Coi là bệnh lưu hành không có nghĩa là buông thả với COVID-19

. Thủ tướng tuần trước giao Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh, nghiên cứu để tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Một cách tổng quát, ông thấy thế nào?

+ Nghị quyết 128 tháng 10-2021 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã phát huy tác dụng rất tốt cả về chống dịch, phát triển kinh tế, và an sinh xã hội. Đến phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3-3-2022, Thủ tướng chỉ đạo như vậy, tôi rất tâm đắc. Đó là một đề nghị thận trọng, khoa học và chuẩn mực.

Bác sĩ Nguyễn Anh Trí ủng hộ việc đánh giá, nghiên cứu để tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Ảnh: Như Loan.

. Từ kinh nghiệm trên thế giới và thực tiễn công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, theo ông khi nào có thể coi COVID-19 bệnh đặc hữu?

+ Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Nebraska (Nam Phi), ông James Lawler: “Bệnh đặc hữu nói chung là bệnh mà bạn mắc ở mức độ thường xuyên và có thể dự đoán được, đơn cử như bệnh cúm mùa. Những dịch bệnh đó nói chung là có thể dự đoán được và xảy ra trong phạm vi dự báo”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa đại dịch là sự lây lan không kiểm soát được của virus trên toàn cầu. Tới khi mức độ lây truyền ổn định không dẫn đến bùng phát rộng rãi thì được coi là bệnh đặc hữu.

Đại dịch COVID-19 có chuyển thành bệnh đặc hữu hay không thì cần xét thêm góc độ: Tỷ lệ người bị nhiễm SARS-CoV-2 chuyển thành bệnh COVID-19, và mức độ nặng, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19.

Biến chủng mới là đương nhiên

. SAR-Cov-2, loại virus gây ra đại dịch COVID-19 đang và có lẽ còn tiếp tục biến đổi để xuất hiện những biến chủng mới. Điều đó ảnh hưởng thế nào tới việc quyết định COVID-19 là bệnh đặc hữu?

+ Tôi tin các nhà khoa học cũng đang rất quan tâm vấn đề này.

Đã là virus thì việc thay đổi liên tục thông qua cơ chế đột biến, làm xuất hiện  các biến thể mới là đương nhiên. 

Nhưng virus biến chủng mới thường vẫn giữ lại những kháng nguyên cũ. Nếu may mắn, kháng nguyên đó đã được sử dụng để làm vaccine thì rất tốt.

Điều quan trọng là nhân loại đã có vaccine, có thuốc kháng virus. Nước ta bước sang năm thứ 3 chống dịch, đã có sự bình tĩnh hơn, linh hoạt hơn, và quan trọng hơn hết là chúng ta có lòng tin và sự quyết tâm chiến thắng.

Chúng ta không vì vậy mà chủ quan, nhưng không đến mức lo lắng quá như giai đoạn đầu thôi.

. Với kết quả phòng chống dịch 2 năm qua, đến lúc này, chúng ta đã có đủ tiền đề quyết định đi tới việc coi COVID-19 là bệnh đặc hữu?

+ Đó chẳng những là tiền đề mà còn là cơ sở để chúng ta vững tin, sẵn sàng chống lại dịch bệnh và mọi thử thách ở phía trước.

COVID-19 đang lan nhanh và rộng, nhất là Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Nhưng với linh cảm của một người làm chuyên môn, tôi nghĩ đây sẽ là đợt bùng phát mạnh cuối cùng. Cơ sở là: Tỉ lệ tiêm chủng vaccine ở Việt Nam là cao, tức tỷ lệ người có kháng thể chủ động là cao; virus SARS-CoV-2 lan càng nhanh, nhiều người nhiễm thì số người có kháng thể tự nhiên sẽ càng đông.

Điều đó sẽ thúc đẩy để dịch COVID-19 ở Việt Nam sẽ sớm trở thành một bệnh đặc hữu.

Khi nào xem COVID-19 là bệnh thông thường?
Khi nào xem COVID-19 là bệnh thông thường?
(PLO)- Bộ Y tế cho biết đang theo dõi tình hình dịch COVID-19, cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có tham mưu cho Thủ tướng quyết định coi COVID-19 là bệnh thông thường (bệnh lưu hành - NV) khi thời điểm thích hợp.

COVID-19 là bệnh lưu hành, sẽ không còn cách ly F0, F1 như hiện nay

. Ý nghĩa lớn nhất, thay đổi lớn nhất khi COVID-19 được coi là bệnh đặc hữu là gì?

+ Tôi nhấn mạnh, coi COVID-19 là bệnh đặc hữu không có nghĩa là được buông thả, chủ quan, mà là tổ chức lại việc phòng, chống dịch một cách khoa học, phù hợp và hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, lúc đó sẽ không bị lo lắng thái quá, không bị dồn ép làm những việc không cần thiết như cách ly, xét nghiệm, dùng thuốc thang, rồi đua nhau vào viện. Y tế lúc ấy mới tập trung cứu chữa những ca nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Lúc đó sẽ không còn việc cách ly F0 ở nhà 7 ngày, F1 cách ly 5 ngày, làm tê liệt hoạt động kinh tế, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Mà thực tế thì người dân không thể chấp hành như vậy.

. Trong lúc tiến đến quyết định coi COVID-19 là bệnh đặc hữu thì công tác phòng, chống dịch cần như thế nào?

+ Chúng ta vẫn tiếp tục phòng, chống với các biện pháp như nghiêm túc thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang; đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine trong toàn dân, ở mọi lứa tuổi một cách khoa học và hiệu quả.

Nhưng cần có một số điều chỉnh, như nên triển khai xét nghiệm KHÁNG THỂ CHỐNG SARS-CoV-2 với toàn dân như chỉ đạo của Thủ tướng. Như vậy là chủ động phòng ngừa cho những người mà cơ thể họ chưa đủ khả năng chống chọi với dịch bệnh. Qua đó có kế hoạch tiêm chủng vaccine cho từng nhóm đối tượng, thậm chí là từng cá thể. Về khối điều trị vẫn tập trung điều trị những ca nặng, rất nặng, ngăn chặn dẫn tỉ lệ tử vong ở người bệnh.

Nghị quyết 128 đã phát huy rất tốt hiệu quả trong thời gian qua, nhưng nay dịch COVID-19 đã có nhiều thay đổi, thì cần sửa đổi, bổ sung.

. Xin cảm ơn GS!

 

Bộ Y tế nên xem xét lại tên gọi F0

Theo tôi, đã đến lúc không nên dựa vào số người nhiễm SARS-CoV-2 để đánh giá mức nghiêm trọng của dịch bệnh. Vì qua đánh giá thì có tới 90% người nhiễm SARS-CoV-2, tức qua xét nghiệm thấy dương tính, nhưng lại không có triệu chứng, tức không phát bệnh. 10% còn lại thì chủ yếu bệnh nhẹ, như sốt nhẹ, đau mỏi cơ… thoáng qua, và tỷ lệ rất nhỏ phát bệnh nặng, rất nặng có nguy cơ tử vong.

Do đó đừng gọi chung một tên là F0, để rồi mặc nhiên coi đó là người bệnh COVID-19, dẫn tới hoảng loạn tìm cách vào viện điều trị, gây quá tải y tế.

Bộ Y tế nên xem xét lại tên gọi F0, theo hướng chia nhóm ra và để đánh giá mức độ dịch bệnh thật đúng. Phân loại đúng rồi thì công khai con số, để người dân khỏi hoảng loạn, lo sợ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm