NGHỆ THUẬT GIẢI CỨU CON TIN - BÀI 1

Phản ứng tinh nhuệ, thương thuyết khôn ngoan

Đội Giải cứu con tin (Hostage Rescue Team - HRT) được thành lập vào năm 1983, được xem là đơn vị tinh nhuệ nhất của các lực lượng an ninh nội địa Mỹ. Đơn vị đặc biệt này thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), có trụ sở đặt tại Học viện FBI ở bang Virginia. Đây cũng là đơn vị chiến thuật chuyên trách công tác chống khủng bố nhưng không chịu sự chi phối của Bộ Quốc phòng. Cũng như FBI, lực lượng này chịu sự giám sát của Bộ Tư pháp Mỹ và giám đốc FBI.

Lực lượng “siêu tinh nhuệ”

Vào thời điểm mà HRT được hình thành, nước Mỹ đang chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè Los Angeles năm 1984. Thế nhưng cơn ác mộng của kỳ Olympic Munich (Đức) năm 1972 vẫn chưa thôi ám ảnh nước chủ nhà. Trong kỳ Olympic tại Đức, một nhóm khủng bố đã bắt giữ và giết chết 11 vận động viên của đoàn Olympic Israel. Câu hỏi đặt ra với Nhà Trắng là: “Họ sẽ làm gì đây nếu kịch bản bắt cóc con tin tái lập trên đất Mỹ?”.

Cũng trong thời điểm đó, nước Mỹ vẫn chưa sở hữu một lực lượng phản ứng nhanh chống khủng bố nào trong tay. Trong khi đó theo hiến pháp của Mỹ, việc triển khai quân đội thường trực trên lãnh thổ Mỹ buộc phải chờ sự chấp thuận của tổng thống và giới lập pháp. Các đơn vị hành pháp cần một phương án có khả năng tác chiến nhanh hơn thế. Và khi đó lực lượng HRT được thành lập, lấy khẩu hiệu tiếng Latin là “servare vitas” với ý nghĩa “Cứu người”.

Theo mô tả của FBI, lực lượng này luôn ở trong tình trạng “trực chiến” và có thể được triển khai “trong vòng bốn giờ đồng hồ đến bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ hay các vùng lãnh thổ có người dân Mỹ gặp nạn, với tất cả nhân sự và nguồn lực cần thiết”.

Kể từ khi được thành lập, Đội Giải cứu con tin đã triển khai hơn 850 nhiệm vụ giải quyết các vấn đề khủng bố, tội phạm nguy hiểm, phản gián, giải cứu con tin, các vụ bắt giữ nguy hiểm và các hoạt động điều tra, giám sát khác.

 
HRT trong chiến dịch giải cứu bé trai năm tuổi bị bắt làm con tin tại bang Alabama (Mỹ) vào năm 2013. Ảnh: REUTERS

Thử thách không tưởng

Để làm thành viên của lực lượng HRT, các đặc vụ phải vượt qua một quá trình thi sát hạch kéo dài hai tuần và sau đó thêm sáu tháng huấn luyện đặc biệt bởi các chuyên viên của FBI. Hơn 80% các đặc vụ “ứng thí” hoặc được kiến nghị vào lực lượng HRT đều có đã có kinh nghiệm và thành tích ấn tượng khi phục vụ trong hàng ngũ cảnh sát hoặc quân đội Mỹ. Điều kiện tập luyện của lực lượng này cũng vô cùng ngặt nghèo.

Theo ông Sean Joyce, nguyên Phó Giám đốc FBI: “Quy trình huấn luyện được thiết kế để nhận diện các cá nhân có khả năng tác chiến tốt nhất trong các tình huống khủng hoảng. Những bài kiểm tra và tập luyện sẽ cố đánh gục các thí sinh để ban huấn luyện có thể thấy được khả năng đương đầu với áp lực của từng học viên”. Những người tham gia hai tuần khổ luyện này sẽ chỉ được ngủ 1-2 tiếng/ngày, sau đó lại tiếp tục giải quyết những bài tập khác cho đến khi nào họ gục ngã”.

Theo thông tin từ trang mạng chính thức của lực lượng FBI, kể từ năm 2007 đến nay chỉ có 150 đặc vụ được FBI nhận hồ sơ thi tuyển cho lực lượng này. Chỉ có 10% trong số đó được chấp nhận vào biên chế của HRT. Theo thư viện thông tin về các lực lượng đặc nhiệm thế giới - Specwarnet, biên chế hiện nay của HRT chỉ gồm 91 đặc vụ đủ tư chất để đáp ứng mọi tiêu chí ngặt nghèo của lực lượng này.

Không chỉ cơ bắp là đủ

Mặc dù là một lực lượng “siêu tinh nhuệ”, cách giải quyết “bắn trước nói chuyện sau” của HRT cũng từng vấp phải thất bại và chịu sức ép, sự chỉ trích rất lớn từ Quốc hội và người dân nước Mỹ. Đỉnh điểm chính là vụ bao vây giải cứu con tin không thành của HRT tại thị trấn Waco, bang Texas, làm chết 76 người, gồm cả con tin lẫn các hung thủ.

Tháng 2-1993, Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá và Vũ khí của Mỹ tiến hành vây bắt nhóm tôn giáo cực đoan Davidians tại trung tâm Mount Carmel (Waco, Texas) khi nhận được bằng chứng nhóm này đang tàng trữ rất nhiều vũ khí, chất nổ, đạn dược, ma túy và giam giữ trẻ em bất hợp pháp. Khi vụ vây bắt thất bại, lực lượng HRT được cử đến hiện trường để tiếp ứng. Vụ vây bắt kéo dài suốt gần hai tháng trời.

