Ngày 5-5 (giờ địa phương), Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã cấp một số giấy phép cho phép các công ty vận tải đường thủy của Mỹ vận chuyển hành khách từ bang Florida sang Cuba. Đến ngày 14-5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ và Cuba sẽ có một cuộc đàm phán vào tuần tới để thảo luận về việc mở lại đại sứ quán ở thủ đô hai nước. Nhiều chuyên gia nhận định đây cũng là một trong những bước tiến quan trọng của Cuba trong quá trình thoát khỏi vòng vây cấm vận, hướng đến một nền kinh tế “thị trường” hơn, cởi mở hơn.
Bức tường phía sau sụp đổ
Đối với Cuba, thời kỳ Liên Xô sụp đổ và khối các nước CNXH ở Đông Âu tan rã vào những năm 1990 là cả một cú sốc. Nước này không những mất đi “tấm khiên bảo vệ” cho nền chính trị mà còn phải đối diện với tình trạng thiếu thốn nguồn lực hỗ trợ kinh tế từ Liên Xô vốn đã kéo dài suốt 30 năm.
Trong suốt thời kỳ 1960-1990, Cuba là một quốc gia phụ thuộc nặng nề và phải nhận viện trợ kinh tế nhiều nhất (tổng cộng 65 tỉ USD) trong khối Xô Viết. Có đến 60% số viện trợ này được cung cấp dưới dạng trợ cấp không hoàn lại ở các mặt hàng hóa đường, niken và dầu mỏ. Ước tính Liên Xô cũng đã viện trợ vũ khí giá trị từ 13 đến 16 tỉ USD cho nước này.
Theo số liệu thống kê, lượng phân bổ hàng hóa bình quân trên đầu người của 66% tổng số mặt hàng có sẵn trong hệ thống phân phối giảm đi đáng kể trong năm 1991, dấu mốc sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN Đông Âu. Lượng thuốc men, dược phẩm trở nên cực kỳ khan hiếm khiến phần đông dân cư Cuba phải tìm đến thị trường chợ đen để mua với số lượng nhỏ giọt. Dòng người xếp thành hàng dài đã trở thành cảnh tượng phổ biến tại hầu hết TP của Cuba, đặc biệt là Santiago de Cuba và Havana. Giá cả theo đó cũng tăng lên chóng mặt. Nhiều hộ gia đình đã phải chi tới 80% lượng thu nhập của mình cho mặt hàng lương thực để có thể ăn no chứ chưa dám nghĩ nhiều đến ăn ngon hay mặc đẹp. Một hệ quả khác sau Chiến tranh lạnh chính là số người thất nghiệp của Cuba tăng hơn 10%. Cùng lúc đó các công nhân đã bị điều chuyển công tác từ các ngành công nghiệp giải thể sang các bộ phận kinh tế khác.
Chủ tịch Cuba Raul Castro. Ảnh: FUSION
Từ mở cửa “nửa vời” sang quyết liệt
Theo Business Insider, cũng trong những năm 1990, chính quyền Cuba cũng đã nỗ lực từng bước tiến hành chính sách đổi mới nền kinh tế. Bước đầu tiên, họ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm giảm tiêu thụ trong nước và đề ra Chương trình Thực phẩm (FP) thúc đẩy nông nghiệp tự cung tự cấp. Bước 2 bao gồm các cải cách đối ngoại nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài (FDI) và du lịch trong nước, hướng tới hòa nhập đất nước vào nền kinh tế chung của thế giới. Bước cuối cùng bao gồm các cải cách về thị trường - vốn đang bị đóng trong khung khổ của một số lĩnh vực nội địa như nông nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Cuba vẫn gặp nhiều khó khăn về mặt hòa hợp chính trị XHCN với các thể chế chính trị khác trên thế giới, đặc biệt là căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và nhiều nước tư bản châu Âu. Mãi cho đến năm 1995, Cuba đã có dấu hiệu khởi sắc sau khi đẩy mạnh các doanh nghiệp tư nhân lên tầm cao mới. Cuối năm 2001, ngoại thương mang về lợi nhuận 768 triệu đôla cho nước này, chiếm 16,5% tổng thu nhập ngoại tệ trên tất cả mặt hàng.
Khi xem xét thống kê đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Cuba chiếm 8% trong tổng chi phí đầu tư của nước này từ năm 1991 đến 2000, có thể thấy rằng hiệu năng hoạt động của các hiệp hội kinh tế quốc tế của nhiều quốc gia tại Cuba là một điểm sáng. Năm 2011, tổng thu nhập bình quân đầu người nơi đây là 6.501 USD. Năm 2014, tổng lượng tiền kiều hối gửi về cho Cuba là 3,5 tỉ USD.
Ngoài ra, gần 400.000 người Cuba có giấy phép lao động ngành nghề tự do cho phép họ làm việc độc lập. Chính phủ cũng đã cố gắng để thúc đẩy sản xuất lương thực bằng cách cho nông dân tự túc và hợp tác xã độc lập thuê gần ba triệu ha đất nhà nước miễn phí trong thời gian dài hạn. Hàng ngàn quầy ăn uống nhẹ và nhà hàng đã làm thay đổi bộ mặt các TP và thị trấn của Cuba. Người Cuba lần đầu tiên đã có thể mua bán nhà và căn hộ của họ trong 50 năm qua.
Mục tiêu mà chính quyền Cuba đưa ra vào năm 2015 là giúp một nửa dân số nước này làm việc trong khu vực tư nhân. Bà Michelle Chase, Giáo sư về lịch sử Mỹ Latin tại Trường ĐH Bloomfield (Mỹ), khẳng định: “Đây chắc chắn sẽ là sự thay đổi lớn vì trước đây 90% nền kinh tế của nước này nằm trong tay của khu vực nhà nước”. Vào năm 2011, 22% dân số Cuba làm việc trong các ngành nghề phi chính phủ, tăng lên từ 6% trong năm 2010 - theo thống kê của văn phòng nhà nước Cuba.
Các nước cờ ngoại giao chiến lược
Chỉ tính từ cuối năm 2014 và đầu 2015 đến nay, Cuba đã có nhiều bước đi ngoại giao mang tính lịch sử và chiến lược với những quốc gia, đặc biệt là các “ông lớn” vốn từng bị xem là kẻ thù của Cuba. Ấn tượng nhất chính là quan hệ Mỹ-Cuba. Năm 2014 diễn ra cuộc điện thoại giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro, theo sau là cuộc trao đổi một tù nhân Mỹ để đổi lại ba nhân viên tình báo Cuba bị giam giữ tại Mỹ, đánh dấu thời điểm quan trọng nhất trong quan hệ song phương nhiều thập niên qua. Không lâu sau đó Mỹ và Cuba thông báo rằng họ sẽ bắt đầu quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ.
Theo Jorge G. Castañeda, cựu Ngoại trưởng Mexico, hiện là giáo sư ngành chính trị học và ngành nghiên cứu Mỹ Latin và Caribe tại ĐH New York, đây chưa phải là sự kết thúc lệnh cấm vận thương mại của Mỹ bởi thực tế chỉ Quốc hội Mỹ mới có thể dỡ bỏ hoàn toàn.
Người Mỹ không phải gốc Cuba sẽ có thể tới thủ đô Havana của Cuba dễ hơn, các giao dịch ngân hàng giữa hai nước cũng được thực hiện dễ dàng hơn, kèm theo đó là một số vấn đề về thương mại sẽ được giải quyết. Nhà lãnh đạo Castro còn đồng ý thả 53 tù nhân chính trị, nới lỏng các hạn chế về mạng Internet và cho phép các quan chức về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và các quan sát viên đến từ Hội Chữ thập đỏ Quốc tế vào Cuba. Đây chắc chắn là những nhượng bộ nhưng không phải lớn lao gì khi xem xét những thứ Cuba có thể đạt được khi nối lại quan hệ ngoại giao sau một nửa thế kỷ bị cô lập. Điển hình như thành quả sau cái bắt tay lịch sử và cuộc hội đàm không tiền khoáng hậu giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro tại Panama hôm 14-4, Nhà trắng đề nghị Quốc hội đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Sau khi Mỹ và Cuba “nồng ấm” lên một cách ấn tượng, Tổng thống Pháp François Hollande đã đến Cuba ngày 11-5. Ông François Hollande là nguyên thủ quốc gia Pháp đầu tiên thăm chính thức Cuba từ khi Cuba độc lập. Trước khi đến thủ đô Havana, Tổng thống Pháp phát biểu: “Đây là chuyến công du lịch sử bởi vì Pháp là quốc gia đầu tiên nhân danh châu Âu và phương Tây nói với Cuba rằng chúng tôi ở bên cạnh họ nếu họ quyết định vượt qua các giai đoạn cần thiết tiến tới mở cửa đất nước”.
Vẫn còn nhiều thách thức với Cuba Về mặt ngoại giao, Cuba đang gặp khó khăn do sự sụt giảm gần đây của giá dầu. Một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất chính làVenezuela, nước mà trong lịch sử Cuba từng phụ thuộc vào để giữ nền kinh tế của mình sống sót. Venezuela - dưới thời cố Tổng thống Hugo Chávez - từng là người bảo trợ quan trọng, gửi cho Cuba khoảng 100.000 thùng dầu mỗi ngày, cùng khoản viện trợ 5-15 tỉ USD mỗi năm. Những khoản viện trợ này khó có thể tiếp tục. Nếu không còn trợ cấp từ Venezuela, Cuba sẽ một lần nữa rơi vào suy thoái như khi viện trợ từ Nga suy giảm hồi đầu những năm 1990. |