Cố tình bùng nợ: 'Con dao hai lưỡi' cho người vay

(PLO)- Thực trạng bùng nợ ngày càng gia tăng đang khiến cả người vay và tổ chức cho vay chính thống gặp nhiều khó khăn, để lại những hệ lụy khôn lường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ vay chỗ nọ đắp chỗ kia đến bùng nợ

Cách đây 3 tháng, chị Tú (công nhân tại Hà Nội) cần tiền để lo cho đám cưới, đã vay nóng một app online không rõ nguồn gốc với số tiền 10 triệu đồng. Cứ nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn nhưng một sự cố ập đến khiến chị Tú không có tiền trả nợ đúng hạn. Gốc cộng lãi lúc đó hơn 18 triệu đồng nên chị đã quyết định liều vay app khác để trả nợ. Do không kiểm tra kỹ điều khoản, cùng lãi suất, chị tiếp tục nợ thêm 50 triệu đồng. Khoản nợ ngày càng phình to đến khi tổng số nợ phải trả lên đến 100 triệu, vượt quá sức chi trả. Sau đó, chị liên tục bị gọi điện khủng bố đòi nợ, thậm chí bị bêu rếu lên mạng xã hội, khiến tinh thần và sức khỏe của chị Tú vô cùng sa sút, không còn nghĩ đến tổ chức đám cưới. Sau khi nhờ vả người quen thì được họ tư vấn rằng: “Mày cứ vay công ty tài chính đi mà trả nợ. Xong việc thì bùng nợ cũng chẳng sao đâu. Mấy công ty này không dám đòi gắt đâu.”

Không chỉ riêng trường hợp chị Tú, thời gian gần đây, sau khi công an mở một loạt các cuộc kiểm tra, khám xét các tổ chức cho vay thì tình trạng bùng nợ tại các công ty tài chính diễn ra ngày càng nhiều. Cụ thể, nhiều người dân cho rằng hoạt động thu hồi nợ là phạm pháp và đánh đồng các công ty tài chính với tín dụng đen, từ đó, xuất hiện nhiều hành vi cố tình chây ì, lôi kéo quỵt nợ, khiến hoạt động thu hồi nợ tại các công ty tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể, trên các trang mạng xã hội, các hội/nhóm dạy nhau cách “bùng nợ” vay từ công ty tài chính mọc lên ngày càng nhiều. Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hay “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội/nhóm kín, với số lượng thành viên đăng ký tham gia từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, có thể kể đến như: Cập nhật App vay mới – cách bùng App vay và… (100.497 thành viên); Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng (27.000 thành viên); Chuyên tư vấn bùng nợ-xóa nợ xấu FE, App…(43.000 thành viên)…Tại các hội nhóm này thì mỗi ngày sẽ hàng chục bài chia sẻ về trải nghiệm bùng nợ. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay tiền công ty tài chính tiêu dùng, thậm chí là vay ngân hàng

Rộ tình trạng lập nhóm xúi giục nhau "bùng nợ", thông tin xuyên tạc sai sự thật

Rộ tình trạng lập nhóm xúi giục nhau "bùng nợ", thông tin xuyên tạc sai sự thật

Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ làn sóng này, các công ty tài chính cũng thừa nhận thực trạng khó thu hồi nợ do hoạt động thu hồi nợ bị siết chặt và trước sự kích động cổ xúy của nhiều hội nhóm bùng nợ, khiến khách hàng chây ì trả nợ. Thậm chí, nhiều khách hàng từ chối cuộc gọi nhắc nợ, đe dọa thậm chí hành hung nhân viên thu hồi nợ.

Đại diện Công ty Tài chính Shinhan Finance cho biết: “Nhiều khách hàng chủ đích đi vay để bùng nợ, nhiều hội nhóm chia sẻ cách bùng nợ ngân hàng và công ty tài chính. Nhân viên thu hồi nợ của các công ty tài chính gọi điện thu hồi thì lập tức khách hàng hù dọa sẽ khiếu nại lên báo chí, gây hoang mang, tâm lý chán nản cho nhân viên thu hồi nợ.”

Bùng khoản vay nhỏ, trả giá đắt gấp nhiều lần

Chuyên gia tài chính cho biết, việc bùng nợ vay tiêu dùng hiện nay đang cho thấy một báo động đỏ về trách nhiệm trả nợ của người vay. Họ đang tự đưa mình vào trạng thái “chơi dao có ngày đứt tay“ mà không biết. Thực tế, khi khách hàng có thái độ chây ì, không trả sẽ để lại lịch sử tín dụng xấu, không thể tiếp tục vay mượn ở các tổ chức tài chính hợp pháp (được NHNN cấp phép). Đến bước đường cùng, họ lại tìm đến tín dụng đen thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Tại một cuộc họp câu lạc bộ tài chính tiêu dùng gần đây, một đại diện công ty tài chính cho biết: “Khách hàng từ chối trả nợ tăng lên rất nhiều. Tình hình này buộc chúng tôi phải tập trung vào nhóm khách hàng tốt, những nhóm khách hàng dưới chuẩn hầu như không thu hồi được. Về lâu dài chính người lao động cũng sẽ chịu thiệt vì không thể vay.”

Cũng trong cuộc họp này, đại diện công ty tài chính FE Credit cũng cho biết việc thiếu các quy định cụ thể cho người đi vay dễ dẫn đến nguy cơ các nhóm khách hàng chuyển dịch ngày một xấu hơn, khách hàng rất dễ hình thành suy nghĩ “tại sao mình phải trả nợ trong khi nhiều đối tượng không trả nợ vẫn không bị phạt gì?”.

“Tình trạng tiếp tục kéo dài khiến chúng tôi phải đứng trước câu hỏi về việc có nên tiếp tục cho vay với những đối tượng này không? Nếu công ty không cho vay thì nhiều nhân viên sẽ mất việc. Ngân hàng chính thống không dám cho vay, các tổ chức tín dụng đen sẽ nhân cơ hội để bùng lên”, vị đại diện chia sẻ.

Ngoài việc tự thu hẹp cánh cửa tiếp cận nguồn vốn vay chính thức của người có nhu cầu vay, hành động trốn tránh trả nợ còn đe dọa người vay phải đối mặt với hình phạt của pháp luật mà chính họ lại không ý thức được. Luật sư Trần Thị Thanh Lam - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội, cho biết: “Trường hợp ngay từ đầu mà các bên đã thực hiện giao dịch cho vay ngay thẳng, hợp pháp nhưng mà về sau khi đã nhận được một khoản tiền vay rồi thì người đi vay lại nghe theo những lời kích động, dụ dỗ của những thành viên trên nhóm bùng nợ cho vay app từ đó nảy sinh hành vi bùng nợ, quỵt nợ để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Thì là hành vi này sẽ bị xử lý là về tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể đến 20 năm tù.”

“Đối với trường hợp tham gia, bình luận, chia sẻ cách bùng tiền, quỵt nợ trong các hội nhóm, nếu cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ để khởi tố thì sẽ bị khởi tố hình sự.” – vị luật sư này chia sẻ thêm.

Do đó, trước làn sóng bùng nợ lan rộng, người dân cần thực sự tỉnh táo, cảnh giác không để kẻ gian lợi dụng tâm lý, dụ dỗ lôi kéo thực hiện bùng nợ hoặc vay app không rõ nguồn gốc, để không ảnh hưởng đến khả năng vay vốn trong tương lai và tránh rủi ro vi phạm pháp luật

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm