Công bố những bài thơ chưa từng được biết đến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

(PLO)- Những bài thơ chưa từng được biết đến, những ký họa trên gốm....được công bố trong tập di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Anh hùng còn chi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 22-11, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm ra mắt tập di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Anh hùng còn chi.

Chứng kiến một không gian chật kín người tham dự, Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn - Người biên soạn cuốn sách bày tỏ: “Sức hút và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Thiệp đã được khẳng định tại đây”.

Nguyễn Huy Thiệp
Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn tại toạ đàm. Ảnh: VIẾT THỊNH.

TS Mai Anh Tuấn cũng cho biết, một trong những nguyên nhân để anh biên soạn cuốn sách vì hiện tượng của Nguyễn Huy Thiệp, văn chương của ông đủ sức hấp dẫn và lôi cuốn chúng ta.

Có mặt tại toạ đàm còn có họa sĩ Lê Thiết Cương - người bạn thân thiết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đồng thời là họa sĩ vẽ bìa cho cuốn sách. Anh tiết lộ, vở kịch Nhà Ôsin của Nguyễn Huy Thiệp lấy chi tiết từ nhà của anh. “Vì nhà tôi đông Ôsin quá”- anh nói.

Tập di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được lấy từ đoạn thơ trong truyện Chảy đi sông ơi của chính nhà văn: “… Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi”.

Nội dung tập di cảo được chia làm ba phần:

- Phần 1: Tác phẩm, gồm những bài thơ chưa công bố của tác giả; các truyện ngắn; tiểu luận, tạp văn; kịch bản phim truyện

- Phần 2: Ký họa trên gốm, gồm có: Các ký họa chân dung người thân, bạn bè, văn nghệ sĩ và tự họa; Các ký họa về tác giả, tác phẩm và sự kiện văn chương

- Phần 3: Tư liệu ảnh về Nguyễn Huy Thiệp, bao gồm một số ảnh chụp qua các mốc cuộc đời của nhà văn, ảnh chụp bản thảo và bài đăng trên báo được gia đình, bạn bè lưu giữ.

Nguyễn Huy Thiệp
Ký hoạ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Trong đó, riêng về thơ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sớm làm thơ, và tập thơ đầu tiên trong cuốn sách này, Những vần thơ chua xót, nhà văn đã hoàn thành lúc 27 tuổi.

Cho dù chúng chỉ như lối ghi nhật ký, thỏa cảm xúc và suy tư của một giáo viên tỉnh lẻ, nhưng đọc lại, chúng ta vẫn thấy chất giọng, cái nhìn khá riêng. Tập thơ thứ hai được chọn lựa từ những vần thơ nhà văn viết sau khi lâm bệnh nặng để giãi bày cảm xúc, tâm trạng và giữ cho đầu óc tỉnh táo.

Về các ký hoạ của nhà văn trên gốm, TS Mai Anh Tuấn nói, những ký hoạ này được chọn từ vài trăm ký hoạ trong tư gia của ông.

“Trong khi văn đàn vẫn mơ mộng, đòi hỏi tác phẩm đỉnh cao thì người ta lại thấy Nguyễn Huy Thiệp viết kịch bản phim và tiểu thuyết “ba xu”. Khi công chúng tưởng như ông đã cạn sức viết thì ông vẫn ngồi ký họa gốm hằng ngày”- TS Mai Anh Tuấn nói.

Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021) là nhà văn nổi bật nhất của văn đàn Việt Nam hiện đại. Ông sáng tác ở đa dạng thể loại, từ thơ, tiểu thuyết, tiểu luận văn học đến kịch, kịch bản phim... nhưng để lại sức ảnh hưởng và dấu ấn lâu dài trên văn đàn, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn với Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm