Coi chừng tiền mất, tội mang vì tung tin giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi cả nước căng mình chống dịch COVID-19 thì hằng ngày, trên các nền tảng mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều tin giả. Cho đến khi được xác định là tin giả thì thông tin sai sự thật đã lan tỏa khắp cõi mạng.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, tin giả vừa làm rối xã hội vừa ảnh hưởng xấu đến nỗ lực phòng chống dịch bệnh của người dân và chính quyền. Mặc dù cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều người vì tung tin giả nhưng hành vi vi phạm này vẫn chưa chấm dứt.

Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo khi tiếp nhận những thông tin lan truyền trên không gian mạng. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Nhận trợ cấp rồi vẫn rêu rao chưa nhận

Ngày 2-9, Công an huyện Châu Thành (Bến Tre) đã làm việc với bà HTL (50 tuổi, ngụ xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) nhằm xác minh việc bà này sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng bình luận cho rằng “UBND xã Tân Thạch không lo cho dân được 1 hột gạo”, “cán bộ xã Tân Thạch chỉ lo cho gia đình của cán bộ xã”.

Tuy nhiên, sự thật là từ khi giãn cách xã hội đến nay, gia đình bà L đã được nhận từ chính quyền địa phương 10 kg gạo, 300.000 đồng và hai lần nhận rau quả... Khi nhận thực phẩm và tiền hỗ trợ, bà L đã ký xác nhận vào danh sách.

Làm việc với công an, bà L thừa nhận những bình luận nêu trên do bà tự nghĩ ra. Công an đã lập biên bản hành vi của bà và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính…

Ngày 30-8, Công an TP Cần Thơ xử phạt bà NTMN (40 tuổi, ngụ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) 5 triệu đồng về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, tài khoản Facebook có tên Hoàng Kết Cady có đăng trong nhóm Facebook Người Phong Điền nội dung “Hôm nay ngày zi mà công an đầy đường, một số người bị hỏi”.

Sau đó, tài khoản Facebook Nương Hô đã vào bình luận nhiều nội dung như “Kiếm cơm”; “bạn nhìn thấy cảnh phạt mà k cần xé biên lai bao giờ chưa...”.

Khi được mời làm việc, bà N thừa nhận nội dung bình luận trên là do bà tự bịa. Bà N bày tỏ sự hối hận, tự gỡ bỏ tất cả bình luận. Bà xin lỗi lực lượng công an cũng như lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch, đồng thời bà cam kết không tái phạm.

Tin giả về trưởng ấp ém gạo cứu trợ để dân đói

Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền một số video người dân tố chính quyền ém thực phẩm để người dân chịu đói.

Cụ thể, trong một video được phát trên mạng, người dân đang sống tại ấp 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho rằng trưởng ấp đã giấu gạo trong nhà, không phát cho dân.

Bên cạnh đó, một video khác có cảnh người dân khu phố 5, phường Tân Tạo, quận Bình Tân tố rằng chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước nhưng tổ trưởng không lên tiếng.

Tuy nhiên, sự thật là số gạo bị cho là ém trong nhà trưởng ấp được dùng để trao cho 300 công nhân không thể về nhà do dịch. Chính quyền khu vực vẫn đảm bảo người dân được cấp thực phẩm đầy đủ, không ai phải chịu đói.

Còn người dân phường Tân Tạo, quận Bình Tân chưa nhận được tiền hỗ trợ là do khoản tiền này chưa tới nơi chứ không có chuyện tổ trưởng trốn biệt như người dân nói trong video.

Vậy là đã rõ, người dân do hiểu lầm mà bức xúc. Tuy nhiên, từ những video bị phát tán này, một số người đã hiểu sai bản chất câu chuyện và phủ nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc chăm lo cho nhân dân vượt qua đại dịch.

Vừa qua, Sở TT&TT tỉnh Hà Tĩnh đã xử phạt 10 chủ tài khoản Facebook, Zalo hơn 52 triệu đồng. Trước đó, ngày 10-6, Hà Tĩnh phát hiện ca mắc COVID-19 từng đến tắm tại nhà tắm công cộng ở bãi biển huyện Lộc Hà vào ngày 3-6.

Do từng tắm tại đó nên chị NTH đi xét nghiệm COVID-19, kết quả dương tính. Tuy nhiên, một ngày sau, mạng xã hội lan truyền thông tin vu khống chị có quan hệ tình cảm với một bệnh nhân nam mắc COVID-19 nên bị lây nhiễm.

Làm gì để tránh mang tiếng phát tán tin giả?

Luật sư Bùi Viết Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, đánh giá nhiều trường hợp phạm luật do nhận thức và hiểu biết nông cạn. Những người này chỉ vì thích câu view, câu like để tạo sự nổi tiếng nên chạy đua để đưa tin nhanh nhất và sớm nhất.

Cạnh đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều người đã lan truyền những tin sai sự thật về chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 cũng như công tác phòng chống dịch bệnh… Những tin giả này sẽ gây hoang mang cho cộng đồng, gây hoài nghi, chia rẽ người dân với chính quyền…

Ngoài ra, hiện có một số trang web lợi dụng tình hình dịch bệnh, giả mạo thông tin của các tổ chức nhà nước để lừa lấy thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng. Các thủ đoạn lừa đảo thường thấy gồm: Giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến dịch bệnh COVID-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện…

Để tránh mắc phải lỗi phát tán tin giả, về phía người dân, khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn xa lạ thì không nên chia sẻ tùy tiện; hãy tiếp thu có chọn lọc, đối chiếu nhiều nguồn; đồng thời theo dõi thông tin trên báo chí, truyền hình chính thống. 

Về phía chính quyền, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật liên quan đến các hành vi tung tin giả, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng trong sử dụng mạng xã hội, rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm.

 

Chế tài đã rất nghiêm, quan trọng là ý thức

Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội không được lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Về hành chính, nếu vi phạm thì người sử dụng mạng xã hội có thể bị xử phạt theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị đinh 15/2020 với mức phạt tiền 5-10 triệu đồng, buộc tháo gỡ thông tin. 

Về hình sự, nếu việc xuyên tạc thông tin và đăng tải nhằm mục đích chống chính quyền thì sẽ bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 BLHS.

Bên cạnh đó, nếu có hành vi lan truyền những điều mà biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự cá nhân nào đó thì có thể bị xử lý về tội vu khống theo Điều 156 BLHS.

Ngoài ra, căn cứ mục đích đưa thông tin, có hành vi trục lợi hay chỉ đăng để câu like, tác động của hành vi vi phạm… mà cơ quan chức năng sẽ đưa ra mức chế tài khác nhau.

Luật sư HÀ NGỌC TUYỀN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm