Ở phường An Phú Đông (quận 12, TP.HCM), nhắc tới anh Nguyễn Ngọc Châu, cán bộ tư pháp phường đồng thời là thầy giáo lớp học tình thương thì ai cũng biết.
Lớp học tình thương đặt tại một phòng học thuộc Trung tâm Học tập cộng đồng của phường An Phú Đông, trên đường Vườn Lài (thuộc khu phố 2). Lớp có 35 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Những cái bàn không còn mới được xếp thành hai dãy. Học sinh lớp 1 và lớp 2 ngồi hai dãy đầu, tiếp đến là học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 ngồi sau cùng. Áo quần mỗi em mỗi kiểu, mỗi màu. Có đứa mặc đồ đá bóng, có đứa mặc luôn bộ áo quần chưa kịp thay sau một ngày đi bán vé số.
Mỗi tuần ba buổi, từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30, bọn trẻ đều đặn đến lớp. Khác với giáo viên ở trường phổ thông, trong giờ học thầy Châu phải di chuyển gần như liên tục. Vừa giảng xong bài cho nhóm học sinh lớp 1 thầy đã bước qua nhóm lớp 2, rồi nhóm lớp 3, lớp 4. Rồi lại trở về nhóm lớp 1. Thấy thầy vất vả, một số em lớp 5 phụ thầy chỉ bài cho các em lớp nhỏ hơn khi chúng có thắc mắc bài vở.
Thầy Nguyễn Ngọc Châu bên các học trò lớp học tình thương phường An Phú Đông (quận 12, TP.HCM). Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Lớp học của thầy Châu lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười hòa lẫn với tiếng giảng bài của thầy.
Thầy Châu cho biết các em học sinh chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây như Long An, Bến Tre… Gia đình các em lên TP mưu sinh, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn nên việc đi học của các em là cả một vấn đề, nhất là học phí. Nhiều em đành phải ở nhà phụ gia đình kiếm sống. Thấy tình cảnh thất học của các em, UBND phường An Phú Đông đã vận động các em đến lớp học tình thương, đồng thời hỗ trợ kinh phí một phần cho các em học tập.
Lúc đó là cán bộ đoàn, thầy Châu tham gia vận động các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân, doanh nghiệp… giúp đỡ tập vở, bút viết cho các em, đồng thời do thiếu giáo viên nên anh tình nguyện đứng lớp luôn.
Đó là năm 2003, thầy Châu đang học lớp 12, đồng thời là phó bí thư đoàn phường. Thầy vừa làm công tác đoàn vừa theo học ĐH Luật TP.HCM hệ tại chức, sau khi ra trường thầy tiếp tục công tác tại phường với nhiệm vụ cán bộ tư pháp.
Năm 2011, thầy Châu lập gia đình và nay đã có một bé gái hai tuổi rưỡi xinh xắn. Công việc hằng ngày của một cán bộ tư pháp luôn bận rộn nhưng thầy Châu vẫn dành thời gian đến với lớp học đều đặn. Tính ra, đến nay thầy Châu đã có thâm niên 12 năm đứng lớp. Lứa học trò đầu tiên của thầy nay đã có em vào đại học.
Khi hỏi thầy về dự định tương lai, thầy Châu chia sẻ: “Tôi sẽ luôn theo lớp học khi mà các trẻ em nghèo còn cần đến tôi. Làm một công việc mang lại hạnh phúc cho nhiều người đó là một niềm vui của tôi. Tôi còn được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ đồng nghiệp và nhất là vợ tôi nên tôi sẽ không bỏ các em, dù khó khăn đến thế nào”.
Thầy Châu rất thương trò Lớp học tình thương của thầy Châu đã giúp con em nhiều gia đình nghèo được đến lớp, điều mà họ ao ước nhưng không làm được vì đa số họ là dân nhập cư, cuộc sống còn rất khó khăn. Hơn 12 năm nay, có rất nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ lớp học tình thương này đã tìm được công ăn việc làm, trở thành người có ích cho xã hội và gia đình. Với tôi và người dân phường An Phú Đông, thầy Châu là một người thầy hết sức mẫu mực và rất thương học trò. Thầy dạy các em bằng cái tâm của một người thầy giáo. Tôi và các phụ huynh rất trân trọng tấm lòng của thầy Châu. Ông MÃ HUY TÂN, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú Đông (quận 12, TP.HCM) |