Hà Nội. Đó vốn là xe để đua đường trường nên không có phuộc nhún để đua địa hình, và thường xuyên hư hỏng", chị kể lại. "Đến sát giờ thi đấu, tôi đã nghĩ bụng 'Thôi thì, hư cũng đành chạy' vì cũng quen chuyện như thế rồi. Hư tới đâu, đạp chỉnh theo tới đó".
Khi chị và ban huấn luyện tuyệt vọng đến mức sẽ thi đấu bằng… niềm tin thì bỗng chốc “ông Bụt” xuất hiện. Đó là Sekson Aroonpong (tên thường gọi là Art, lúc đó là phóng viên tờ Mountain Bike Thailand Magazine, tạp chí chuyên về xe đạp địa hình của Thái Lan). Art cho mượn chiếc xe đạp đúng chuẩn đua địa hình, với lời động viên rằng Huyền đủ khả năng đoạt HC đồng. Nhưng anh đã sai. Dù chưa quen xe mới và lóng ngóng lúc xuất phát, nữ VĐV của Việt Nam vẫn băng băng về đích trước tiên trong sự ngỡ ngàng của tất cả những ai chứng kiến. Chị lúc đó là một tay đua vô danh, không được đánh giá cao khi vào giải.
|
Thanh Huyền trên đường đua. Ảnh:Đức Đồng. |
"Khi ấy mọi người lao đến ôm lấy ăn mừng nên tôi chỉ kịp gặp Art để nói lời cảm ơn, chụp chung một tấm hình rồi bước lên bục nhận huy chương. Còn anh ấy dắt xe đạp đi rồi khuất dạng giữa đám đông. Lúc đó tôi cứ nghĩ anh ấy hành nghề bán xe đạp chứ không biết là phóng viên cho tạp chí xe đạp ở Thái Lan", chị kể. Sau này, khi đã có thêm ba tấm HC vàng, lấy chồng, sinh con, đi làm báo, làm HLV, làm giảng viên… chị vẫn không thể tìm được "ông Bụt" năm xưa, dù vài lần tâm sự với giới truyền thông về người ơn này.
Nói về cuộc đời của nữ cuaro Thanh Huyền, hai chữ “lận đận” có lẽ không sai. Nhưng trước giai đoạn đó, chị cũng từng được sống trong hạnh phúc với bốn lần vô địch SEA Games, trong đó có ba lần liên tiếp – kỷ lục mà chưa có ai phá vỡ tính đến nay, rồi lấy chồng vốn là một bác sĩ thể thao, có hai đứa con đủ nếp đủ tẻ. Lúc đó, Huyền hạnh phúc lắm. "Đời người, mà nhất là phụ nữ còn gì hơn ngoài hạnh phúc gia đình và sự nghiệp ổn định", chị kể.
Rồi cuộc đời ấy bất ngờ lật sang một trang giấy mới, đầy những nét vẽ nghệch ngoạc. Chồng ra đi đột ngột để lại hai đứa con nhỏ, lúc đó đứa lớn bốn tuổi và đứa nhỏ chỉ tròn bảy tháng. Huyền kể, năm đầu tiên sau mất mát lớn chị như “sống trong mơ”, phải đến bốn năm sau mới có thể bình tâm và lấy lại cân bằng nhờ vào triết lý sống kiên cường. "Trong mọi sự khó khăn đều có con đường để giải thoát. Chỉ cần bạn cố gắng hết sức mình và không bỏ cuộc”, chị tâm niệm. Vậy là cứ sống, cứ mưu sinh, vừa làm mẹ vừa làm cha cho hai đứa con.
Cũng có thời gian Thanh Huyền đi học báo chí, thậm chí từng làm phóng viên tập sự cho một tờ báo. Nhưng làm mẹ đơn thân của hai con nhỏ thì lấy đâu ra thời gian mà đi học và làm báo? Rồi cũng phải bỏ dở. Một giảng viên biết đến hoàn cảnh của Huyền cứ tắc lưỡi tiếc nuối cho cô học trò ham học. Ông kể cũng nhiều lần ngỏ ý giúp đỡ về kinh tế, nhưng chẳng khi nào chị chịu nhận. Cũng vì lòng tự trọng. Lúc nào gặp chị cũng vui vẻ, nói chuyện liến thoắng nhưng về lại căn hộ tập thể trong khuôn viên trường Đại học Thể dục thể thao TPHCM, người phụ nữ ấy lại tất bật với các con, cùng hàng chục khoản chi tiêu cứ đeo bám từng ngày.
Làm phóng viên không thành, Thanh Huyền quay trở lại con đường thể thao. Chị hoàn thành khóa Cao học rồi giảng dạy tại trường, nhưng vẫn chưa ổn định được một vị trí nào. Có lúc chị trực thuộc bộ môn điền kinh, lúc khác lại đứng ra lo đội xe đạp nữ năng khiếu... Mới đây nhất, chị chuẩn bị về bộ môn Thể dục.
|
Tài năng và xinh xắn, nhưng cuộc đời Thanh Huyền lại khá truân chuyên. Ảnh: Đức Đồng. |
Giữa dòng đời hối hả trôi, “ông Bụt” năm nào bỗng nhiên lộ diện. Art bây giờ ở Mỹ, và đột nhiên muốn tìm lại cô gái năm nào nên đã nhờ hai phóng viên gốc Việt. Từ thông tin trên báo Tuổi Trẻ, họ lần tìm ra Thanh Huyền. Chị bây giờ vẫn là phận Tấm vất vả chứ chưa được thành Hoàng hậu. Cả hai đã nói chuyện với nhau qua điện thoại, và Art hẹn năm sau sẽ đến Việt Nam để gặp Huyền. Đó sẽ là cuộc hạnh ngộ đầu tiên của họ sau 16 năm. Chiếc xe đạp năm nào Art vẫn giữ và thường xuyên sử dụng, như một vật kỷ niệm quý giá.
Nhân duyên có nảy nở thêm không thì chưa biết, nhưng những tấm chân tình cuối cùng cũng lại tìm được nhau.