Tháng 6-2015, ông Tống Khánh Thiện, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM, mua căn nhà 82 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 8, quận 5, TP.HCM của bà Trần Hữu. Sau khi làm thủ tục tại một phòng công chứng, ông Thiện đã liên hệ Chi cục Thuế quận 5 để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Chỉ tại công văn ghi “tạm ngưng”
Việc mua bán giữa ông Thiện và bà Hữu tưởng chừng như hoàn tất, chỉ cần nộp hồ sơ đăng bộ tại chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 5 (VPĐKĐĐ) là xong. Tuy nhiên, hơn một năm qua văn phòng vẫn không giải quyết. Lý do đưa ra là vì TAND quận 5 có văn bản yêu cầu Phòng TN&MT quận tạm ngưng việc giải quyết hồ sơ chuyển nhượng căn nhà trên cho đến khi nào tòa án có bản án hoặc quyết định có hiệu lực.
“Tòa chỉ ra thông báo tạm ngưng chứ không phải là một quyết định, vậy công văn của tòa có giá trị pháp lý không? Hơn nữa, nếu công văn có giá trị ngăn chặn chuyển dịch căn nhà trên thì tại sao cơ quan công chứng và cơ quan thuế vẫn giải quyết? Hiện nay tiền mua nhà tôi cũng đã trả gần hết mà giấy tờ nhà không sang tên được. Thiệt hại này đâu phải lỗi của tôi” - ông Thiện bức xúc.
Ông Thiện gửi đơn khiếu nại việc chi nhánh VPĐKĐĐ quận 5 không giải quyết đăng bộ cho ông lên Sở TN&MT TP.HCM. Ngày 18-7, Sở có Công văn 7177 đề nghị chi nhánh VPĐKĐĐ quận 5 mời hai bên mua và bán giải thích lý do, lập biên bản với nội dung nếu sau này căn nhà có bị tranh chấp hoặc tòa án có thẩm quyền xét xử thì những người có liên quan phải chấp hành theo quy định pháp luật, sau đó vẫn giải quyết chuyển quyền cho các bên. Tuy nhiên, đến nay vụ việc không có tiến triển.
Căn nhà 82 Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 (TP.HCM) mà ông Tống Khánh Thiện đã mua. Ảnh: N.HIỀN
Vướng văn bản của tòa
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Giám đốc chi nhánh VPĐKĐĐ quận 5, cho biết ngày 1-7-2014, TAND quận 5 có Công văn 180 về việc thụ lý vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà với bị đơn là bà Trần Hữu và thông báo tạm ngưng việc giải quyết hồ sơ chuyển nhượng căn nhà trên. Do đó, chi nhánh VPĐKĐĐ buộc phải ngưng lại vì tòa đã ngăn chặn và nhà đang bị tranh chấp. Sau khi nhận được Công văn 7177 của Sở TN&MT, chi nhánh VPĐKĐĐ có gửi ba công văn đến TAND quận 5 hỏi về việc xử lý vụ án đã hoàn tất hay chưa; căn nhà 82 Huỳnh Mẫn Đạt có còn ngăn chặn không, để kịp thời giải quyết cho dân. Tuy nhiên, TAND quận 5 vẫn chưa có phúc đáp. Ngoài ra, chi nhánh VPĐKĐĐ cũng đã mời hai bên mua và bán đến viết cam kết theo hướng dẫn của Sở. Tuy nhiên, cái vướng là văn bản của tòa đã nêu rõ việc ngăn chặn nên văn phòng đang xin ý kiến chỉ đạo tiếp của Sở TN&MT để giải quyết vụ này. “Việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền của tòa, đề nghị những người có liên quan khiếu nại với chánh án để được giải quyết” - bà Phương nói.
Ông Nguyễn Văn Chính, Chánh án TAND quận 5, giải thích năm 2014, TAND quận 5 có thụ lý vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà trên, bà Hữu là bị đơn. Nguyên đơn có đơn yêu cầu tạm ngưng chuyển nhượng căn nhà. Tòa đã hướng dẫn nguyên đơn đóng tiền bảo đảm để tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do nguyên đơn không có khả năng đóng tiền nên tòa không thể ra quyết định được. Để đảm bảo quyền lợi của người dân sau này, tòa đã gửi công văn đến Phòng TN&MT quận 5 với mục đích thông báo và trao đổi. Vì công văn chỉ mang tính chất trao đổi chứ không phải là quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên việc giải quyết đăng bộ như thế nào tòa không can thiệp. Tòa chưa xử vụ tranh chấp là do khâu trích lục các văn bản chính liên quan nguồn gốc căn nhà gặp khó khăn.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo phòng Pháp chế thuộc Sở tổ chức cuộc họp giữa các cơ quan liên quan để giải quyết quyền lợi cho ông Thiện.
Công văn của tòa không có giá trị pháp lý Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo toàn tình trạng tài sản, tránh trường hợp tẩu tán tài sản để trốn nghĩa vụ thi hành án sau khi bản án có hiệu lực. Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp đó. Sau khi đơn yêu cầu của đương sự được chấp nhận thì đương sự phải đóng một khoản tiền bảo đảm, tòa mới ra quyết định. Quyết định này được gửi cho các cơ quan có liên quan để “đóng khung” tài sản, tức là tài sản sẽ không được chuyển dịch, mua bán, trao đổi cho đến khi quyết định được gỡ bỏ. Việc TAND quận 5 ra công văn về việc tạm ngưng chuyển nhượng là hoàn toàn không có giá trị pháp lý và không thể coi như là một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được. Một thẩm phán TAND TP.HCM Không giải quyết đăng bộ là sai Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 5 từ chối giải quyết đăng bộ cho người dân là sai. Bởi theo quy định, công văn của tòa không có giá trị pháp lý để ngưng giải quyết mọi giao dịch liên quan đến tài sản. Việc ngưng hoặc tạm ngưng giao dịch, chuyển nhượng một tài sản chỉ được thực hiện khi nào có quyết định áp dụng biện pháp tạm thời của tòa án hoặc quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án. Trong các vụ tranh chấp liên quan tài sản, pháp luật đã cho các đương sự quyền được yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi của mình. Trường hợp đương sự không có yêu cầu hoặc có yêu cầu nhưng không đáp ứng điều kiện để tòa ra quyết định nghĩa là họ đã từ chối quyền lợi của mình. Cơ quan chức năng không thể vì một vụ tranh chấp chưa có sự phán quyết của tòa mà tước quyền sở hữu của người ấy. TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn Luật tố tụng dân sự - hôn nhân gia đình Trường ĐH Luật TP.HCM |