Khi bitcoin chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận, do đó sẽ tiềm ẩn một số rủi ro và chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ. Nếu sau này có vấn đề gì với đồng tiền ảo này thì người chơi nên tự trách mình, đừng trách Nhà nước không cảnh báo và cơ quan nhà nước không có trách nhiệm.
Đây là quan điểm của chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico, đưa ra tại tọa đàm "Bitcoin và làn sóng Blockchain", do Ndh.vn tổ chức ngày 20-12 tại Hà Nội.
Ông Trương Thanh Đức chia sẻ: Với bitcoin, về lý thuyết có thể lên 1 triệu bitcoin và có thể vỡ tất cả sau một đêm vì nó không có bất cứ cơ sở nào để dựa vào. Theo quy định luật pháp tài sản sở hữu có ba loại là vật, tiền và tài sản.
Tuy nhiên, bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào theo luật mà có thể coi là một vật phẩm ảo, hay ở Việt Nam có thể gọi là tiền ảo. Vì bản chất bitcoin không phải là tiền, khái niệm tiền ảo khá đúng với Việt Nam nhưng có thể không đúng với thế giới.
“Hiện tại vẫn chưa có luật cụ thể nào quy chế về bitcoin, nó không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán. Tôi cũng muốn nói thêm, nếu chúng ta dùng bitcoin để thanh toán thì ta cũng không phải là tội phạm, mà tổ chức tín dụng chấp nhận thanh toán bitcoin và người tạo ra bitcoin mới có tội” - ông Đức nói.
Dưới góc nhìn tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng chưa thể xem bitcoin là tiền vì tiền cần ngân hàng trung ương, các nước công nhận và hiện cũng chưa có tỉ giá hối đoái. Biến động đồng tiền còn phải ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, liên quan đến các đồng tiền khác.
“Cho đến thời điểm này, các sản phẩm trên chưa thể gọi là đồng tiền. Phần lớn mọi người đang coi đây là sản phẩm đầu cơ. Trong khi gắn với đầu cơ là câu chuyện của đa cấp với rất nhiều các cách bán khác nhau. Có những người quảng cáo bán hàng đa cấp nêu rõ các rủi ro khi đầu tư nhưng cuối cùng, khi tư vấn vẫn mời chào đầu tư chỉ 1% tài sản. Trong khi 1% tài sản của thế giới rất lớn. Nếu là sản phẩm đầu cơ, vậy ai là người cuối cùng cầm cục than nóng? Khi đầu cơ quá lớn, vấn đề sẽ là hậu quả về sau” - ông Hưng nêu quan điểm.
Nếu chỉ nhìn vào sự tăng giá của bitcoin mà khiến mọi người đổ xô đầu tư thì chỉ là sản phẩm đầu cơ và nó sẽ phá uy tín của đồng tiền ban đầu. Quả bóng bitcoin vỡ thì khủng hoảng cũng sẽ không kém khủng hoảng trong quá khứ.
Dù xuất hiện chưa lâu và chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận nhưng nhiều người tại TP.HCM vẫn tìm đến các quán cà phê, quán ăn có tích hợp ATM để giao dịch bitcoin. Ảnh: HOÀNG GIANG
Là người đang tổ chức kinh doanh bitcoin, ông Dominik Weil cho rằng: Mọi giao dịch tiền điện tử đều được lưu lại trên hệ thống. Nếu khoản tiền lớn thì có thể bị để ý nên không thể có hành vi phạm pháp.
Nói về những hành vi đa cấp, trước khi Chính phủ có những luật hướng dẫn, mọi người nên biết tự bảo vệ mình. Nếu có ai đến nói rằng đầu tư có thể thu về hàng trăm triệu USD thì không nên tin vì không có khoản đầu tư nào mang lại lợi nhuận khổng lồ như vậy. Trước khi đầu tư phải đọc nguồn tin chính thống, đừng tin vào lời hứa hẹn.