Xe chạy bằng nhiên liệu hydro và thải ra nước - Ảnh: CNN
1. Xe hơi "tâm lý"
Hệ thống máy tính trong xe sẽ thu thập thông tin cá nhân để phân tích xu hướng của người lái và đề nghị những lộ trình phù hợp. Hãng Marcedes-Benz đang phát triển công nghệ canh giờ và đề nghị những lựa chọn giải trí theo lịch trình, sở thích và tâm trạng.
Ví dụ, nó sẽ "biết" mỗi ngày bạn ra khỏi nhà vào lúc 7g30 sáng, đưa con đến trường và bạn thích nhiệt độ trong xe là 24 độ C để tự điều chỉnh. Dựa trên hệ thống định vị GPS, xe sẽ đề nghị lộ trình ngắn nhất, tránh kẹt xe để tiết kiệm nhiên liệu, thời gian.
Cho đến khi thả con vào trường, xe mới tự chuyển từ kênh Disney sang kênh NPR và nó "biết" tài xế thích nghe hip-hop vào buổi chiều. Công nghệ này giống như "nhận thức" của xe và có thể đưa ra các quyết định thực sự thông minh.
2. Công nghệ “giám sát” tài xế
Để đề phòng các trường hợp tài xế bị phân tâm, buồn ngủ, say rượu, đau tim và đột quỵ trong khi lái xe, các nhà nghiên cứu đang phát triển công nghệ "giám sát" người lái, sử dụng cảm biến tiên tiến theo dõi nhịp tim, chuyển động mắt và hoạt động não để xe có thể tự phản ứng kịp thời trong trường hợp nguy hiểm trên đường.
Nissan thử nghiệm công nghệ phát hiện tình trạng lái xe say rượu bằng cách đo nồng độ cồn trong mồ hôi, Audi phát triển cảm biến ngăn chặn phân tâm và tự động giảm tốc độ. Ford cũng đang phát triển công nghệ xác định nồng độ glucose trong máu người bệnh tiểu đường và theo dõi hơi thở người hen suyễn.
Nhiều khả năng những cảm biến này sẽ gây phiền nhiễu cho người lái nhưng nếu chúng hoạt động mọi lúc thì có thể bảo vệ được chủ nhân tránh tai nạn.
3. Xe hơi “nói chuyện” với nhau
Trường Đại học University of Michigan và Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đã làm thí nghiệm trên gần 3.000 ôtô và xe tải, được trang bị hệ thống giao tiếp V2V, chạy trong khu vực Ann Arbor, bang Michigan trong 1,5 năm qua.
Thiết bị có khả năng phát tín hiệu an toàn tầm ngắn 10 lần/giây và có thể nhận tín hiệu từ các xe khác để xác định khả năng tai nạn sắp xảy ra, bằng việc phát ra tiếng "bíp" hoặc rung tay lái. Sớm nhất là đến năm 2017, Cục quản lý An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia sẽ bắt buộc mọi ôtô và xe tải nhẹ ứng dụng công nghệ V2V.
Công nghệ V2V sẽ chỉ cảnh báo cho người lái, tuy nhiên hệ thống trong tương lai hứa hẹn có thể tự động thắng hay tự lái nếu bắt được tín hiệu sắp xảy ra va chạm.
4. Túi khí giảm va chạm
Hãng sản xuất công nghệ an toàn TRW Automotive đang phát triển ý tưởng lắp các túi khí lớn vào các rocker panel (phần hộp rỗng mép dưới cửa, chống cho nước đọng) bên hông xe, để khi hệ thống camera và radar phát hiện tai nạn tiềm năng, sẽ gửi ngay tín hiệu thổi phồng túi trong vòng 30 mili giây.
Các túi khí có khả năng hấp thụ một phần năng lượng va đập và giảm tác động vào nội thất của xe đến 35%.
Volvo đã lắp các túi khí tương tự vào sedan hatchback V40, trong khi Mercedes-Benz đang phát triển túi khí phía dưới xe nhằm tạo ma sát với mặt đường và giảm tốc độ.
5. Xe pin nhiên liệu hydro
Năm 2015, ba nhà sản xuất xe hơi châu Á là Toyota, Honda và Hyundai sẽ tung ra những model đầu tiên sử dụng nhiên liệu hydro thân thiện môi trường (chất thải duy nhất là nước), nhằm cạnh tranh với xe điện chạy pin lithium-ion hay đông cơ đốt trong truyền thống.
Pin hydro cho phép xe chạy đường dài đến 644km, sạc lại trong vài phút. Tuy nhiên thách thức hiện nay là thiếu các trạm sạc hydro. Với 25 trạm ở bang California (mục tiêu tăng lên 68 trong năm 2016), người lái có thể chạy từ Los Angeles đến San Francisco (560km) thoải mái nhưng sẽ không thể nạp được nhiên liệu khi chạy ra khỏi bang.
Theo C. LUÂN (CNN, TTO)