NGHỆ THUẬT GIẢI CỨU CON TIN - BÀI CUỐI

Bài học xương máu từ ‘đại họa’ Philippines

Ngày 23-8-2010, thay vì hồi hộp theo dõi đại diện nước mình bước vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, người dân Philippines phải nín thở theo dõi diễn biến cuộc bao vây giải cứu 25 con tin tại thủ đô Manila. Cuộc thương thuyết và đột kích giải thoát con tin đã thất bại ê chề. Sau những màn đấu súng kịch liệt, kẻ thủ ác đã bắn chết tám con tin trước khi bị cảnh sát hạ gục.

Chiếc xe buýt định mệnh

Đáng lẽ cuộc sống của 21 du khách người Hong Kong và năm công dân người Philippines đã không bị đặt dưới lưỡi hái của tử thần nếu như tên Rolando Mendoza, một sĩ quan cảnh sát Philippines vừa bị đuổi khỏi ngành, không bước lên chiếc xe buýt định mệnh vào ngày 23-8-2010.

Mỉa mai thay, Rolando Mendoza lại từng là một trong 10 cảnh sát xuất sắc nhất Philippines năm 1986. Vào đầu năm 2010, hắn đã bị buộc thôi việc do các cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Bất mãn trước quyết định sa thải mà không được kháng án, Mendoza đã mang theo một khẩu súng trường M16, cướp quyền kiểm soát một chiếc xe buýt thuộc hãng du lịch Hong Thai Travel Services và bắt giữ tất cả hành khách trên xe làm con tin. Sau gần một ngày đương đầu với lực lượng thương thuyết và sự bao vây của cảnh sát, Mendoza cuối cùng đã nổ súng giết chết tám con tin khi các yêu sách đòi trở lại lực lượng cảnh sát của hắn không được chấp thuận.

Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong khi đó là ông Tăng Âm Quyền đã yêu cầu Manila phải nhanh chóng có câu trả lời chi tiết về vụ việc. Philippines cũng bị liệt vào danh sách đen các địa điểm du lịch dành cho người Hong Kong. Một lệnh cấm đi lại giữa Philippines và Hong Kong cũng được chính quyền đặc khu ban hành sau đó. Ngành du lịch của quốc đảo cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ việc. Indonesia, Thái Lan, Nga và một số quốc gia khác cũng đã đưa ra khuyến cáo không nên đi du lịch tại Philippines.

 
Lực lượng cảnh sát giải cứu con tin của Philippines bị truyền thông Hong Kong chỉ trích là năng lực kém. Ảnh: AFP

Truyền thông đổ thêm dầu vào lửa

Theo nhiều chuyên gia an ninh, sự thất bại của chiến dịch giải cứu con tin có phần đóng góp rất lớn của truyền thông nước sở tại. Việc đưa tin một cách liên tục và những hình ảnh trực tiếp từ hiện trường được phát trên tivi đã gây phản tác dụng đầy tai hại. Việc nhìn thấy những thông điệp của mình được truyền đi đến mọi người thông qua các phương tiện truyền thông làm tăng mức độ tự tin của thủ phạm.

Chính hành động tường thuật trực tiếp chiến dịch giải cứu con tin của truyền thông Philippines đã báo động cho Mendoza biết về sự hiện diện của lực lượng phản ứng nhanh TP Manila đang bao vây chiếc xe buýt. Hắn đã nhanh chóng bị kích động và đe dọa sẽ giết chết con tin nếu lực lượng này không chịu rút quân. Tuy nhiên, lời đe dọa này lại được đưa ra thông qua cuộc phỏng vấn nóng giữa Mendoza với đài phát thanh DZXL của TP Manila. Lực lượng thương thuyết chỉ đóng vai kẻ đến sau vì chậm chạp.

Trong suốt diễn biến vụ việc, Mendoza có thể theo dõi mọi hoạt động bên ngoài chiếc xe buýt qua tivi. Tất cả vị trí phục kích của cảnh sát đều bị phơi bày. Hắn biết rõ cảnh sát đang làm gì trong khi ngược lại, cảnh sát hoàn toàn mù tịt về những gì diễn ra trong xe buýt. Cảnh sát cũng thể hiện sự chậm chạp trong việc thiết lập hàng rào an ninh xung quanh xe buýt, ngăn chặn cánh quay phim và nhà báo đói tin. Do mọi động thái đều bị tường thuật, cảnh sát đã tự mình đánh mất đi yếu tố bất ngờ và cơ hội kết thúc vụ việc nhanh chóng. Cảnh sát Philippines sau đó đã quyết định khởi kiện ba kênh truyền hình ABS, TV5 và RMN vì đã phát sóng trực tiếp chiến dịch giải cứu con tin.

Người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Philippines Agrimero Cruz thừa nhận sai lầm của cảnh sát.

Sai lầm trong thương thuyết

Trong vụ án này, chính quyền đã quyết định không đáp ứng bất kỳ yêu cầu gì của tên bắt cóc. Chuyên gia an ninh Charles Shoebridge, người thường làm việc với các binh lính và cảnh sát chống khủng bố London (Anh), bày tỏ: “Tôi thắc mắc tại sao chính quyền lại không đồng ý với yêu sách của thủ phạm. Ít nhất, một lời hứa phải được đưa ra để tạo uy tín và giảm đi áp lực của cuộc khủng hoảng”.