Đến ngày bao vây thứ 51, HRT quyết định dùng xe thiết giáp phá cửa khu nhà để xông vào bắt giữ và giải cứu con tin. Khi đó lực lượng chấp pháp đã vấp phải hỏa lực đáp trả quá mạnh từ các thành viên giáo phái Davidians và buộc phải rút quân. Tuy nhiên, ngay sau đợt tấn công này, cả khu nhà bắt đầu bốc cháy, kéo theo đó là cái chết của tất cả 76 người, cả con tin lẫn các kẻ cuồng tín bên trong khu nhà.

Sau sự kiện này, cách thức tác chiến của HRT đã bị giới truyền thông và cả chính phủ chỉ trích nặng nề. Xã hội Mỹ tạo sức ép với các lực lượng chấp pháp, cho rằng bạo lực chỉ là phương án cuối cùng và giới chức trách buộc phải thực hiện tất cả phương án khả dĩ khác trước tiên, trong đó bao gồm lực lượng thương thuyết giải cứu con tin.

Các chương trình đào tạo thương thuyết-giải cứu con tin của Mỹ thật ra đã khởi động từ đầu những năm 1970. Gần như cùng một lúc, Sở Cảnh sát TP New York và lực lượng điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu phát triển các chương trình đào tạo thương thuyết giải cứu con tin.

Đến cuối thập niên đó, khái niệm thương thuyết nhanh chóng được nhân rộng áp dụng cho nhiều hoạt động thực thi pháp luật khác. Không chỉ chứng tỏ được sự hữu ích của mình trong việc giải cứu con tin, những nhà thương thuyết còn thực hiện các nhiệm vụ bắt giữ những đối tượng đặc biệt nguy hiểm, ngăn cản các vụ tự sát, tư vấn ngăn chặn bạo lực học đường và công sở, bắt cóc tống tiền… Ngày nay, hơn một nửa các cơ quan cảnh sát của Mỹ đều có lực lượng chuyên trách thường trực để thương thuyết khi cần thiết.

Kể từ sau vụ việc tại Waco dẫn đến cái chết của 76 người năm 1993, Quốc hội Mỹ đã chỉ định mọi hoạt động của lực lượng HRT buộc phải phối hợp với các lực lượng thương thuyết giải cứu con tin vốn đang được vận hành thành công rộng rãi tại nước Mỹ.

Trung tâm đào tạo của lực lượng CNU tại Học viện FBI, bang Virginia (Mỹ).

“Pax Per Conloquium”: Giải quyết bằng đối thoại

Đơn vị Thương thuyết khủng hoảng (Crisis Negotiation Unite - CNU) là một đơn vị chiến thuật cung cấp các chương trình hỗ trợ và huấn luyện thương thuyết cho gần 300 trụ sở của FBI trên toàn nước Mỹ. Những nhà thương thuyết của CNU cũng được thuyên chuyển liên tục để hỗ trợ các chuyên gia thương thuyết của cảnh sát và chính quyền các bang địa phương. Trung tâm FBI ở bang Virginia vẫn luôn duy trì một đường dây nóng giữa cảnh sát địa phương với lực lượng thương thuyết của mình trong trường hợp cảnh sát địa phương cần tư vấn giúp đỡ.

Trong trường hợp xảy ra các vụ bắt giữ con tin nghiêm trọng, đòi hỏi lực lượng FBI trực tiếp tham gia, các chuyên gia của CNU sẽ được phân công tham gia cùng Đội Giải cứu con tin HRT của FBI để tiếp cận hiện trường. Đội ngũ các nhà thương thuyết của FBI còn tham gia vào các chiến dịch giải cứu con tin người Mỹ ở nước ngoài với vai trò là người đưa ra chiến thuật và cung cấp thông tin về các nghi can.

Kể từ năm 1990 đến nay, lực lượng CNU đã tham gia hơn 300 vụ thương thuyết giải cứu con tin trên toàn thế giới. CNU hiện có gần 350 chuyên gia thương thuyết làm việc tại 56 văn phòng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ. CNU còn có trong tay một cơ sở dữ liệu đồ sộ là Hostage Barricade Database System (HOBAS) với 5.000 hồ sơ các vụ án bắt cóc, bắt giữ con tin, các vụ tự tử, vụ đàm phán và giải thoát con tin trong nước. Cơ sở dữ liệu này sau đó được lưu lại và đưa vào chương trình đào tạo cho các chuyên viên thương thuyết khác của CNU.

Mỹ đào tạo khả năng thương thuyết ra sao?

Như mọi đặc vụ FBI, để trở thành một chuyên viên của CNU, người tham gia phải là sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc là học viên của Học viện FBI, đạt đủ các yêu cầu về chuyên môn. Không những thế, những “thí sinh” của CNU còn phải thi đậu khóa học Thương thuyết khủng hoảng quốc gia được FBI thiết kế vài lần mỗi năm kéo dài trong hai tuần. Các học viên của Học viện FBI khi đó sẽ được đặt trong các tình huống giả lập, được xây dựng từ cơ sở dữ liệu của các vụ án đã thật sự xảy ra để kiểm tra khả năng giải quyết tình huống của thí sinh. Học viên phải đối mặt trước những áp lực giống những vụ án đã xảy ra để họ có thể hiểu được rằng khi thật sự đối mặt với đối tượng, sẽ không có chỗ cho “cơ hội thứ hai”.

TRUNG NHÂN

Kỳ 2: Chuyện giải cứu con tin tại Anh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm