Tại TP.HCM, cùng với đêm nhạc miễn phí cho hàng chục ngàn người tại Phú Mỹ Hưng thì năm nay, Đường sách TP.HCM còn trở thành không gian đặc biệt cho nhiều sự kiện về Trịnh.
Như thông lệ hằng năm, ngôi nhà Trịnh Công Sơn từng sống (47C Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM) sẽ mở cửa cho người hâm mộ đến viếng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ngày 1-4. Từ 6 giờ sáng, tại đây sẽ có chương trình thăm mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở nghĩa trang Gò Dưa cùng gia đình nhạc sĩ.
Cùng với đó, chương trình nhạc Trịnh Công Sơn tại Phú Mỹ Hưng dự kiến thu hút 35.000-40.000 khán giả, diễn ra vào ngày 23-4 tại khu Công viên Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7 (TP.HCM).
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và hai em gái Trịnh Hoàng Diệu (trái) và Trịnh Vĩnh Trinh (phải)
Đây là năm đầu tiên một chuỗi nhiều sự kiện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng sẽ được tổ chức tại Đường sách TP.HCM với tên gọi Tuần lễ Trịnh Công Sơn diễn ra từ ngày 28-3 đến 3-4.
Hoạt động lớn nhất của tuần lễ Trịnh là chương trình triển lãm và trình diễn áo dài của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với tên gọi Tuần lễ áo dài - Nhịp cầu văn hóa tại Đường sách TP.HCM, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM đang diễn ra. Chương trình do gia đình nhạc sĩ, Công ty Le Media và Công ty truyền thông Lê và Anh Em (Le Bros) phối hợp tổ chức.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh
Mỗi bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu thường lấy cảm hứng từ chính những sáng tác của người anh trai. Chất liệu vải mà bà Trịnh Hoàng Diệu chọn thường là gấm và lụa từ những người thợ dệt thủ công có tay nghề. Những bộ áo dài trình diễn trong đợt này đều hướng đến tình nghĩa phu thê, nhiều thiết kế mới hướng đến nam giới.
Tuần lễ Trịnh Công Sơn ở Đường sách TP.HCM sẽ có phần trình diễn áo dài do nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, em gái cố nhạc sĩ thiết kế.
Chương trình sẽ khai mạc vào 16 giờ ngày 28-3 tại không gian sách Đẹp Cafe, Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM).
Chia sẻ về thiết kế áo dài, bà Trịnh Hoàng Diệu cho rằng đó là hành trình đi tìm vẻ đẹp của sự bình an. “Cũng giống như bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của anh Sơn, tôi quan niệm rằng chỉ khi chúng ta được sống an vui, thanh thản và yêu đời thì mới có thể tạo ra cái đẹp một cách vẹn toàn nhất, khi đó, cảm hứng dành cho cái đẹp sẽ đến một cách tự nhiên. Bởi với tôi, chiếc áo dài không chỉ là phục trang, mà là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi độ tinh tế trong thẩm mỹ. Tôi luôn có những rung động trước màu sắc, sự biến tấu trên các đường nét khi đặt cọ vẽ một tà áo dài. Cả tôi và anh Sơn thường hay chia sẻ với nhau rằng nghệ thuật là cuộc sống, còn cuộc sống là hành trình tái tạo và lưu giữ vẻ đẹp”.
Những bức thư tình của Trịnh Công Sơn và Dao Ánh sẽ có mặt ở Đường sách TP.HCM
Bên cạnh đó, điểm nhấn của tuần lễ Trịnh Công Sơn là triển lãm sách Trịnh Công Sơn của nhiều tác giả. Trong đó đáng chú ý là quyển sách Thư tình gửi một người với ấn bản đặc biệt kích thước 0,5x2,5m. Đây là cuốn sách tập hợp những lá thư và hình ảnh mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi cho Ngô Vũ Dao Ánh, người con gái đã là nhân vật trong nhiều khúc tình ca của nhạc sĩ từ năm 1964 đến năm 1989.
. Đêm Thao thức cùng Trịnh diễn ra suốt đêm tại mộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở nghĩa trang Gò Dưa (tối 1-4) do ông Ngô Hữu Lợi từ TP Huế vào tổ chức. Dự kiến đêm này sẽ thu hút khoảng 200 người với sự tham gia của đạo diễn Trần Văn Thủy và tác giả Lê Thanh Dũng. . Tuần lễ triển lãm tranh Trịnh Công Sơn tổ chức tại khách sạn Hoàng Đế (TP Huế) từ ngày 29-4 đến 4-5 của nhóm các họa sĩ trong và ngoài nước vẽ về Trịnh Công Sơn. . Chuỗi đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 1,2 và 3-4 do NSND Trần Bình và Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam tổ chức. |