Quê anh hùng LLVTND Hồ Thị Lý ở Hòa Xuân, huyện Hòa Vang, nay thuộc quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Từ nhỏ, nhà nghèo nên bà phải đi giữ trâu cho người trong thôn. Cha là cơ sở cách mạng trong chống Pháp, sau năm 1954, bị chế ngộ Ngô Đình Diệm bắt, tra tấn đến bệnh rồi chết.
Mới 8 tuổi, bà không biết gì về nguyên nhân cái chết cha mình cho đến khi được ông Hồ Sâm, bí thư chi bộ xã giác ngộ điều đó. Trước khi biết ông Hồ Sâm là phía cách mạng, bà chỉ biết ông là người chăn vịt. Vài ngày ông gọi cô bé Muối (tên gọi hồi nhỏ của bà) đến mang tờ giấy bé xíu mà ông cuộn lại rất kỹ bảo mang đến cho bà Chín Hý, dặn đến lấy trứng.
Bà không nhớ đã đi bao nhiêu lần như thế. Từ mờ sớm, giao trâu cho người cày bừa, nắng cũng như mưa, bà lội mấy cánh đồng, bỏ lại những con chó hung hãn sủa râm ran đuổi theo để đến địa chỉ cần gặp. Phần thưởng ông Sâm cho Muối là vài quả trứng vừa lành vừa móm (bể phần vỏ).
Khi thấy Muối vững vàng, dạn dĩ, ông Sâm giao việc lớn hơn. Đó là một đêm vào mùa mưa, dân làng đi bắt cá rất nhiều. Muối cũng cầm một cái giỏ đi theo, nhưng không ra đồng mà chạy đến trước nhà ông Tùng, cùng với 2 đồng chí đang chờ, báo tin. Đến 11 giờ, lính nghĩa quân tập kích đầu làng. Nhỏ người, nhanh nhẹn, Muối chạy nhanh về báo ông Mại. Anh Tố, một trong hai người cùng đi, chạy hướng khác, bị địch bắn chết.
Vợ chồng anh hùng Hồ Thị Lý. |
Thấy Muối hớt hãi về trong đêm khuya với đầu tóc ướt sũng, lại nghe tiếng súng đầu làng, người mẹ hiểu ra sự việc, nghiêm giọng: "Ngày mai con không được đi nữa". Vậy mà Muối vẫn đi làm cách mạng bằng cách của mình.
Tiểu đoàn 51 của địch đóng ở thôn, Muối lân la ra làm quen, nhổ tóc sâu, gãi lưng cho đến khi chúng ngủ lăn, lấy lai rai hàng chục quả lựu đạn đem về cho phía mình. Đi phụ hồ cùng người anh ở sân bay Đà Nẵng, Muối biết quan sát, nhớ kỹ về kể cho ông Hồ Sâm nghe về cách bố trí lực lượng địch. Có lần phát hiện trong thùng rác của chúng, cùng với thịt hộp, thuốc lá, còn có mấy quả M26... cô nhặt hết, giấu trong giỏ ngang nhiên mang về. Chúng không chút nghi ngờ, kiểm soát vì thấy nhóc phụ hồ quá bé.
Mấy năm làm liên lạc, thấy đã trưởng thành, cơ sở phân công Hồ Thị Lý lên núi học trường đặc công và trở thành biệt động thành Đà Nẵng. Với mái tóc đen nhánh, dài quá lưng; nụ cười tươi giòn, hàm răng trắng muốt, cô lân la làm quen với bọn Mỹ và được chúng mến mộ.
Ngày 3/3/1968, Lý vào câu lạc bộ của địch đặt mìn diệt 36 tên, trong đó có nhiều sĩ quan cấp tá. Nhớ nhất là trận đánh ngày 22/11/1969, địch tập trung xe tăng ở đầu cầu Trịnh Minh Thế để chuẩn bị đi càn quét, Hồ Thị Lý bí mật đặt mìn và một gói truyền đơn vào giữa bãi xe. Mìn nổ, một số xe bốc cháy, truyền đơn bay khắp bãi.
Tính ra trong suốt thời gian làm biệt động thành Đà Nẵng, Hồ Thị Lý đã chỉ huy đánh 26 trận. Riêng Lý đã diệt 79 tên, làm bị thương 18 tên, thu 24 súng, phá hỏng nhiều xe quân sự. Lý đã ba lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Cuối năm 1969, Hồ Thị Lý bị bắt, nhưng đã kịp phi tang tài liệu. Địch tra tấn nhiều kiểu nhưng vẫn không làm lung lay nữ quận đội phó trung kiên. Trong tù, bà cùng các đồng chí của mình tổ chức 36 lần đấu tranh chính trị. Ra tù, năm 1973, bà tiếp tục hoạt động là quận đội phó cho đến khi về hưu. Bà được tuyên dương anh hùng LLVTND năm 1976, có phần chậm trễ do bị bắt, dù mọi thủ tục tuyên dương anh hùng đã hoàn tất từ năm 1968.
Chuyện tình của bà cũng hấp dẫn không kém chuyện đánh giặc. Ông Đặng Công Tùng người cùng quê, ở bên kia sông Tùng Lâm, là cháu bà Chín Hý mà Muối vẫn thường liên lạc. Biết nhau từ nhỏ lại được gia đình tác động, bà đồng ý làm vợ ông lúc 17 tuổi. Lễ dạm hỏi đã được tổ chức, vậy mà bà tuyên bố, đi đánh giặc trước, cưới xin sau. Yêu bà, ông cũng chịu thua. Lần gặp cuối cùng giữa hai người là ở cây rơm nhà bà khi ông quyết định thoát ly. Ông chỉ đủ dạn dĩ kêu bà ra nói nhỏ: "Ngày mai tôi đi. Ở nhà tính sao thì tính".
Có lần ông viết thư, nhờ người chuyển xin tấm ảnh Lý cho đỡ nhớ. Bà nghịch ngợm gửi ông tấm ảnh mặc quần áo cao bồi ngổ ngáo. Ông không dám để bên mình, gửi về gia đình giữ giúp. Nhà ông thấy ảnh "gai gan", cất luôn. Tấm ảnh nổi tiếng đó chưa ai thấy lại lần thứ hai. Năm 1968, bà lên núi dự chiến sĩ thi đua, ông nghe tin băng bộ tìm đến thăm nhưng không kịp gặp. Bà bị bắt, rồi ông cũng vào tù, người Côn Sơn, kẻ Phú Quốc. Mãi đến năm 1974, hai người mới chính thức cưới nhau sau 16 năm chờ đợi.
Cuộc sống của hai vợ chồng cựu chiến sĩ biệt động sau ngày giải phóng rất khó khăn. Bà bị địch tra tấn nhiều nên đau ốm thường xuyên. Có lúc bệnh viện 108 quân đội thành địa chỉ thân quen của bà. Ba đứa con còn nhỏ dại. Vậy mà nhờ tình yêu đằm thắm, cả hai vượt qua tất cả. Ông luôn là chỗ dựa vững chãi của bà.
Bây giờ cuộc sống của bà đã ổn định. Hai con rể đều là sĩ quan quân đội. Con trai cũng từng trong quân ngũ. Các thành viên thường không mấy khi có mặt đầy đủ, nhưng mỗi lần gặp lại mang đậm chất lính, sôi động, rộn rã, tạo động lực để con cháu bà luôn phấn đấu và trưởng thành, xứng đáng với truyền thống gia đình.
Theo Công an Đà Nẵng