“Rõ ràng không ai muốn khuất phục trước yêu cầu của những kẻ bắt cóc con tin. Tuy nhiên, đối tượng mà chính quyền đang đương đầu không phải là cả một tổ chức khủng bố. Yêu sách của hắn cũng không đòi thả một tù nhân nguy hiểm nào. Chính quyền có thể tạm thời tuyên bố chấp thuận các đòi hỏi của Mendoza”. Những tuyên bố như vậy trong cuộc thương thuyết sẽ cho các đơn vị tác chiến một khoảng thời gian vô cùng quý báu để lên kế hoạch, huy động lực lượng, tiếp cận và cuối cùng là vô hiệu hóa đối tượng.

Truyền thông thế giới cũng cho rằng cảnh sát đã sai lầm trong việc lựa chọn người để thương lượng với kẻ thủ ác. Việc nhờ gia đình và bạn thân của đối tượng đến thuyết phục thật ra là một con dao hai lưỡi. Một mặt, họ có thể trấn tĩnh kẻ phạm pháp bằng mối quan hệ thân thiết của mình. Nhưng mặt khác, cảnh sát cũng không thể kiểm soát được tất cả những gì được nói ra. Bản thân những người thương thuyết bất đắc dĩ này rất dễ bị chi phối bởi cảm xúc bởi họ chẳng qua một trường lớp nào về thương thuyết cả.

Trong vụ bắt cóc con tin tại Manila, anh của Mendoza tên Gregorio Mendoza đã được cảnh sát vận động làm người thương lượng. Thế nhưng chính sự có mặt của anh trai đã làm kích động tinh thần của tên bắt cóc. Cảnh sát đã buộc phải trấn áp Gregorio rời khỏi hiện trường khi phát hiện anh này có mang theo mình một khẩu súng lục. Mendoza sau khi nhìn cảnh tượng này qua tivi gắn trên xe buýt đã bắt đầu mất kiểm soát.

Bài học xương máu cho cảnh sát Philippines

Sau thảm họa, người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Philippines Agrimero Cruz trong một buổi họp báo đã thẳng thắn thừa nhận ba sai lầm trong cách phản ứng của chính quyền nước này trước sự việc.

Thứ nhất, chính quyền đã phạm sai lầm trong việc lựa chọn và triển khai lực lượng tác chiến. Đáng lẽ ra lực lượng hành động đặc biệt của Philippines nên được điều động để thực hiện nhiệm vụ chứ không phải Đội Chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) của TP Manila. Khi đội hành động đặc biệt đến hiện trường, tình hình hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của lực lượng cảnh sát TP. Kẻ bắt cóc trong cơn hoảng loạn đã nổ súng bắn chết tám con tin trước khi bị lính bắn tỉa hạ gục.

Thứ hai, sự thờ ơ của cơ quan giải quyết khủng hoảng địa phương đã làm tình hình thêm tồi tệ. Mặc dù các con tin là người nước ngoài, Thị trưởng TP Manila - ông Alfredo Lim đã thể hiện một thái độ bị lên án là cực kỳ vô trách nhiệm. Alfredo Lim khi đó đã ngoan cố xem vụ khủng hoảng con tin chỉ là một vấn đề cục bộ của TP nên chưa cần gọi đến lực lượng đặc nhiệm cấp quốc gia.

Thứ ba, thảm họa xảy ra là do bộ máy an ninh Philippines khi đó vẫn chưa có trong tay một văn bản hướng dẫn chính thức hay một quy trình cụ thể nào để ứng phó với các tình huống khủng hoảng nhạy cảm như thế này.

Trong khi đó, chuyên gia Shoebridge cũng chỉ trích sự yếu kém về năng lực của cảnh sát Philippines. Theo ông, lực lượng cảnh sát đã thiếu quyết đoán khi quyết định đột nhập vào bên trong xe buýt. Dẫu ý thức được mức độ rủi ro và hậu quả khôn lường nếu vụ đột kích thất bại, thế nhưng khi vấp phải chống trả quyết liệt từ kẻ cùng đường Mendoza, lực lượng này lại quyết định rút lui, đặt con tin vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm.

Các đoạn băng ghi hình quay lại cũng cho thấy sự rối loạn của lực lượng an ninh trong thảm kịch tháng 8-2010. Người mang súng trường, kẻ lại cầm súng lục, trong khi theo Shoebridge, loại tiểu liên báng ngắn tiêu chuẩn mới là lựa chọn số một cho những địa điểm khó xoay trở tác chiến như xe buýt. Theo báo cáo điều tra của Philippines và Hong Kong, lực lượng cảnh sát còn nhiều lần để vuột mất cơ hội để tước súng và tiêu diệt Mendoza khi hắn đang đứng một mình mà không có con tin trong tay.

BẢO DUY - TRUNG NHÂN

Sau vụ khủng hoảng con tin tại Manila, lực lượng phản ứng khủng hoảng của Philippines đã được thành lập với quân số 150 người. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ phản ứng chậm chạp của chính quyền TP Manila, Quốc hội quyết định mọi tình huống khủng hoảng có con tin là người nước ngoài đều được Ủy ban Quản lý Khủng hoảng Quốc gia Philippines chịu trách nhiệm xử lý. Tổng thống Benigno Aquino III đã đưa ra một loạt chính sách và các văn bản hướng dẫn để cải cách phương thức giải thoát con tin của nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm