Chiều cuối tuần, bà Trần Thị Kim Chi vừa bán nước ven đường ở Bến xe Đồng Nai (phường Tam Hiệp, Biên Hòa) vừa thở dài thườn thượt: “Trời mưa thế này thì buôn bán làm sao được. Biết khi nào mới đủ tiền để chuộc lại nhà đây”.
Miệt mài trả lãi
Bà Chi nhớ lại cuối năm 2008, chồng bà bị tai nạn giao thông. Nhà nghèo, bà Chi phải thế chấp sổ hồng nhà cho bà H. vay tiền lo thuốc thang, viện phí cho chồng và nuôi các con ăn học. Qua năm lần “làm hợp đồng”, tổng cộng bà Chi vay của bà H. 165 triệu đồng với lãi suất từ 7% đến 18%/tháng, đóng lãi theo ngày. Hằng ngày, bà H. cho người đi thu tiền lãi nhưng không để lại bất cứ giấy tờ gì thể hiện bà Chi đã đóng lãi. Do vậy, sau gần một năm, tính đến ngày 21-9-2009, tổng sổ tiền lãi mà bà Chi đã đóng là hơn 136 triệu đồng nhưng không có gì chứng minh. Cuối năm 2009, bà H. kiện đòi bà Chi giao nhà, dù lúc này bà vẫn đóng tiền lãi đầy đủ.
Bà Chi kể sau khi ôm một đống nợ rồi chồng qua đời, một mình bà phải làm lụng quần quật suốt ngày để kiếm tiền nuôi các con và lo tiền trả nợ. Con bà Chi sau những giờ làm công nhân đã luân phiên phụ mẹ bán nước suốt 24/24 giờ và “tăng ca” chạy xe ôm, góp nhặt từng đồng để có thể giữ lại ngôi nhà của gia đình. Hiện hơn 10 người trong gia đình có nguy cơ ra đường ở vì đã có thông báo yêu cầu thi hành án.
Kể từ năm 2012 đến nay, bà Chi đã gửi nhiều lá đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng tố cáo bà H. có hành vi cho vay nặng lãi và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng đến nay bà vẫn chưa nhận được hồi âm.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai ở xã An Hòa, TP Biên Hòa (trước là huyện Long Thành) cho biết mình cũng vay của bà H. năm lần với tổng số tiền là 90 triệu đồng nhưng phải ghi giấy nợ 180 triệu đồng và ký giấy sang nhượng nhà đất. Khi bà Mai không còn khả năng trả nợ, ngay lập tức bà H. kiện ra tòa đòi lấy nhà. Tòa quyết định hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng buộc bà Mai phải trả cho bà H. 180 triệu đồng. Bà Mai liền làm đơn kêu cứu rằng thực tế chỉ vay 90 triệu đồng nhưng giấy tờ đã ký vào rồi biết làm sao. Trong khi đó, sau khi kiện ra tòa, bà H. liên tục cho người đến đòi tiền và đe dọa. Quá hoang mang bà Mai phải giao căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng trừ nợ.
Sau khi bị “xiết” nhà, bà Mai phải xin em của mình gian xó bếp rộng chừng 10 m2 để làm nơi trú ngụ cho ba mẹ con.
Từ khi sập bẫy tín dụng đen, bà Chi phải bán nước vỉa hè để kiếm tiền trả nợ và nuôi cả gia đình.
Sau khi bị bà H. xiết nhà, bà Mai phải ở nhờ gian bếp của người em.
Chân dung những “ông trùm”
Chị N., một người dân sống ở nơi giáp giữa KCN Biên Hòa 1 và Biên Hòa 2 cho biết trên địa bàn mình chuyện đòi nợ, “xiết” đồ đạc xảy ra thường xuyên. Có khi chủ nợ dằn mặt con nợ bằng cách kéo giang hồ vào đập phá nhà cửa rồi đòi chém. Quá lo sợ nên nhiều con nợ phải bán nhà, bán đồ đạc để trả nợ.
Trong đó, nổi tiếng nhất là Tuyên Cò, A. Tiều và Ph. chuyên cho công nhân vay với lãi suất 10%/tháng, cho các con bạc vay thì lấy lãi 30%/tháng. Ai có nhu cầu chỉ cần tìm đến các trùm cho vay cho biết nơi ở, nơi làm việc hoặc nhờ người quen bảo lãnh thì muốn vay bao nhiêu cũng được, không đòi hỏi thế chấp nhưng hễ trả không xong là liệu hồn…
Đơn cử, Tuấn làm công nhân trong KCN Biên Hòa 1 lương chỉ ba cọc ba đồng nhưng lại mê bài bạc nên thường xuyên vay nóng. Tháng 9-2014, Tuấn mượn nợ của A. Tiều gần 10 triệu đồng, lãi suất 30%/tháng đóng theo ngày, hết tháng thì phải trả gốc. Sau đó, Tuấn không có tiền trả, A. Tiều cho đàn em đuổi đánh dằn mặt. Tuấn sợ quá bán xe trả nợ và cũng bỏ trốn khỏi phòng trọ luôn, không thấy tăm hơi đâu nữa.
Còn Ph. ở phường An Bình, TP Biên Hòa chuyên cho vay không cần thế chấp với lãi suất từ 20% đến 30%/tháng. Mới đây bà T. mượn tiền của Ph. với lãi suất 30%tháng để làm ăn nhưng chuyện làm ăn thất bại lại phải đóng lãi suất quá cao nên chỉ sau một thời gian bà T. không có khả năng trả nữa. Chỉ trong một thời gian ngắn, lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ tăng lên chóng mặt. Nhận thấy bà T. kinh tế suy kiệt nên Ph. cho đàn em đến dọa nạt buộc bà phải trả gấp. Quá sợ hãi bà T. nhanh chóng treo biển bán nhà, vật dụng trong nhà cũng được bán đổ bán tháo, gom được hơn 400 triệu đồng bà T. trả hết cho Ph. rồi khăn gói đi nơi khác.
“Chết” vì hợp đồng bán nhà giả cách
Bà H., 38 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa có biệt danh H. “móc túi” là một trong những trùm cho vay nặng lãi lớn nhất ở đất Biên Hòa.
Bà H. cho vay nặng lãi cả chục năm nay. Để qua mặt cơ quan chức năng, bà H. vẫn viết giấy vay tiền cho các con nợ và lãi suất chỉ ghi 2% đến 7%/tháng nhưng thực tế thì con nợ phải trả 20%-30%/tháng. Ngoài ra con nợ phải ký giấy tờ số tiền vay lên gấp 1,5-2 lần thực tế. Bà H. còn đòi thêm tiền cò, tiền chung chi cho người này người nọ nên số tiền mà các con nợ nhận lại càng ít. Bên cạnh đó, khi vay tiền con nợ phải giao nộp toàn bộ giấy tờ nhà đất và ký giấy chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình cho bà H. Vừa vay tiền xong là phải đóng lãi tháng đầu tiên, sau đó hằng tháng vẫn đóng lãi đều nhưng cứ được khoảng một, hai năm khi các con nợ không còn khả năng đóng tiền lãi nữa là bà H. kiện ra tòa đòi lấy nhà.
Riêng xã An Hòa, TP Biên Hòa đã có nhiều nạn nhân là những người nghèo bị bà H. lấy nhà sau khi cho vay tiền với lãi suất cắt cổ và lừa lập hợp đồng chuyển nhượng nhà khi vay tiền.
Không chỉ ở Biên Hòa (Đồng Nai), thủ đoạn nắm đằng chuôi bằng cách giả lập hợp đồng bán nhà để che giấu hành vi cho vay lãi nặng được các chủ nợ áp dụng khá phổ biến. Nạn nhân là những người lao động nghèo mất nhà sau khi bị “hút khô máu” mà không biết kêu ai vì đã tự mình đưa chân sa bẫy trong thế ngặt nghèo. Những giấy tờ họ đã ký trở thành chứng cứ chứng minh rằng lẽ phải thuộc về… kẻ cho vay!
_____________________________________
Kỳ sau: Lẽ phải thuộc về kẻ cho vay lãi nặng? Những giấy tờ mà nạn nhân của tệ trạng cho vay nặng lãi đã ký trở thành chứng cứ thể hiện rằng lẽ phải thuộc về… kẻ cho vay!