Ngày 24-9, ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Tiệm photocopy kiêm làm giấy đăng kiểm giả” tại một địa chỉ trên đường Hoàng Việt 2 - đường số 17 (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM), Công an quận Thủ Đức đã vào cuộc xác minh nội dung báo phản ánh.
Điều tra dấu hiệu làm giả tài liệu cơ quan nhà nước
Theo Trung tá Phạm Ngọc Anh, Trưởng Công an phường Linh Chiểu, sáng 24-9 công an phường cùng các đội nghiệp vụ Công an quận Thủ Đức đã tiến hành kiểm tra hành chính tiệm photocopy trên, đồng thời mời ba người của tiệm về trụ sở làm việc.
Qua kiểm tra, tiệm photocopy trên do Đoàn V.D, tạm trú tại phường Linh Chiểu đăng ký kinh doanh về lĩnh vực photocopy và chụp ảnh từ năm 2015. Đoàn V.D chính là người đã nhận làm đăng kiểm giả cho ô tô mà chúng tôi đã phản ánh.
Cũng theo Trung tá Ngọc Anh, qua kiểm tra máy tính trong tiệm thì đúng như báo phản ánh, công an phát hiện có quốc huy đăng kiểm và cả scan chứng minh nhân dân nên tiến hành tạm giữ bốn CPU, ba máy in, hai máy in màu, một máy scan màu và một ổ cứng camera.
Riêng D., công an vẫn chưa làm việc được. Trung tá Ngọc Anh cho hay công an đang làm rõ hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan nhà nước đối với những người liên quan trong bài báo.
Ban chỉ huy Công an quận Thủ Đức cũng đã chỉ đạo đội cảnh sát kinh tế tiến hành phối hợp điều tra, làm rõ nội dung báo phản ánh.
Cũng theo Trung tá Ngọc Anh, công an phường thường xuyên tuyên truyền các chủ tiệm photocopy không nhận scan các loại giấy tờ cấm. Tuy nhiên, vẫn có chủ tiệm vi phạm. “Trong thời gian tới công an phường sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các tiệm photocopy trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền và yêu cầu các chủ tiệm photocopy cam kết không nhận scan hay làm giả các loại giấy tờ bị cấm” - ông nói.
Công an đang làm việc với người của tiệm photocopy nhận làm giả sổ đăng kiểm. Ảnh: TỰ SANG
Nhiều vật dụng tại tiệm photocopy bị tạm giữ. Ảnh: TỰ SANG
Tiếp tục mở rộng vụ việc
Tại điểm nhận làm biển số giả nằm trên xa lộ Hà Nội (phường Hiệp Phú, quận 9) Công an quận 9 cũng đã tiến hành kiểm tra, mời chủ cơ sở đến làm việc.
Theo Công an quận 9, cơ sở trên do hai vợ chồng Huỳnh Thị Th. K (chị Mười trong bài báo) và chồng là NĐT cùng ngụ tại đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức làm chủ.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở trên không có giấy phép kinh doanh, công an thu giữ 11 bộ biển số ô tô, bảy bộ biển số xe máy, một máy mài, một máy đánh bóng và một máy dập lỗ, không có máy dập khuôn. Đồng thời công an đã mời vợ chồng chị K. đến làm việc ngay trong ngày 23-9 (ngày báo phản ánh).
Bước đầu chị K. khai đã mở cơ sở ốp biển số tại đây đã ba năm, toàn bộ biển số công an tạm giữ là của khách hàng đem đến phục hồi lại và biển số ô tô của khách bị hư đem đến nhờ chị K. và anh T. làm lại.
Ngoài ra, theo lời khai của chị K. và anh T. thì cách đây hơn một tháng có nhận làm một biển số không có quốc huy cho một khách và thu 250.000 đồng. Sau khi nhận tiền, cả hai đến một địa điểm trên đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức) nhờ làm rồi đem đến giao cho khách.
Còn về việc mà báo phản ánh chị K. có ra giá nhận làm một triệu đồng/biển số có quốc huy thì chị K. khai chỉ để hù khách chứ không nhận làm. Ngày 24-9, Công an quận 9 cho biết đang tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.
Như chúng tôi đã thông tin, từ rỉ tai của giới tài xế xe container ma và tiết lộ của những “cò” chuyên nhận làm biển số, PV Pháp Luật TP.HCM thâm nhập vào đường dây làm biển số, giấy đăng kiểm giả trên xa lộ Hà Nội và quận Thủ Đức. Theo chân các tài xế xe container, chúng tôi chứng kiến việc giao dịch làm các loại biển số giả và đăng kiểm giả giống như thật với giá 250.000 đồng đến một triệu đồng cho một biển số. Riêng giấy đăng kiểm thì chủ tiệm phôtô nhận làm với giá 300.000 đồng. Các loại biển số, giấy đăng kiểm giống như thật và cơ quan chức năng không thể phát hiện nếu quan sát bằng mắt thường. Từ biển số giả, đăng kiểm giả, nhiều chiếc xe trôi nổi, xe gian, hết niên hạn vô tư lưu thông trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông… |