Cử tri Ninh Bình: 'Cần thận trọng với nhà thầu Trung Quốc'

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình về kiến nghị của cử tri đề nghị thận trọng hơn trong việc lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án giao thông, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT cho biết luôn xác định việc lựa chọn nhà thầu là khâu quan trọng trong quá trình quản lý, đầu tư xây dựng công trình giao thông. Theo đó, Bộ có các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, bên mời thầu nghiêm túc thực hiện đúng các quy định.

Về cơ bản, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đã thực hiện tốt công tác lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu được lựa chọn đều đáp ứng yêu cầu năng lực, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng.

Theo quy định pháp luật Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế; gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá.

“Do vậy, các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông sử dụng vốn trong nước không tổ chức đấu thầu quốc tế, chỉ có nhà thầu trong nước được tham dự thầu…”, Bộ GTVT khẳng định.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng của Trung Quốc, thời gian vay là 30 năm.

Đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA, nhà thầu Trung Quốc được tham dự thầu nếu đáp ứng điều kiện của hiệp định vay, quy định, hướng dẫn về đấu thầu của nhà tài trợ. Đối với các dự án ODA sử dụng vốn vay JICA, EDCF, WB, ADB,... nhà thầu Trung Quốc trúng thầu cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng thi công xây dựng.

Tại một số dự án ODA sử dụng vốn vay của Trung Quốc hiệp định vay vốn có quy định phải lựa chọn nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án như dự án Cát Linh – Hà Đồng. Trong đó, có dự án còn có tồn tại, vướng mắc về việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu Trung Quốc, đặc biệt đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình).

Những tồn tại này một phần do pháp luật trong nước chưa quy định, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể. Đồng thời, dự án có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam dẫn đến còn khó khăn, lúng túng khi giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh...

Vì vậy, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết nếu có nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng công trình... “Đặc biệt với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC…”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

Được biết, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông là dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và được thực hiện theo hợp đồng EPC.

Trước đó, liên quan đến lo lắng nhà thầu Trung Quốc tại dự án cao đường bộ tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công - tư (PPP) khẳng định: “Theo các quy định quốc tế thì không được phân biệt đối xử với bất kỳ quốc gia nào, tất cả đều bình đẳng theo quy định của pháp luật.

Vấn đề dư luận quan tâm ở đây theo tôi nghĩ là chất lượng, tiến độ dự án. Còn vấn đề của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phải đưa ra được bộ hồ sơ thầu, hợp đồng, quản lý chặt chẽ để các NĐT khi tham gia dự án phải đảm bảo cung cấp được dịch vụ tốt nhất cho dự án.”

Về việc có ý kiến cho rằng tổng thầu Trung Quốc đã chậm trễ trong việc xây dựng đường sắt Cát Linh - Hà Đông, do vậy cơ quan quản lý cần xem xét yếu tố này khi xét thầu cao tốc Bắc Nam, ông Huy cho rằng: “Dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội do tổng thầu Trung Quốc thực hiện, giữa nhà thầu và nhà đầu tư là khác nhau.”

Ông Huy giải thích thêm, cao tốc Bắc Nam đang lựa chọn nhà đầu tư rồi mới lựa chọn nhà thầu. Theo điều 5 Luật đấu thầu thì nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước để thực hiện dự án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm