Ngày 27-7, trao đổi với PLO, ông Huỳnh Hoàng Khâm, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Cà Mau khẳng định chấp hành viên chia tài sản Công ty thực phẩm Cà Mau thành 2 gói để đấu giá bán thi hành các bản án là đúng luật.
Hai Công ty trúng đấu giá các khối nhà xưởng trên đất đã tiếp quản tài sản, nhưng vẫn chưa được thuê đất đang chứa các tài sản này. Ảnh: TRẦN VŨ |
"Chúng tôi đã rà soát và có báo cáo đến UBND tỉnh Cà Mau theo chỉ đạo của tỉnh. Chúng tôi khẳng định quy trình kê biên bán đấu giá tài sản để THA tại Công ty thực phẩm Cà Mau là đúng luật. Sở Tư pháp kết luận chấp hành viên làm sai luật là chưa đúng"- ông Khâm nói.
Trước đó, như PLO đã thông tin, khi được giao thẩm định việc bán tài sản THA tại Công ty thực phẩm Cà Mau, Sở Tư pháp tỉnh này đã có báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh, khẳng định đã có sai sót.
Cụ thể, để thi hành các bản án trả nợ ngân hàng và nợ bên ngoài của Công ty thực phẩm Cà Mau, tháng 7 năm 2019, chấp hành viên Chi cục THADS TP Cà Mau kê biên bán đấu giá 1 khu nhà xưởng của Công ty này. Công ty Camimex foods trúng đấu giá với mức giá hơn 24 tỉ đồng, chỉ bao gồm nhà xưởng trên đất, không bao gồm quyền sử dụng đất.
Đến tháng 10-2021, chấp hành viên này lại kê biên và bán đấu giá tiếp một khu nhà xưởng, văn phòng của Công ty thực phẩm Cà Mau. Công ty Hưng Thịnh trúng gói này, với mức giá hơn 40 tỉ đồng, cũng chỉ bao gồm nhà xưởng trên đất, không có quyền sử dụng đất.
Hai công ty trên sau đó làm đơn xin Nhà nước cho thuê phần đất có tài sản mình vừa trúng đấu giá tọa lạc. Các sở ngành Cà Mau không giải quyết được vì theo luật định phải đưa ra đấu giá cho thuê.
Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau sau đó chỉ ra rằng, đó là một khối tài sản thống nhất trong dự án đầu tư của Công ty thực phẩm Cà Mau, không thể tách rời. Chấp hành viên đã chia thành 2 gói, bán đấu giá ở 2 thời điểm khác nhau cho 2 khách hàng trúng đấu giá như trên là chưa đảm bảo theo điều 94 và điều 113 Luật THADS hiện hành.
Sở Tư pháp cũng đề nghị Cục THADS tỉnh Cà Mau kiểm tra toàn diện việc thực hiện pháp luật về kê biên, bán đấu giá tài sản nêu trên.
Ngoài ra, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cũng tham mưu cho UBND tỉnh Cà Mau thu hồi toàn bộ diện tích đất hơn 25.000m2 của Công ty thực phẩm Cà Mau để đấu giá cho thuê theo luật định. Trong này bao gồm cả các phần diện tích có tài sản đã bán cho 2 Công ty Camimex Fooods và Hưng Thịnh.
Tuy nhiên, Cục THADS tỉnh Cà Mau đã báo cáo UBND tỉnh rằng chấp hành viên không vi phạm như Sở Tư pháp đã báo cáo UBND tỉnh.
Tại báo cáo số 97, ngày 15-7-2022, Cục THADS tỉnh Cà Mau cho rằng do đất Công ty thực phẩm Cà Mau thuê của Nhà nước nên không được phép kê biên, mà chỉ kê biên tài sản trên đất. Do vậy, chấp hành viên không vi phạm điều 94, điều 113 Luật THADS hiện hành.
Về việc chia tài sản bán thành 2 gói khác nhau, ở hai thời điểm khác nhau, có 2 khách hàng trúng đấu giá khác nhau, Cục THADS tỉnh Cà Mau lý giải việc đó là làm theo các bản án có hiệu lực của Tòa.
Báo cáo nêu: "Chấp hành viên không tách rời quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để bán đấu giá mà chỉ bán tài sản trên đất. Việc tách rời giữa tài sản chưa thế chấp và không thế chấp, hoàn toàn phù hợp với nội dung bản án, quyết định của Tòa án (Bản án tuyên ưu tiên xử lý tài sản thế chấp), mang tính khả thi trên thực tế, không làm giảm giá trị tài sản kê biên".
Trao đổi thêm với phóng viên PLO về quan điểm của mình trong vụ việc trên, ông Huỳnh Hoàng Khâm, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cà Mau nói: "Khi đưa ra đấu giá các khối tài sản trên đất, hồ sơ thể hiện rõ tình trạng tài sản chỉ là nhà xưởng trên đất, không gắn liền với quyền sử dụng đất. Trường hợp khách hàng trúng tài sản này mà không thuê được đất thì phải di dời tài sản đi. Hai Công ty trúng tài sản trên đất biết rất rõ tình trạng của tài sản mình đấu giá".
Chiều 27-7, qua điện thoại, một lãnh đạo Sở Tư pháp Cà Mau xác nhận với phóng viên vẫn giữ quan điểm việc chia nhỏ tài sản của Công ty thực phẩm Cà Mau ra bán là chưa đảm bảo quy định pháp luật.
Phía Công ty từng cầu cứu trước các dấu hiệu bán đấu giá tài sản bất thường
Từ tháng 9/2020, Ban giám đốc Công ty thực phẩm Cà Mau (tên đầy đủ là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau) từng có đơn yêu cầu đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, cho là có dấu hiệu dìm giá tài sản.
Được biết, Công ty thực phẩm Cà Mau hiện vẫn còn hơn 62% cổ phần do Nhà nước nắm giữ.