Sáng 11-7, Công an TP.HCM đã tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2019 tại Phòng PC08 Công an TP.
Tại đây nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã nêu hàng loạt thắc mắc về vấn đề tạm trú, lưu trú của người nước ngoài, các vấn đề về phòng cháy chữa cháy, đăng ký xe...
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã nêu ý kiến, thắc mắc để được các đơn vị công an giải đáp về TTHC. Ảnh: L.THOA
Khách sạn tá hỏa khi khách chơi ma túy, mại dâm
Một số khách sạn bày tỏ hoang mang khi tiếp nhận khách đến ở đã vô tình bị “vạ” lây vì khách lén chơi ma túy, mua bán dâm. Chị H., đại diện khách sạn A&M nhắc lại sự việc xảy ra với chính chị cách đây 10 năm.
Lúc đó sau khi kiểm tra đầy đủ toàn bộ giấy tờ của khách và bố trí phòng nghỉ thì cơ quan chức năng bất ngờ ập đến phát hiện khách mua bán dâm nên nhân viên khách sạn cũng bị mời lên làm việc.
“Tôi bị cơ quan công an giữ lại trọn một ngày dù tôi không liên quan gì hết. Không cho tôi dùng điện thoại, không cho tôi gọi người nhà, đến giờ mới dám kể ra vì còn ám ảnh. Đến bây giờ nhân viên của tôi cũng rất lo lắng, vì chuyện tai bay vạ gió này” – chị H. kể.
Thượng tá Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng PC06 Công an TP.HCM cho biết, khi khách đến thuê phòng thì nhân viên phải làm đầy đủ các bước: Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách (CMND hoặc CCCD, hộ chiếu, thẻ thường trú, giấy tờ có dán ảnh…); ghi đầy đủ thông tin khách vào sổ quản lý hoặc máy vi tính trước khi cho khách vào phòng nghỉ. Nếu khách không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí phòng cho khách thì phải báo công an phường trước 23 giờ đêm, hoặc trước 8 giờ sáng hôm sau nếu khách vào trễ.
Nếu thực hiện đầy đủ theo quy định và không biết biết khách sử dụng ma túy, mại dâm thì không bị xử lý gì cả. Còn việc mời nhân viên có liên quan lên làm việc sẽ căn cứ vào tình tiết vụ việc. Đây là sự hợp tác làm rõ sai phạm, khi sáng tỏ thì sẽ để nhân viên trở về.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP cũng nhìn nhận, hiện nay nhiều thanh niên khi vào nhà nghỉ, khách sạn bình dân thường đóng kín cửa, bật loa lớn, sử dụng ma túy tổng hợp. Nên các khách sạn cần cảnh giác, lắp camera quan sát, không để bị lợi dụng.
“Qua quản lý, kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện nhiều khách sạn mà nhân viên bị lợi dụng để các đối tượng vào sử dụng các chất ma túy, gây hậu quả rất lớn. Có cả trường hợp xử lý hình sự vì tổ chức, hoặc không có trách nhiệm để nơi lưu trú thành nơi tổ chức sử dụng ma túy, mại dâm, đánh bài. Tôi mong rằng các chủ doanh nghiệp quan tâm, hoạt động lành mạnh…” – Thiếu tướng Trần Đức Tài nói.
Người dân vẫn còn phiền hà
Tại hội nghị, báo cáo về công tác CCHC của Công an TP sáu tháng đầu năm 2019, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng PV01 cho biết thời gian qua công tác CCHC của CATP được thực hiện trên 6 nội dung gồm: Cải cách thể chế, cải cách TTHC, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - chiến sĩ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Điểm nổi bật trong năm 2019 là lần đầu tiên Công an TP ban hành nghị quyết riêng về CCHC.
Thượng tá Hà thông tin, 6 tháng đầu năm 2019, Công an TP đã cấp 31.440 CCCD, 95.719 hộ chiếu, 5.263 giấy đăng ký xe và 16.201 lượt sử dụng dịch vụ chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong vi phạm giao thông qua bưu điện.
CATP cũng đã tích cực thực hiện Thư xin lỗi đối với trường hợp giải quyết TTHC trễ hạn. Triển khai thêm việc tiếp nhận hồ sơ TTHC vào sáng thứ 7 hàng tuần tại Phòng PC07 (Phòng CS PCCC). Trước đó CATP đã tổ chức việc này đối với lĩnh vực cấp CCCD, đăng ký xe, quản lý xuất nhập cảnh,…
Hiện nay Công an TP đã có 10/151 thủ tục đang được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chủ yếu trong việc cấp hộ chiếu, cấp CCCD, khai báo tạm trú cho người nước ngoài, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT.
Đầu năm 2019, đoàn khảo sát của Công an TP đã tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân tại 9 đơn vị có chức năng tiếp nhận, giải quyết TTHC với 515 phiếu. Đa số người dân đều đánh giá hài lòng.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được thì công tác CCHC của Công an TP vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Như vẫn còn xảy ra tình trạng trễ hạn hồ sơ, nơi tiếp công dân còn chật hẹp, nóng bức, không có chỗ để xe. Vẫn còn một số cán bộ chưa khéo léo trong giải thích, hướng dẫn người dân trong quá trình, tiếp nhận giải quyết TTHC nên người dân có tâm lý khó chịu, không vừa ý, có đơn thư phản ánh, kiến nghị gửi đến VP Chính Phủ, Bộ Công an.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM (bìa trái) bày tỏ hy vọng nhận được nhiều đóng góp của nhân dân, làm sao đó chúng tôi có điều kiện phục vụ nhân dân tốt hơn. Ảnh: L.THOA
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP cũng nhìn nhận, đây là dịp mà Công an TP được nghe những trăn trở, tình cảm của người dân, doanh nghiệp. Quá trình làm việc giữa người dân và công an diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Công an có có trách nhiệm bảo vệ, phục vụ, giải quyết yêu cầu của người dân.
Tuy nhiên, ông cũng lý giải, một số trường hợp việc giải quyết thủ tục còn dài cho quy định bắt buộc. Công an chỉ có thể cải tiến về tình cảm, thái độ, tấm lòng nhiệt tình làm nhanh cho người dân. Nhưng còn thủ tục mang tính pháp luật thì phải tuân thủ.
“Chúng tôi hy vọng nhận được nhiều đóng góp của nhân dân, làm sao đó chúng tôi có điều kiện phục vụ nhân dân tốt hơn….”, Thiếu tướng Trần Đức Tài khẳng định.