Doanh nghiệp kêu oan
Theo ông Lý Trường Trung - chủ cơ sở TTP chuyên sản xuất các loại nước mắm, nước tương đóng chai (xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), ngày 18-10-2016, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra đột xuất cơ sở của ông.
Cơ quan công an cho rằng cơ sở này thiếu giấy tờ “Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” đối với sản phẩm mắm tôm, giấm. Đoàn kiểm tra lấy mẫu nước gửi đi đi kiểm nghiệm đồng thời niêm phong hàng hóa tại cơ sở.
Sau đó cơ quan công an đã gửi mẫu đến Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (Khu Công nghệ cao TP HCM) kiểm nghiệm. Kết quả cho rằng trong mẫu mắm cá cơm có độ đạm 10,8 g/lít, chỉ tiêu asen vượt ngưỡng 1,17 lần so với quy chuẩn cho phép. Đối với mẫu mắm tôm chỉ tiêu asen vượt mức cho phép, mẫu tương ớt có chỉ tiêu natri benzoat vượt so với quy chuẩn cho phép.
Chủ cơ sở TTP cho rằng việc xác định arsen trong nước mắn của Công an tỉnh Bình Dương là vội vãn làm ảnh hưởng lớn việc kinh doanh. Ảnh: VH.
Do ba mẫu trên vượt tổng quy chuẩn nên quyết định xử phạt yêu cầu cơ sở của ông Trung. Lúc này ông Trung không đồng ý đóng phạt vì cho rằng các lỗi mà mình bị “bắt” đều cần phải xem lại. Riêng việc phạt asen vượt ngưỡng trong nước mắn và mắn tôm thì chủ sơ sở khẳng định là không phù hợp.
“Sản phẩm mắm tôm và mắm cá cơm mà tôi sản xuất đều có độ đạm khá cao do nguồn gốc nguyên liệu là tôm, cá biển nên có asen hữu cơ, đây là loại asen vô hại. Còn kết quả kiểm nghiệm không ghi rõ là asen gì”, ông Trung nói.
Công an rút quyết định xử phạt lỗi arsen
Ngày 31-3, đại tá Trần Văn Chính – Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương có văn bản trả lời khiếu nại của cơ sở TTP. Trong văn bản trả lời, Công an tỉnh Bình Dương vẫn giữ nguyên quyết định xử phạt 3 hành vi vi phạm hành chính của cơ sở TTP liên quan tới mẫu nước thải, việc công bố sản phẩm với tổng mức phạt 28,8 triệu đồng.
Riêng với nội dung xử phạt về “nồng độ arsen vượt ngưỡng” thì công an cho biết “khiếu nại của cơ sở là đúng”.
“Hiện nay vấn đề xử phạt chỉ tiêu arsen vượt quy chuẩn cho phép còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn của các cơ quan cấp trên. Do đó việc đề xuất xử phạt chỉ tiêu arsen chưa phù hợp. Vì vậy Công an tỉnh Bình Dương đã quyết định rút nội dung xử phạt nồng độ arsen vượt ngưỡng đối với cơ sở TTP”, nội dung văn bản nêu rõ.
Theo cơ quan công an, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định nếu ông Trung không đồng ý có quyền khiếu nại đến công an tỉnh Bình Dương hoặc khởi kiện ra tòa.
Trao đổi với PV, ông Lý Trường Trung cho biết sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại tới Bộ Công an và UBND tỉnh Bình Dương để xem xét lại nội dung giải quyết của công an tỉnh Bình Dương.
“Mặc dù thừa nhận việc xử phạt arsen trong nước mắm là không đúng nhưng công an tỉnh Bình Dương đã không xin lỗi và không bồi thường cho doanh nghiệp vì nhưng lô mà công an niêm phong cũng gần hết hạn sử dụng. Việc xử phạt sai đã làm cho cơ sở mất uy tín rất nhiều...”, ông Trung bức xúc.