Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức ban hành Thông tư 31/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Với quyết định này, doanh nghiệp (DN) tiếp tục được vay ngoại tệ đến cuối năm 2017.
Cơ hội được vay ngoại tệ giá rẻ
Theo thông tư trên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước. Qua đó nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.
Điều kiện để được vay là khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Bên cạnh đó, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot)...
“Đối với các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ khác vẫn được giữ nguyên” - thông tư của NHNN nêu rõ.
Nhiều công ty xuất khẩu lẫn các ngân hàng tỏ ra hồ hởi trước thông tin trên. Bởi việc sớm công bố thông tin trên giúp cộng đồng DN chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch trong năm tới. Đặc biệt DN xuất khẩu có thu ngoại tệ trong tương lai có thể được vay USD với lãi suất thấp. Ví dụ các công ty xuất khẩu có thể được vay USD ngắn hạn lãi suất chỉ ở khoảng 3%-5%/năm, so với vay bằng VND lãi suất 5%-8%/năm.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, nhận xét: “Việc NHNN nới thời gian cho vay ngoại tệ còn làm giảm gánh nặng về rủi ro biến động tỉ giá, tăng tính thanh khoản ngoại tệ bởi đây là những DN có nguồn thu bằng ngoại tệ. Về phía ngân hàng cũng chủ động nguồn vốn ngoại tệ để đáp ứng đủ nhu cầu cho các DN xuất khẩu”.
Lãnh đạo một công ty xuất khẩu may mặc cũng phân tích hiện DN trong nước phải gánh nhiều áp lực từ thuế, phí, lãi suất cho vay bằng tiền đồng cao gấp đôi so với lãi suất cho vay bằng USD. Riêng các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đem lại nguồn thu ngoại tệ cho Nhà nước, nếu tiếp tục phải đối mặt thêm với chính sách siết cho vay ngoại tệ thì chẳng khác nào làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt trên thị trường quốc tế.
“Do vậy, việc hỗ trợ DN xuất khẩu bằng cách kéo dài thời gian cho vay ngoại tệ là hoàn toàn phù hợp. Đặc biệt tránh làm xáo trộn tâm lý bất lợi liên quan trên thị trường ngoại tệ thời điểm cuối năm” - vị đại diện công ty trên nói.
Giá USD tăng nóng trong mấy ngày qua nhưng NHNN khẳng định cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt. Ảnh: TL
Sẵn sàng tiếp ứng cho DN
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nhận định các DN nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TP. HCM khá nhiều và họ có cơ hội được tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi, trong khi các công ty trong nước nhiều khi lại không có cơ hội. Thế nên với việc gia hạn thời gian cho vay ngoại tệ tại Thông tư 31 sẽ tạo cơ hội để các công ty xuất khẩu trong nước được hưởng lãi suất cạnh tranh.
“Qua đó, hỗ trợ cho xuất khẩu, tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước” - ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Minh, hiện thanh khoản về ngoại tệ của các ngân hàng khá dồi dào, sẵn sàng đáp ứng cho các công ty xuất khẩu. Chẳng hạn chỉ riêng lượng kiều hối đổ về địa bàn TP trong năm nay ước đạt khoảng 5,6-5,8 tỉ USD, cao hơn với năm ngoái. Hơn nữa, các DN xuất khẩu sau đó sẽ bán lại ngoại tệ cho ngân hàng nên không gây áp lực nguồn cung ngoại tệ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì đánh giá tỉ giá USD/VND trong năm nay khá ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ tăng khoảng 1% so với đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ thì khó có thể đoán định trước điều gì sẽ xảy ra với thị trường ngoại tệ. Do vậy, để đảm bảo tính thanh khoản ngoại tệ, không gây áp lực lên tỉ giá, NHNN nên để lãi suất huy động USD tối thiểu cũng ở mức tượng trưng 1%/năm.
“Bởi với DN xuất khẩu thì tỉ giá ổn định được xem là yếu tố quan trọng trong hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Hiếu nói.
Một số chuyên gia khác thì góp ý chính sách cho vay ngoại tệ cần có sự ổn định và lâu dài tương đối chứ không nên thay đổi thường xuyên như thời gian qua (NHNN đã nhiều lần ngừng rồi mở lại cơ chế cho vay ngoại tệ). Điều này khiến DN khó chủ động được kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Nhu cầu ngoại tệ không tăng đột biến Theo NHNN, trong hơn 10 tháng đầu năm, tỉ giá về cơ bản ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế đã giảm mạnh so với trước đây nhờ cách thức điều hành tỉ giá mới linh hoạt và những diễn biến thuận lợi về cung cầu ngoại tệ. Trong những ngày qua, diễn biến tăng tỉ giá là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỉ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Giá đôla Mỹ chao đảo Đến đầu giờ chiều 18-11, giá USD trên thị trường tự do neo ở mức 22.590-22.620 VND/USD. Con số này đã tăng 80 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên một ngày trước đó. Giá USD tại nhiều ngân hàng cũng tiếp tục tăng cao. Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8-11 ở Mỹ, giá USD tự do mới ở mức khoảng 22.330 VND/USD. Như vậy chỉ sau 10 ngày, giá USD tự do đã tăng trên 300 đồng. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 220-250 đồng/đôla. |