Công nhận 630 giáo sư, phó giáo sư năm 2023

(PLO)- Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư 2023 cho 630 nhà giáo. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước Nguyễn Kim Sơn vừa ký quyết định 80/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư 2023 cho 630 nhà giáo. Trong đó có 58 giáo sư, 572 phó giáo sư.

Như vậy, tất cả ứng viên có tên trong danh sách đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023 được công bố sau phiên họp lần thứ 12 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023, diễn ra trong hai ngày 4 và 5-11 đã chính thức được công nhận.

Trước đó, danh sách 630 ứng viên trên được công bố trong thời hạn 15 ngày, và không có đơn thư phản ánh.

Sau thời hạn này, do không có đơn thư phản ánh nên chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023, theo quy định.

công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư
Hội đồng Giáo sư nhà nước trong phiên họp lần thứ 12. Ảnh: X.Đ

Năm 2023, có 648 ứng viên được 28 hội đồng giáo sư ngành/liên ngành đề xuất nhưng chỉ 630 ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay.

Theo Hội đồng Giáo sư Nhà nước, các ứng viên bị loại do nhiều lý do khác xoay quanh các tiêu chí xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó có ứng viên xin rút hồ sơ.

Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng nhận được một số phản ánh liên quan đến hồ sư ứng viên không đạt tiêu chuẩn.

Số ứng viên đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 tăng so với 2022 (248 ứng viên).

Theo danh sách chính thức năm 2023, ngành kinh tế chiếm số lượng ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư áp đảo với 92 người, bao gồm 6 tân giáo sư và 86 phó giáo sư.

Ba tân phó giáo sư trẻ nhất năm 2023 đều sinh năm 1990 và cùng ngành kinh tế, gồm:

TS Nguyễn Thị Hồng Nhâm (chuyên ngành tài chính - ngân hàng), giảng viên khoa tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM; TS Phan Thị Thu Hiền (chuyên ngành kế toán - kiểm toán), giảng viên bộ môn kiểm toán, khoa kế toán - kiểm toán Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội); TS Lê Thanh Hà (chuyên ngành kinh tế học), giảng viên bộ môn kinh tế vi mô, khoa kinh tế học Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội).

Ba tân giáo sư trẻ tuổi nhất cùng sinh năm 1984, gồm ông Nguyễn Đại Hải (Viện Công nghệ hóa học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ông Đoàn Thái Sơn (Viện Toán học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), và ông Trần Xuân Bách (Trường đại học Y Hà Nội).

Đáng chú ý, trong số các tân giáo sư năm nay, bà Tạ Thị Hoài An - nghiên cứu viên cao cấp Viện Toán học (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - sinh năm 1972 - trở thành nữ giáo sư toán học thứ ba của Việt Nam trong gần 70 năm qua.

Ngành y học có 82 ứng viên (9 ứng viên giáo sư, 73 ứng viên phó giáo sư); liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm có 60 ứng viên (9 ứng viên giáo sư, 51 ứng viên phó giáo sư).

Hội đồng có lượng ứng viên rất thấp như luyện kim 3 ứng viên (1 giáo sư, 2 phó giáo sư). Năm nay, 3 ngành, liên ngành không có ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư là ngôn ngữ học, sử học - khảo cổ học - dân tộc học và văn học.

Sau khi ban hành quyết định này, Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có ứng viên đạt chuẩn trong danh sách tổ chức công nhận và trao quyết định.

Năm nay Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm 2023 với 74 người. Xếp vị trí tiếp theo là các địa phương: Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An...

Theo danh sách ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, tỉnh Nam Định có 39 người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Chỉ riêng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có đến 11 người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Có 7 người trong số này trong độ tuổi 8X (sinh từ năm 1980 đến 1989).

Đặc biệt, năm nay có 7 phó giáo sư trong độ tuổi 8X đạt chuẩn chức danh Giáo sư, trong đó có 3 giảng viên đều đến từ một trường đại học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm