Cục Đăng kiểm đưa ra giải pháp giãn chu kỳ đăng kiểm ô tô

(PLO)- Sau khi tham vấn ý kiến của các đơn vị, Cục Đăng kiểm quyết định đề xuất Bộ GTVT sửa thông tư 16 để tạo điều kiện cho việc đăng kiểm đối với ô tô cá nhân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Đăng kiểm vừa trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ít nhất 6 tháng mới giải quyết được ùn tắc

Theo Cục Đăng kiểm, ngày 21-3, Bộ GTVT đã ban hành thông tư 02, sửa đổi, bổ sung thông tư 16. Trong đó, xe gia đình, cá nhân được nới chu kỳ kiểm định. Tuy nhiên, thông tư 02 không hồi tố, nên các phương tiện được giãn chu kỳ đăng kiểm chỉ được áp dụng chu kỳ đăng kiểm mới sau khi đến trung tâm đăng kiểm thực hiện kiểm định. Điều này khiến lượng xe đến các trung tâm đăng kiểm vẫn rất đông gây ùn tắc..

Trước tình trạng trên, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cử lực lượng cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ, Bộ GTVT đưa ra một loạt giải pháp tháo gỡ ngắn hạn và dài hạn nhưng tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm vẫn tiếp tục gia tăng do năng lực hiện tại của các trung tâm đăng kiểm không đáp ứng được.

Nhân viên đăng kiểm kiểm định xe cá nhân. Ảnh: V.LONG

Nhân viên đăng kiểm kiểm định xe cá nhân. Ảnh: V.LONG

Cụ thể, số lượng phương tiện hiện tại đã hết hạn nhưng chưa được kiểm định là gần 900.000 xe; số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng tới (từ tháng 5-2023 đến hết tháng 10-2023) là khoảng 2,1 triệu xe. Tổng số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng cuối năm 2023 là khoảng 3 triệu xe.

Trong khi đó, năng lực kiểm định của 249 trung tâm đăng kiểm và 399 dây chuyền đang hoạt động hàng tháng kiểm định khoảng 500.000 xe.

“Như vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng, ùn tắc thì theo tính toán phải cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng phương tiện nêu trên (chưa kể số lượng phương tiện không đạt phải thực hiện kiểm định lại). Đặc biệt là khu vực Hà Nội và TP.HCM có mật độ phương tiện cao nên sẽ phải kéo dài thời gian hơn các địa phương khác...”- Cục Đăng kiểm cho hay.

Hiện nay, nhiều Trung tâm đăng kiểm phải đặt lịch hẹn kiểm định cho người dân kéo dài đến hàng tháng. Việc kéo dài này đã ảnh hưởng lớn tới người dân và doanh nghiệp.

Chẳng hạn như chủ xe vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi trong khi xe không thể đưa vào khai thác sử dụng, kinh doanh vận tải, thậm chí bị hủy hợp đồng vận chuyển. Các doanh nghiệp vận tải và logistics cũng sẽ bị ngưng trệ trong sản xuất, gây lãng phí và thiệt hại rất lớn và nguy cơ cao bị phạt do không thực hiện kịp thời các hợp đồng đã ký kết với các đối tác.

“Nếu tình trạng trên không sớm được giải quyết sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...”- Cục Đăng kiểm khẳng định.

Với khó khăn trên kèm kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA), Cục Đăng kiểm đề xuất giải pháp áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023 đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy chứng nhận và Tem kiểm định mà chủ phương tiện không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại.

Hai phương án giảm ùn tắc đăng kiểm

Để triển khai đề xuất trên, Cục Đăng kiểm đã nghiên cứu hai phương án.

Phương án 1, chủ phương tiện quay lại trung tâm đăng kiểm đã thực hiện kiểm định trước đó để thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định.

Tuy nhiên, phương án này không thực hiện được do một số trung tâm đang bị đóng cửa sẽ không thể thực hiện được việc cấp đổi này. Song song đó, chủ xe mang xe đến trung tâm tiếp tục gây ùn tắc, phát sinh chi phí cấp, đổi giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.

Phương án 2, tự động áp dụng chu kỳ kiểm định mới cho các phương tiện thuộc trường hợp được áp dụng chu kỳ kiểm định mới mà không phải đổi lại giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.

Cục Đăng kiểm cho rằng phương án này chủ phương tiện không phải đến trung tâm đăng kiểm, không phát sinh các thủ tục và chi phí cho chủ phương tiện và trung tâm trong việc đổi giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.

Tuy nhiên, phương án này sẽ gây ra khó khăn cho các đơn vị kiểm soát phương tiện khi tham giao thông cũng như xác định trách nhiệm bồi thường của cơ quan bảo hiểm.

Cạnh đó, cơ quan đăng kiểm phải tốn chi phí trong việc xây dựng phần mềm, thuê đường truyền và hạ tầng công nghệ thông tin…chỉ để thực hiện chức năng tra cứu thông tin và in Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định

Về việc này, Bộ GTVT đã giao Cục Đăng kiểm làm việc với Cục Cảnh sát giao thông để cấp giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định đối với các phương tiện này.

Cục Cảnh sát giao thông đề nghị chỉ nên áp dụng trong vòng một năm kể từ ngày quy định này có hiệu lực. Ví dụ: quy định này có hiệu lực từ tháng 6 năm 2023 thì chỉ áp dụng hết tháng 6 năm 2024 có nghĩa thời hạn tiếp tục sử dụng của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định trong mọi trường hợp không vượt quá ngày 31-12-2024.

Cục Cảnh sát giao thông đưa ra lý do đây chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm hiện tại, nên không cần thiết kéo dài thời gian dài và gây khó khăn cho cơ quan có liên quan.

Hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định của phương tiện được áp dụng chu kỳ kiểm định mới được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn tính theo chu kỳ kiểm định mới, thời điểm xác định được tính từ ngày quy định này có hiệu lực. Lý do để xác định trách nhiệm bồi thường cho chủ phương tiện cũng như xử lý vi phạm hành chính của các lực lượng chức năng...

Trên cơ sở kiến nghị của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các Công ty bảo hiểm xe cơ giới, Cục Đăng kiểm thống nhất bổ sung nội dung vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 như sau:

“Các Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.

Trường hợp giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định của ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp trước ngày 22-3-2023 và có hiệu lực đến trước ngày 1-7-2024 thì được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn tính theo chu kỳ quy định tại Phụ lục V của Thông tư số 02.

Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định được xác nhận theo mẫu giấy xác nhận quy định tại Thông tư (bản điện tử, có mã QR-code, ký số bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam). Quy định này không áp dụng cho các trường hợp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định hết hiệu lực trước ngày Thông tư có hiệu lực”.

Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ, ngành

Hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung nội dung cơ quan đăng kiểm tự động cấp xác nhận gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận, tem kiểm định đối với phương tiện tham gia giao thông, nhằm mục tiêu giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm kiểm định xe cơ giới trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm