Xích chuông để chống trộm cắp tại đình làng Kim Long, TP Huế, và cũng là hình ảnh phổ biến ở nhiều đình chùa hiện nay - Ảnh: Ngọc Dương |
Đó là hai người đàn ông chừng 40 tuổi bước vào chùa để... vãn cảnh.
“Con đường du khách”
Cả hai vị khách đi quanh chùa, đi lui đi tới ngắm nghía trong nội điện rất lâu.Thấy lạ, nhà sư lên tiếng hỏi “nhị vị thí chủ” vào chùa có việc gì không?
Sư hỏi rất nhiều lần thì một người với chất giọng nửa Huế nửa Quảng trả lời rằng đi du lịch thấy chùa đẹp nên vào viếng.
Sáng hôm sau, sư trụ trì ra vườn thì nhìn thấy một xà beng trên bồn cỏ nhưng vẫn chưa nghĩ bị mất cắp. Đến giờ cúng ngọ (giữa trưa), mọi người mới phát hoảng khi nhìn lên ba bậc thờ giữa điện trống hoác. Bốn trong chín pho tượng Phật đã không cánh mà bay.
Nhìn ra cửa hông bên phải chính điện mới thấy rõ ràng dấu cạy cửa. Đại đức Thích Phước Tín, giám tự chùa Giác Lâm, cho biết cả bốn bức tượng đều bằng đồng màu đen sơn son thếp vàng, đều là độc bản trong hệ thống chùa Việt hiện nay nên vô cùng quý hiếm.
Trong đó tượng Văn Thù Sư Lợi bồ tát và tượng Đại Hạnh Phổ Hiền bồ tát cao khoảng 75cm, mỗi tượng nặng hơn 1 tạ. Tượng Ca Diếp tôn giả và tượng A Nan tôn giả cao chừng 65cm, mỗi tượng nặng hơn 75kg.
Cả bốn bức tượng có vai trò vô cùng đặc biệt đối với chùa Giác Lâm vì đây là kỷ vật do ngài Giác Hải - tổ sư khai sơn vào năm 1798 - để lại, là vật báu không chỉ của chùa mà của cả quốc gia.
Trong khi đó tại di tích quốc gia chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), đại đức Thích Minh Chính làm quản tự chùa cũng “lắc đầu” với nạn mất cắp cổ vật.
Ngôi cổ tự rất nổi tiếng ra đời từ thời chúa Nguyễn này vốn có hệ thống tượng cổ tuyệt đẹp và phong phú, lên đến hơn 70 tượng.
Qua thời gian, tượng cứ mất dần theo“con đường du khách” và bị cạy cửa lấy cắp, nay chỉ còn khoảng 40 tượng.
Nhà chùa cho hay chẳng biết cách gì khác hơn để bảo vệ vì chùa cũng không thể đóng cửa mãi và càng không thể túc trực thường xuyên để canh giữ.
Để hạn chế mất cắp, đại đức Thích Minh Chính làm một việc chẳng đặng đừng là cất những thứ quý giá và gọn nhẹ vào tủ.
Hành động này khiến nhiều người dân địa phương nghi ngờ và có đơn phản ảnh lên chính quyền rằng nhiều cổ vật, đặc biệt là bộ 18 tượng la hán bằng tre sơn son thếp vàng được xem là báu vật của chùa, đã bị dời khỏi nơi thờ tự “một cách bất minh”.
Để minh oan cho mình, đại đức Thích Minh Chính dẫn chúng tôi vào một phòng kín có cửa khóa rất chắc chắn, rồi mở tủ cho xem các ngăn chứa 18 tượng la hán cùng nhiều cổ vật bằng gốm sứ, đá, gỗ từng được đặt trên các bàn thờ ở chính điện...
Hiện vật tìm về
Lễ thu tế làng Kim Long (TP Huế) ngày 8-7 âm lịch (3-8-2014), nhiều dân làng đến dự đã bàn tán xôn xao về sự xuất hiện rất bất ngờ của một số “vị thần” đã nhiều năm vắng bóng.
Trước đó sáng 15-4-2014, cả làng Kim Long đã tổ chức rước ba bản sắc phong thần (là văn bản của vua để phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình làng) từ Thư viện tỉnh Thừa Thiên - Huế về đình làng.
Cụ Nguyễn Văn Thính, trưởng làng Kim Long, cho biết làng vốn có 11 đạo sắc phong thần do các đời vua Nguyễn ban cho làng. Các hiện vật đó được xem là linh hồn của làng Kim Long nên hội đồng làng cất giữ kỹ lưỡng trong hòm bộ, ở đình làng.
