Một trong bốn khẩu thần công do ông Nguyễn Hữu Hoàng mua từ dân lặn đã bị tịch thu trong năm 2007 - Ảnh: T.Lộc |
Quảng bá thông tin về cổ vật là một trong những cách để bảo vệ cổ vật trước nạn mất cắp. Trong ảnh: gian trưng bày cổ vật tại lăng vua Khải Định - Ảnh: T.Lộc |
Đó là “quả bom hẹn giờ” đeo đuổi bọn trộm.
Giới buôn cổ vật vẫn còn nhắc mãi đến “án lệ” diễn ra ở Huế từ bảy năm trước quanh chuyện ông Nguyễn Hữu Hoàng (thành viên CLB di sản Thuận Hóa) mua bốn khẩu thần công của ngư dân trục vớt ngoài biển.
Người dân không dám hợp tác
Năm 2007, sau khi nhận tin người dân thị trấn Thuận An (Thừa Thiên - Huế) vớt được chín khẩu thần công ngoài khơi, ông Hoàng đã đích thân chở một lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh này về xem để mua lại. Vị này cho rằng đây là súng mới nên lắc đầu. Chỉ vài giờ sau, một chủ vựa phế liệu ở Quảng Trị vào mua ngay năm khẩu.
Với con mắt nhà nghề, tiếc quá, ông Hoàng giành giật với một thương lái ngoài Bắc, đi vay hơn 130 triệu đồng mua bốn khẩu còn lại theo giá phế liệu.
Tiếp đó, ông Hoàng báo tin cho lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và mời các nhà nghiên cứu về xem hiện vật. Ông tuyên bố sẵn sàng nhượng lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế với giá vừa mua được nếu đơn vị này muốn sở hữu.
Thế nhưng trong suốt hơn một tuần liền, đại diện ngành văn hóa cùng công an và nhiều lực lượng địa phương đã phong tỏa ngôi nhà ông Hoàng, làm khó đủ chuyện khiến cả gia đình ông lo sợ mất ăn mất ngủ.
Bốn khẩu súng được xác định được chế tác vào thời chúa Nguyễn, thuộc hàng quý và đẹp hơn súng thần công mà Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện có. Do vậy, ngành văn hóa tỉnh này chở hiện vật về giữ ở Bảo tàng Lịch sử cách mạng.
Trong nhiều ngày liền, ông Hoàng và 11 người trục vớt liên tục được mời làm việc với cơ quan chức năng như những kẻ phạm pháp. Báo chí và dư luận đã lên tiếng.
Cuối cùng sau tám tháng thu giữ hiện vật, ngành văn hóa tỉnh cũng quyết định trả “tiền bồi dưỡng và một số khoản khác” chưa tới 90 triệu đồng cho ông Hoàng.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Hoàng vẫn không vơi nỗi buồn: “Chỉ vì muốn bảo tàng sở hữu hiện vật quý, nào ngờ bị xem như kẻ cắp, bị hành lên hành xuống. Chưa nói đến chuyện lỗ vốn hơn 50 triệu đồng (cả tiền lãi vay nóng). Cách làm như vậy, nếu tìm được cổ vật quý cũng khó có người dân nào dám hợp tác với Nhà nước!”.
Ngay sau vụ ông Hoàng, người dân thị trấn Thuận An tiếp tục trục vớt thêm mười khẩu thần công nữa ngay ở cửa biển Thuận An, nơi diễn ra rất nhiều trận thủy chiến chống ngoại xâm trong lịch sử.
Nhóm trục vớt đã buộc súng dưới đáy ghe chuyển vào bờ, chờ đến khuya chuyển vào chôn ở một đồi cát. Một số bị cưa từng đoạn bán phế liệu, số khác gọi “thương lái phế liệu” từ Quảng Trị và Hà Nội vào mua, rồi vận chuyển theo đường phế liệu nên trót lọt cả.
Các ngành chức năng gần như không được báo bất cứ thông tin gì.
Công khai thông tin
Hiện vật nằm trong đất, dưới nước, theo Luật di sản là thuộc sở hữu của Nhà nước, nhưng trên thực tế rất ít trường hợp cơ quan nhà nước phát hiện, mà tất cả đều do người dân tìm thấy, kể cả những cuộc khai quật khảo cổ học lớn từng diễn ra.
