Báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp của Quốc hội về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ ngày 14-9 còn nhiều vấn đề quan trọng khác.
Mặc dù tán thành với những đánh giá của Chính phủ về kết quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), nhưng UB Tư pháp nói mô hình tổ chức này thiếu ổn định.
“Năm 2018 vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ việc tiêu cực ngay trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng PCTN. Đáng lưu ý, đã phát hiện, xử lý một số vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm lớn mà người phạm tội, vi phạm pháp luật là cán bộ, sỹ quan cao cấp, ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật và lòng tin của nhân dân”, báo cáo nêu.
Đối với công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo tham nhũng, UB Tư pháp điểm lại một số vụ việc đáng chú ý.
Trong đó có việc Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và công khai kết luận thanh tra vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG; kiểm tra và công khai kết luận kiểm tra vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hay việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý tài chính trên 97.000 tỷ đồng cũng đáng chú ý.
Tuy vậy, UB Tư pháp nói Kiểm toán lại “ít chuyển sang cơ quan điều tra” các vụ việc sai phạm và tình trạng này “đã tồn tại nhiều năm những chưa được khắc phục, có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm”.
Dù công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đã được cải thiện qua số vụ việc tham nhũng bị phát hiện, khởi tố tăng cao so với năm 2017, nhưng UB Tư pháp vẫn cho rằng: công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế.
“Vẫn còn tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác. Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn thấp. Việc Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều”, UB Tư pháp nêu.
Đồng tình với những đánh giá về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong báo cáo của Chính phủ, nhưng UB Tư pháp còn cho rằng: Công tác PCTN ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Một số cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật còn bị buông lỏng.
“Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTN nên dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển”, báo cáo thẩm tra nêu.
Ngoài kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm PCTN, UB Tư pháp đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công là đất đai, nhà tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Với Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC, UB Tư pháp đề nghị chỉ đạo thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng dưới hình thức “nhóm lợi ích”, “sân sau”… để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế.
UB Tư pháp cũng không quên đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước đề ra giải pháp để kiểm tra, chống việc bỏ lọt tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán; tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.