Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ- con trai nhà thơ Hoàng Trung Thông đã tổ chức triển lãm với tên gọi Miên thu tại TP.HCM.
Đây là triển lãm đánh dấu sự trở lại của hoạ sĩ Hoàng Phượng Vỹ sau 17 năm không tổ chức bất kỳ triển lãm cá nhân nào kể từ triển lãm Tuổi thơ (2005) tại Hà Nội.
Hoạ sĩ Hoàng Phượng Vỹ bên cạnh các tác phẩm của mình. Ảnh: NVCC |
Ông đã mang từ Hà Nội vào 48 bức tranh với chất liệu chủ yếu là sơn dầu và bột màu. Toàn bộ tranh được ông tập trung sáng tác từ đầu năm 2020.
Chia sẻ về lý do thực hiện, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ cho biết: "Cha tôi là thi nhân. Yêu mùa Thu! Yêu trăng Thu! Nên tôi muốn nhân dịp này dâng tặng cha một triển lãm cá nhân, sau nhiều năm chỉ âm thầm vẽ.
Bao yêu thương và nỗi niềm tôi chỉ biết gửi cả vào tranh. Tôi mong cha sẽ hài lòng và tôi mong cuộc sống của chúng ta sẽ luôn như những ngày hội Trung Thu, đoàn viên, yên vui, ấm áp miên viễn!".
Một góc tại triển lãm "Miên thu" của hoạ sĩ Hoàng Phượng Vỹ |
Theo con đường naïve art (tạm dịch: nghệ thuật ngây thơ) đã mấy chục năm nay, hầu hết những bức tranh của Hoàng Phượng Vỹ cho thấy sự hồn nhiên, giản đơn như cách ai đó nhìn cuộc đời qua lăng kính của những đứa trẻ.
Tác phẩm Dần |
Tác phẩm "Dần phụ tử", Hoàng Phượng Vỹ vẽ cha và chính mình |
Tác phẩm "Chợ Bến Thành". |
Tác phẩm "Cầu Trường Tiền". |
Tác phẩm "Cầu Thê Húc". |
Biết đến tranh của Hoàng Phượng Vỹ từ năm 1999 từ một bức tranh ở quán cà phê tại Hà Nội, nữ diễn viên Hồng Ánh cho biết đã rất ấn tượng vì bức tranh đó có màu sắc tương phản, vui vẻ.
Triển lãm của Hoàng Phượng Vỹ cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ tại TP.HCM như đạo diễn Hoàng Điệp, diễn viên Hồng Ánh... |
"Mỗi lần tôi ngắm tranh anh Vỹ đều cảm thấy rất vui và nghĩ rằng tâm hồn của người nghệ sĩ này rất trẻ thơ nên mới vẽ được những bức tranh như vậy.
Xuyên suốt các tác phẩm của anh thì bật lên chủ đề về trẻ con. Và lần này cũng thế, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên khi anh vẫn giữ được sự trẻ thơ từ trước đến giờ. Hiện tại, trong nhà tôi có rất nhiều tranh của Hoàng Phượng Vỹ" - nữ diễn viên chia sẻ.
Là người duy nhất trong gia đình toàn khối A theo đuổi hội hoạ và đạt được giải thưởng đầu tiên chỉ trước vài năm bố qua đời, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ cảm giác bố mình buồn nhiều hơn vui vì lo lắng
"Thật ra những người càng đích thực bao nhiêu, trong tâm hồn càng day dứt. Sẽ dễ dằn vặt với cuộc đời. Nếu anh làm kiến trúc ví dụ 8 tiếng, sau đấy về nhà thư giãn. Tầm này làm cái này nó cứ luẩn quẩn trong đầu suốt ngày suốt đêm. Cái không bằng lòng với bản thân cũng trồi lên. Cũng như nhìn cuộc sống hay thấy phần chìm, phần đằng sau… Nó lại dễ khổ, dễ đổ vỡ. Tôi hay độc ẩm, cũng có nghĩa là là độc thoại nhiều. Trong đó đôi khi tính tích cực lóe lên ít hơn tiêu cực…"- ông tâm sự.
Quan sát hành trình vẽ của Hoàng Phượng Vỹ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: "Tôi thấy nhiều hoa văn trên tranh Vỹ đơn giản, mộc, khỏe khoắn, vững chãi. Vỹ là một họa sỹ không giải thích và không triết lý về tranh mình. Vỹ chỉ là kẻ bước đi với đời sống của mình và để lại những dấu vết.
Mỗi người xem hãy tự đi tìm những tín hiệu cho mình. Không phải cho Vỹ, với tôi, đó là những mật mã của văn hóa nằm đâu đó trong những hiện vật tầng tầng lớp lớp của đời sống đương đại".
Một số hình ảnh tại triển lãm "Miên thu":
Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ sinh năm 1962 tại Hà Nội. Là con trai út của nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993). Ông tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, nhưng lại dấn thân vào con đường mỹ thuật.
Năm 1997, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ có cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Ký ức (1997). Rồi đến Hội họa (2002) tại Bangkok, Trở về (2004) tại Hồng Kông, Tuổi thơ (2005) tại Hà Nội.
Sau đó ông chỉ tham gia các triển lãm chung tại Mỹ, Úc, Singapore, Canada, Thái Lan, Việt Nam…