Vợ chồng hoạ sĩ Đặng Thị Thu An và Nguyễn Đức Huy đã tổ chức buổi triển lãm với tên gọi Triển lãm An&Huy tại TP. HCM.
Đây là lần thứ 2 đôi uyên ương tổ chức triển lãm cùng nhau sau Men đàn bà, tổ chức vào năm 2017 tại Hà Nội.
Vợ chồng hoạ sĩ Đặng Thị Thu An và Nguyễn Đức Huy. |
Cả hai mang từ Huế vào gần 60 bức tranh với chất liệu sơn dầu và Acrylic. Trong đó 31 bức tranh- phần lớn thuộc bộ Hương thời gian do Đặng Thị Thu An sáng tác và 26 bức còn lại thuộc về chủ đề Ánh sáng của hoạ sĩ Nguyễn Đức Huy.
Ngoài những tác phẩm đã từng xuất hiện tại một số triển lãm khác thì Đặng Thị Thu An chọn nhiều bức mới thực hiện trong 2 năm đại dịch COVID-19 đã qua.
Trong tất cả tác phẩm, nữ hoạ sĩ đều vẽ những người thiếu nữ mặc áo dài duyên dáng và được lấy cảm hứng từ ba người con gái của mình.
"Dòng tranh này thực ra tôi theo đuổi từ lúc ra trường tính ra đã hơn 10-15 năm rồi. Khi đó, tôi sống ở Huế và hình ảnh những cô gái Huế xinh đẹp, có nét dịu dàng đã ăn sâu vào cảm xúc của mình nên tôi quyết định theo đuổi dòng tranh về thiếu nữ.
Và càng vẽ thì không còn là những người thiếu nữ của Huế mà sẽ có những cảm xúc cũng như cách khai thác hình tượng mở rộng ra hơn” - hoạ sĩ Thu An chia sẻ.
Theo hoạ sĩ Thu An, hiện tại các thiếu nữ vẫn mặc đồ truyền thống nhưng việc kết hợp, chải chuốt đã phá cách, Âu hoá hơn. Tuy nhiên, khi đưa vào tạo hình trong tranh chị đã khai thác theo hướng khác và vẫn luôn gìn giữ những gì thuộc về giá trị văn hoá truyền thống.
Bộ tranh 5 tấm mang tên "Ngũ sắc 1" của Đặng Thị Thu An. Ảnh: VĂN HÀ. |
Bên cạnh đó, chị cũng tiết lộ mình bị ảnh hưởng Mai Trung Thứ, Lê Phổ. "Điều tôi tìm kiếm ở đây chính là cái đẹp và những người hoạ sĩ đó đã từng đưa cái đẹp của người con gái Việt, đã khẳng định giá trị rồi thì hình ảnh đó tôi đã chắt lọc một chút để đưa vào tranh của mình . Qua đó tôi muốn hướng đến giá trị vẻ đẹp thuần tuý của người phụ nữ mình từ trước đến nay"- nữ hoạ sĩ cho hay.
Tác Phẩm "Duyên" của Đặng Thị Thu An. Ảnh: VĂN HÀ. |
Đều hướng về người phụ nữ, thế nhưng nếu Đặng Thị Thu An theo đuổi trường phái hiện thực thì Nguyễn Đức Huy lại theo đuổi bán trừu tượng.
Tác phẩm của hoạ sĩ Đức Huy. Ảnh: VĂN HÀ. |
"Có người sẽ thể hiện người phụ nữ lột tả bằng cái nhìn bề ngoài bằng hình tượng, hình ảnh rất đẹp, có những người tả thực người phụ nữ mang phong cách cổ Việt. Tôi lột tả người phụ nữ bằng một khía cạnh khác của người phụ nữ đó là bầu ngực.
Nếu như vợ tôi vẽ người phụ nữ đầy sự trau chuốt thì người phụ nữ của tôi là biểu tượng để xây dựng liên kết chứ không phải lột trần ra một người phụ nữ thì đó mới là phụ nữ" - hoạ sĩ Nguyễn Đức Huy tâm sự.
Sinh ra cùng một miền quê Đồng Hới (Quảng Bình), học cùng Trường Đại học Mỹ thuật Huế, làm cùng nghề và về cùng một nhà, đôi uyên ương Thu An và Đức Huy dù theo đuổi dòng tranh khác nhau nhưng họ vẫn có sự đồng cảm chia sẻ, mang tính xây dựng thúc đẩy nhau để phát triển chứ không mang tính phản kháng.
Tham dự triển lãm, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: "Dù trái ngược nhau về trường phái nhưng cả hai vẫn có sự nhường nhịn nhau. Đồng thời sự khác nhau của cả hai sẽ tạo thành điều gì đó đặc biệt.
Tôi nghĩ rằng, một bên là hiện thực một bên là trừu tượng thì điều đó rất hay. An là người phụ nữ vẽ phụ nữ thì tâm tình của An đều bộc lộ ra ngoài còn ở Huy lại có gì đó trầm lắng, mạnh mẽ hơn".
Triển lãm An&Huy khai mạc từ 6 đến 12-8 tại Hakio - Let’s Art (38 Trần Cao Vân, quận 3, TPHCM).
Một số hình ảnh tại triển lãm An&Huy: