Ngay sau các bài viết "Vụ cô gái bị tai nạn không ai cứu: Tôi đau lắm" (tác giả là bạn đọc Thái Hoàng); "Vụ cô gái bị tai nạn không ai cứu: Vì sao tôi chọn bỏ đi?" (tác giả là bạn đọc Võ Phạm) được đăng tải, PLO đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ bạn đọc xung quanh vấn đề bỏ mặc người bị tai nạn.
Vì sợ vạ lây nên không dám cứu
Nhiều bạn đọc cho rằng hành vi bỏ mặc cô gái gặp tai nạn ở quận Tân Phú là do sợ gặp rắc rối về sau. Chúng tôi xin tổng hợp lại một số ý kiến bình luận của bạn đọc được gửi về theo chiều hướng này.
- Tôi từng giúp người và suýt bị người nhà nạn nhân đánh chết vì tôi chở người bị tai nạn vào bệnh viện nhưng họ lại nghĩ tôi là người gây tai nạn. Họ không hỏi một lời, tự dưng 4 người xúm lại đánh tôi. Sau đó lại xin lỗi. Đúng là cứu vật vật trả ơn, cứu người người trả oán... Những người bạn cứu không phải ai cũng có hiểu biết - Nguyễn Tự Lập.
Nhiều người đi đường chỉ đứng nhìn hai nạn nhân nằm trên vỉa hè ở quận Tân Phú.
- Nhìn clip thì thấy đúng là quá vô cảm và tự nhủ rằng nếu có mình ở đó thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác, rằng mình đã tìm mọi cách để cứu cô gái ấy. Thế nhưng, thật tâm nhìn lại, nếu ngay lúc đó ở trong hoàn cảnh đêm hôm khuya vắng như thế, tôi không chắc mình có đủ can đảm để quyết định dừng lại cứu hay không- Lê Phương.
- Thật là tội nghiệp cho cô gái trẻ bị tai nạn mà không ai cứu giúp. Nhưng tôi cũng có suy nghĩ như tác giả bài viết trên. Đưa người vào bệnh viện thì bị giữ lại để xem có phải là người gây tai nạn không, sau đó còn bị công an mời lên mời xuống... Nếu nạn nhân còn sống thì đỡ hay có camera như vụ vừa rồi thì được minh oan, không thì rắc rối với gia đình nạn nhân và pháp luật. Trước khi kêu gọi tình người với nhau thì ít nhất các cơ quan chức năng như bệnh viện, công an phải có cách làm việc như thế nào đó để mọi người cảm thấy yên tâm khi giúp người- Tu Huynh
- Tui giúp đưa một bà già khoảng hơn 70 tuổi một chút bị tai nạn về nhà bà ở Trác Văn-Duy Tiên-Hà Nam. Bà bảo với người nhà bà là tui gây tai nạn cho bà. Cả nhà họ chửi tui. May mà chưa bị đánh- Linh.
- Cách đây vài năm, tôi cũng suýt trở thành nạn nhân lúc cứu giúp người bị nạn, máu chảy rất nhiều... Sau đó, người nhà nạn nhân lao vào đánh vì tưởng tôi là thủ phạm. Vụ khác, sau khi đưa nạn nhân đi bệnh viện, tôi bị giữ lại rất lâu làm "thủ tục" giấy tờ thay người nhà và sau đó là công an mời tới lấy lời khai... Điều chán nhất là tôi bị đối xử như kẻ có lỗi... Lòng tốt, lòng trắc ẩn ai cũng có ít nhiều, nhưng trải qua sự phức tạp sau khi hành hiệp hay đã từng bị rầy rà bởi các cơ quan công quyền, thì việc mọi người né chuyện là dễ hiểu, dù bị chê là vô cảm. Xã hội phương tây ở các nước giàu cũng thế thôi! - NSQ13
Dù bị vạ lây nhưng vẫn phải cứu người
Tuy nhiên, hầu hết các bình luận bạn đọc gửi về là bày tỏ sự phẫn nộ khi cho rằng những người đi đường thấy cô gái và người thanh niên gặp nạn mà vẫn không giúp là quá vô cảm. Rất nhiều bạn đọc kêu gọi mọi người hãy xắn tay áo bằng nhiều cách cứu người trong khả năng của mình (gọi cảnh sát, xe cứu thương, hoặc cùng thuyết phục những người đi đường khác đưa nạn nhân đến bệnh viện)...
- Cô gái ấy nằm trên lề đường ở quận Tân Phú (TP. HCM) một mình suốt mười mấy phút sáng sớm 25-6. Cô đã ra đi vĩnh viễn mà không thể nhắn gửi ai đó chuyển một lời tới mẹ, tới con gái. Cặp mắt cô trước khi khép lại rất có thể đã nhìn thấy những bóng người lướt qua. Sao mọi người tàn ác đến như vậy? Đừng ngụy biện cho sự hẹp hòi, ích kỷ và bởi sự tàn ác của mình nữa. Không chở họ đi bệnh viện thì cũng móc điện thoại để gọi cho cảnh sát hay y tế mà. Nhưng họ vô cảm và quá tàn ác với đồng loại khi chỉ đứng nhìn rồi đi- Bùi Ngọc
- Đừng nhìn thấy những rắc rối xung quanh rồi tự co mình lại, không dám làm gì. Cứ hãy giúp người đi đã...- Hoàng Đông.
- Chính tôi đã từng cứu giúp người gặp nạn ít nhất 3 lần mà cũng không có được đến một lời cảm ơn. Mặc kệ, việc cần thì mình cứ làm thôi! - Xuân Trường.
- Người xưa từng dạy: "Thi ân bất cầu báo". Nếu bạn có lòng cứu người thì cứ làm, đừng ngụy biện này nọ. Bạn đứng đó "tư duy" thì có khi đã muộn cho nạn nhân. Sao phải đắn đo - Phạm Minh Thạo
- Giúp người thì đừng nghĩ lý do. Giúp người là vì cái tâm chứ không phải vì một lý do nào khác. Nếu trong một hoàn cảnh như vậy, tôi giúp cô gái đó có thể sống sót, dù tôi ở tù tôi cũng đồng ý. Nhiều người nghĩ quá nhiều lý do để từ chối rồi dần họ sẽ bỏ mặc hết với nhũng lý do đó. Sự vô tâm của những đi ngang qua vụ tai nạn này, kèm theo sự nhẫn tâm của tài xế taxi là một bài học đắng lòng cho cộng đồng - Trần Văn Tài.
Từ các bình luận của bạn đọc đã phản ánh đa dạng bức tranh xã hội trong câu chuyện này. Chúng tôi cho rằng, việc cứu giúp người gặp nạn có thể khiến người tốt gặp rắc rối, bị hiểu nhầm sau đó. Tuy nhiên, không thể vì những rắc rối đó mà chúng ta có thể dửng dưng bỏ mặc đồng loại của mình. Tính mạng con người phải được đặt lên trên hết, dù bất kể lý do gì. Những hiểu nhầm hay rắc rối về sau rồi cũng sẽ được hóa giải, nhưng sự sống-chết của một người có khi nằm ở quyết định của bạn trong vài giây.