Những câu nói như thế thường xuyên được thốt ra từ thầy Tam Lang mà chúng tôi nhiều lần chứng kiến ông làm công tác huấn luyện…
Sau khi HLV Tam Lang chia tay Cảng Sài Gòn năm 2003, bầu Hưng (ông Quách Thành Lai của Trung tâm TDTT Thành Long) mến mộ tài năng của ông bạn Tam Lang nên quyết năn nỉ bằng được, mời ông về làm công tác huấn luyện.
Nơi ấy, những ngày đầu làm công tác huấn luyện, thầy Tam Lang đi dọc các sân cỏ quan sát các cháu thể hiện những động tác với quả bóng. Ông chú ý ngay từ hình ảnh bố mẹ, phụ huynh chở con vào khi thi tuyển. Những đứa trẻ hiếu động, hay gây gổ… thầy Tam Lang bao giờ cũng nói nhỏ với những trợ lý của mình: “Giúp chú quan sát kỹ những cháu bé đặc biệt này”.
Đặng Trần Chỉnh và thầy Tam Lang trong ngày sinh nhật thứ 72 của ông. Ảnh: CTV
Thế rồi khi những em bé được tuyển chọn ra sân chơi với bóng, thầy Tam Lang vẫn ngầm quan sát. Không bất ngờ với những đứa trẻ “hiếu chiến” thầy Tam Lang vẫn theo sát. Có lần chứng kiến thầy Tam Lang gọi í ới một đứa trẻ vào và nói: “Con ơi, con không được đá như thế, con chơi như thế hại chân của bạn con đó…”. Thế rồi đứa trẻ “hiếu chiến” tỏ ra ăn năn và nhận lỗi: “Dạ, con hứa với thầy, con không còn cố ý đá làm bạn đau nữa. Thầy thứ lỗi cho con…”. Và em bé đấy nhận lại cái xoa đầu động viên rồi vui vẻ chạy ra sân chơi bóng tiếp với các bạn…”.
* * *
Bóng đá Việt Nam đang tràn ngập bạo lực, bởi không ít người lớn đã bày hư cho cầu thủ. Cứ triệt hạ những tay săn bàn giỏi của đối phương để không bị bàn thua.
Vì bệnh thành tích mà người lớn bật đèn xanh cho cầu thủ và lặp đi lặp lại mà bóng đá Việt Nam cứ hay chứng kiến cảnh xấu xí.
Thế rồi khi mọi chuyện vuột khỏi tầm tay, nhờ người Nhật nhảy vào chấn hưng nền bóng đá thì có vẻ mọi chuyện hơi muộn. Nhờ người Nhật làm trưởng giải, nhờ người Nhật làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia nam lẫn nữ, nhờ người Nhật thiết kế nền bóng đá... Những điều người Nhật đang muốn đặt nền móng chẳng khác nào chuyện thầy Tam Lang đã muốn làm từ hơn một thập niên về trước nhưng mọi người cứ cuốn vào căn bệnh thành tích và bây giờ phải trả giá.
Phương châm fair play đôi khi bắt nguồn từ những lời khuyên từ lớp vỡ lòng: “Con ơi! Đừng đá đau bạn! Đá thế là hủy hoại đôi chân bạn con đấy…”.
DUY ÂN