Nhưng chế độ bồi dưỡng cho những người báo tin khi phát hiện cổ vật rất thấp, chẳng là gì so với giá trị hiện vật trên thị trường. Do đó hầu hết cổ vật sau khi phát hiện, bị khai thác và tẩu tán gần hết, thông tin đến với cơ quan chức năng thường đã quá muộn.
TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cho rằng những phát hiện ngẫu nhiên và mua bán cổ vật hoàn toàn không có lỗi đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa, thậm chí trong một số trường hợp còn đáng được trân trọng.
Trong cuộc họp giữa người đào cổ vật với đại diện chính quyền huyện Kim Bôi (Hòa Bình) do ông Việt chủ trì, nhiều vị cán bộ kể việc tìm thấy cổ vật trong vườn nhà một cách hào hứng, y như sản vật trời cho, như thứ củ quả trên rừng.
Khi còn làm phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, TS Việt từng đề nghị thành lập công ty nhà nước mua bán cổ vật, xem đây là một nguồn lợi của di sản quốc gia nhằm thu được những cổ vật giá trị nhất, kiểm soát được thị trường cổ vật nhờ công việc xác định nguồn gốc cổ vật, đồng thời tạo nguồn thu cho việc nâng cấp bảo tàng và khai quật...
Nhưng đề nghị đó không được Chính phủ chấp thuận.
Sau đó, ông cũng đề xuất Nhà nước tổ chức các đội khai quật dùng công nghệ cao (máy rà kim loại) để định vị và đào trước những người đào trộm cổ vật. Việc khai quật có định vị vừa tạo khả năng hoàn thiện tư liệu cho những cuộc khai quật khảo cổ học sau này, vừa giúp Nhà nước thu về những cổ vật kim loại có giá trị và hạn chế hoạt động đào trộm cổ vật mà Nhà nước trong thực tế không kiểm soát được.
“Tiếc là nhiều quan chức khoa học cũng lấy lý do “khoa học” để bác bỏ đề nghị đó” - ông Việt nói.
Trong khi đó, KTS Phùng Phu - ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia - cho rằng các đơn vị sở hữu rất nên đầu tư đánh dấu cổ vật.
Dẫn chứng từ một vụ đấu giá cổ vật ở Pháp, biết là cổ vật của VN bị mất cắp nhưng không có bằng chứng chứng minh nên không thể kiện đòi lại, ông Phu cho rằng: “Một thời gian sau khi mất cắp cổ vật sẽ lưu thông, buôn bán hoặc trưng bày. Nhiều nước trên thế giới, ngoài bảo vệ nghiêm ngặt, họ đều đánh dấu cổ vật. Nếu sau này cổ vật bị mất ở lăng Tự Đức có đưa ra trưng bày thì khó có thể làm gì được nên phải đánh dấu cổ vật”.
Quảng bá thông tin là cách tốt nhất để bảo vệ hiện vật trước nạn mất cắp - đó là quan điểm của ông François Hubert, chuyên gia cao cấp về văn hóa - mỹ thuật Việt, cho Hãng đấu giá Christie’s.
Ông François Hubert lý giải: “Những cổ vật bị đánh cắp trên lãnh thổ VN chủ yếu chạy lòng vòng quanh VN chứ khó có thể chạy ra nước ngoài được. Đã là hiện vật đánh cắp thì không có giá trị gì trên thị trường quốc tế cả. Trường hợp những cổ vật như ở lăng Tự Đức vừa bị đánh cắp đã được lưu vào danh mục. Nếu có ai đó đem chúng đến Hãng Christie’s để bán đấu giá, bảo rằng đây là di sản tổ tiên để lại chẳng hạn, chỉ trong vài giờ cảnh sát sẽ có mặt tóm cổ ngay, và phía VN sẽ được thông báo...
Có ba biện pháp để chống mất cắp:
- Thứ nhất là phải chụp hình, đưa lên mạng Internet để thông tin rộng rãi.
- Thứ hai, phải có những quy ước về việc chống mất cắp, và những quy ước này phải được thông báo rộng khắp trên thế giới.
- Thứ ba là cậy nhờ các phương tiện truyền thông không chỉ thông tin về hiện vật mà còn tuyên truyền về cái giá phải trả khi ăn cắp hiện vật, rằng mỗi vật đánh cắp là một “quả bom hẹn giờ” đeo đuổi người ăn cắp”.