Tuy nhiên, trận đại hồng thủy năm 1999 đã làm ướt số sắc phong quý giá, nên các vị bô lão mới soạn ra phơi ở sân đình rồi cất lại vào hòm. Đến năm 2000 khi mở hòm bộ, mọi người mới phát hoảng vì mười đạo sắc đã bị “bốc hơi”.
May nhờ sau này, dự án số hóa tư liệu Hán Nôm do Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM và Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên - Huế thực hiện đã sưu tầm được ba bản sắc trong số ấy tại... một vỉa hè ở TP.HCM, các đơn vị này mới sao y bản chính rồi tặng cho làng Kim Long.
Một câu chuyện tìm được cổ vật hi hữu khác xảy ra vào giữa năm 2008. Lúc ấy, nhà thờ họ Nguyễn phái thứ ba của làng Dương Nổ (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) bị mất cặp liễn bằng gỗ khảm trai quý giá.
Người trong họ này đã điện thoại nhờ anh Nguyễn Hữu Hoàng, thành viên Câu lạc bộ (cổ vật) Thuận Hóa, một người rất rành trong giới đồ cổ ở Huế, dò tung tích có ai mua bán thì xin chuộc về.
Ngay tối hôm đó, anh Hoàng hỏi dò trong giới buôn đồ cổ thì được ông C., một người buôn đồ cổ ở phố cổ Gia Hội (Huế), báo vừa mua được cặp liễn khảm trai rất đẹp từ một nhóm thanh niên.
Tức tốc đến xem, anh Hoàng xác định ngay đó là hiện vật nhà thờ họ Nguyễn bị đánh cắp. Chưa kịp báo tin cho đại diện bên mất thì bất ngờ anh Hoàng nhìn thấy thêm ba cặp liễn sơn son thếp vàng khác.
Thì ra cả tám bức liễn đều do một nhóm thanh niên đến bán giữa đêm khuya. Xem qua nội dung, anh Hoàng tiếp tục xác định ba cặp sơn son của đình Phú An bị mất trước đó mấy ngày, cũng nhờ anh tìm kiếm để chuộc về.
Qua sáng hôm sau, đại diện làng Phú An và phái 3 họ Nguyễn làng Dương Nổ đến xin chuộc, ông C. đã tự nguyện trả lại cho dân làng và chịu mất phần tiền đã mua từ kẻ cắp.
Trong rất nhiều trường hợp các đình chùa bị mất cắp, thủ phạm không ở đâu xa mà chính là người trong chùa hoặc đảm trách trông coi đình chùa.
Theo lời kể của cụ Nguyễn Đ., trưởng làng D ở huyện Phú Vang, ba năm trước chùa làng bị mất cắp toàn bộ tượng Phật bằng đồng. Khi công an kiểm tra hiện trường đã không phát hiện dấu vết cạy cửa hoặc phá khóa.
Dấu vết duy nhất là ô cửa gương phía trên tường bị vỡ, có thể là nơi tên trộm đập vỡ để chui vào trộm đồ.
Tuy nhiên, những mảnh gương vỡ chủ yếu nằm ngoài chùa chứng tỏ người đập vỡ kính từ bên trong. Công an chỉ cần “hỏi vài câu” thì người giữ chùa mặt đã tái mét, tự nguyện trả lại bộ tượng đã lấy về nhà...
Từng là khu nhà vườn quý tộc nổi tiếng bậc nhất của Huế, nhà vườn An Hiên (58 Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế) không chỉ quý giá ở ngôi nhà rường và cảnh quan vườn tược tuyệt đẹp mà còn ở nội thất với hệ thống cổ vật phong phú bên trong. Chỉ sau vài năm ghé lại, người trông nhà là bà Nguyễn Thị Thạnh buồn bã thở than: “Chỉ còn cái xác nhà chứ còn chi nữa mô chú, đồ mất hết rồi!”. Vào bên trong, căn nhà rường đã trở nên “trống rỗng” bởi hầu như không còn trưng bày một thứ đồ đạc nào quý giá. Bà Thạnh cho hay một buổi tối tháng 11-2013, kẻ trộm đã cạy tấm cửa phía trước rồi khoắng đi toàn bộ hệ thống đồ thờ bằng đồng gồm một bộ lư, bốn cặp đèn đồng, bốn cái đĩa đồng ba chân và một độc bình cắm hoa bằng đồng rất lớn, tất cả đều có tuổi thọ hàng trăm năm, cùng một số đồ vật quý giá khác. Gia đình đã báo công an nhưng sau gần chín tháng vẫn chưa nghe tung tích. |
Kỳ tới: Bảo vệ bằng “quả bom hẹn giờ”