Nhưng qua nghiên cứu, người ta nhận thấy những công việc cần sự điều tiết của mắt trong thời gian dài (nhìn những con số nhỏ, đọc sách, tiếp xúc màn hình máy tính...) trong điều kiện không đủ ánh sáng có liên quan tới cận thị.
Ngoài ra, những yếu tố di truyền, dinh dưỡng, trẻ sinh thiếu tháng cũng có liên quan tới bệnh này. Vì vậy việc hiểu biết và lựa chọn các phương pháp khắc phục và điều trị là rất cần thiết.
Nguyên nhân và nguy cơ
Cận thị là do sự mất cân đối giữa chiều dài nhãn cầu và lực quang học của mắt khiến cho ảnh hội tụ trước võng mạc. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân trực tiếp: cận thị do chiều dài nhãn cầu lớn hơn bình thường, cận thị do giác mạc hay thủy tinh thể gia tăng độ cong, cận thị do chỉ số khúc xạ: sự tăng giảm chỉ số khúc xạ thủy tinh thể gây cận thị.
Các bước trong phương pháp phẫu thuật Lasik.
Các yếu tố thuận lợi bao gồm yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong bệnh cận thị nhưng trong tật cận thị chỉ đóng vai trò thứ yếu. Yếu tố tư thế cơ thể bao gồm làm việc hay đọc sách với khoảng cách gần thời gian lâu dài.
Triệu chứng và tiến triển của bệnh
Khi bị cận thì tình trạng nhìn mờ sẽ xảy ra, nhìn gần rõ. Bệnh nhân cận thường nheo mắt để nhìn rõ, người cận thị thường nheo mi mắt lại khi nhìn một vật. Ở một số trường hợp mỏi mắt: khô cộm mắt, nặng mi mắt, hoa mắt.
Cận thị đơn thuần tăng dần cho đến 25 tuổi. Trong khoảng thời gian dậy thì, cơ thể tăng trưởng mạnh nên độ cận thị tăng nhanh hơn. Sau 25 tuổi tật cận thị ổn định. Đôi khi tuổi trưởng thành tật cận thị có thể thay đổi chút ít do ảnh hưởng của một số bệnh lý.
Có nên phẫu thuật chữa cận thị?
Với sự tiến bộ nhanh vượt bậc của khoa học, ngày nay chúng ta có 2 cách chọn lựa chính để điều chỉnh sự sai lệch khúc xạ của mắt hoặc bằng kính đeo hoặc bằng phẫu thuật.
Ưu điểm của điều chỉnh bằng kính: Đây là kỹ thuật đơn giản. Không chọn lựa bệnh nhân, điều chỉnh độ sai lệch chính xác, tiên đoán được.
Ưu điểm của phẫu thuật khúc xạ: Phương pháp phẫu thuật hiện nay được xem là vấn đề thời sự trong ngành khúc xạ. Hầu hết các bệnh nhân đều rất hài lòng sau một phẫu thuật tốt đẹp. Tuy nhiên trong phẫu thuật khúc xạ có sự thay đổi đặc tính cơ sinh học của giác mạc, sự lành vết thương của giác mạc... là điều cần cân nhắc khi thực hiện các phẫu thuật này.
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể trong:
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể trong là một phẫu thuật lấy đi thủy tinh thể còn trong suốt, có hay không có đặt kính nội nhãn. Dựa trên lý thuyết cận thị là do hoặc chiều dài nhãn cầu lớn hơn công suất hội tụ của mắt hoặc công suất hội tụ của mắt gồm giác mạc và thủy tinh thể lớn hơn do với chiều dài nhãn cầu. Do vậy, chỉ cần lấy đi thủy tinh thể là có thể điều trị tật cận thị.
Chỉ định: Phẫu thuật dùng cho những người tật khúc xạ cao trên 8 diopters mà không dễ dàng xử lý bằng những phương pháp điều trị khúc xạ khác chẳng hạn như Lasik, đeo kính. Không phẫu thuật đối với những bệnh nhân có bệnh lý võng mạc.
Ở những bệnh nhân cận thị nặng mà có kèm theo bệnh lý võng mạc sẽ có nguy cơ bong võng mạc sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể. Đây là phương pháp tương đối dễ thực hiện, cải thiện thị lực tốt. Độ ổn định tốt so với các phương pháp phẫu thuật khúc xạ khác. Tương đối chính xác.
Phẫu thuật bào mỏng giác mạc bằng Laser Excimer (LASIK)
Hiện nay phẫu thuật LASIK khá phổ biến và đem lại kết quả rất khả quan cho những người cận thị. Dựa trên nguyên lý cận thị là do hoặc chiều dài nhãn cầu lớn hơn công suất hội tụ của mắt hoặc công suất hội tụ của mắt gồm giác mạc và thủy tinh thể lớn hơn do với chiều dài nhãn cầu. Do vậy, chỉ cần làm mỏng bớt độ cong giác mạc là có thể điều trị tật cận thị.
Phương pháp này được áp dụng với bệnh nhân cận thị trên 25 tuổi và độ cận là +-1 Dioptre ≤ cận thị ≤ -12 Dioptre. Đối vối những người khúc xạ mắt chưa ổn định; một số bệnh lý mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc...; bệnh nhân không hợp tác tốt như nằm yên, không lắc đầu... không được áp dụng phương pháp này.
Phương pháp này có ưu điểm: Phẫu thuật nhanh gọn trong vòng 10 phút, dễ thực hiện, kỹ thuật đơn giản. Không đau nhức, hậu phẫu nhẹ nhàng, dễ chăm sóc, ít gây khó chịu cho bệnh nhân. Phục hồi thị lực tốt.
Cách ngăn chặn cận thị tiến triển Đối với người có tật khúc xạ thì cần ăn uống với chế độ đầy đủ dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh (rau có màu lục đậm, củ màu đỏ cam...), trái cây tươi, cá,... Để tránh sự tiến triển của tật khúc xạ: Nên đi khám để được phát hiện sớm các loại tật khúc xạ. Khi đã xác định có tật khúc xạ nên đeo kính đúng độ, tái khám đúng định kỳ để theo dõi tật khúc xạ. Có chế độ học tập, làm việc đúng trong môi trường đầy đủ ánh sáng, để mắt đúng tầm nhìn. Đặc biệt khi phải nhìn gần, đọc sách, báo, vi tính nhiều phải có thời gian để mắt nghỉ ngơi (mỗi 15-20 phút phải nhắm mắt để cho mắt nghỉ ngơi, không được để đến khi mắt mệt, mỏi, mờ mới nghỉ. Sau khi nhắm mắt nghỉ nên nhìn rõ vào một vật ở xa cách mình 4-5m để cho mắt thư giãn). |
Theo BS Nguyễn Thế Anh (Suckhoedoisong)