Cứng hơn thép 2 lần, xe tăng Challenger-2 của Anh có 'xịn' hơn xe tăng T-90 của Nga?

(PLO)- Có thể chẳng còn bao lâu nữa cuộc xung đột tại Ukraine sẽ chứng kiến cuộc chiến giữa các xe tăng, cụ thể là xe tăng Challenger-2 của Anh và xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có thể chẳng còn bao lâu nữa cuộc xung đột tại Ukraine sẽ chứng kiến cuộc chiến giữa các xe tăng, cụ thể là xe tăng Challenger-2 của Anh và xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga.

Viễn cảnh cuộc chiến giữa các xe tăng

Theo trang The EurAsian Times, quân đội Ukraine được cho đang trang bị xe tăng Challenger-2 cho lữ đoàn cơ động đường không số 25 và số 80, để đối phó xe tăng T-90 và xe chiến đấu hộ vệ tăng BMP-T của Nga trong các khu rừng xung quanh TP Kreminna thuộc vùng Donbass (miền Đông Ukraine).

Xe tăng Challenger-2 tuần tra ngoại ô TP Basra của Iraq. Ảnh: Wikipedia

Xe tăng Challenger-2 tuần tra ngoại ô TP Basra của Iraq. Ảnh: Wikipedia

Hiện nay, các lữ đoàn cơ động đường không số 25 và 80 của Ukraine vận hành xe tăng T-80BV, loại xe tăng nhanh nhất có trong kho vũ khí của Ukraine.

Cho đến nay, không có nhiều cuộc giao tranh giữa xe tăng và xe tăng xảy ra tại Ukraine, khi cả Nga và Ukraine chủ yếu triển khai xe tăng của họ thành các nhóm vũ trang kết hợp, gồm cả bộ binh và phương tiện chiến đấu. Bộ binh bảo vệ xe tăng còn xe tăng phá hủy công sự của đối phương để mở đường cho bộ binh.

Tuy vậy, điều này có thể sẽ thay đổi từ đầu tháng 4 trở đi, khi Anh có kế hoạch cung cấp 14 xe tăng Challenger-2 cho Ukraine đến cuối tháng 3.

Các nhà bình luận quân sự phương Tây đánh giá xe tăng Challenger-2 có thể đặt ra thách thức đáng kể với Sư đoàn xe tăng số 90 của Nga. Sư đoàn này đang vận hành xe tăng T-90 và xe chiến đấu hộ vệ tăng BMP-T ở Kreminna và gây khó khăn cho quân đội Ukraine.

Hồi tháng 1, một chỉ huy xe tăng của Ukraine thừa nhận xe tăng T-90 của Nga có khả năng chiến đấu vượt trội, đồng thời nói rằng cần có 3 xe tăng hoặc “may mắn” mới có thể đối đầu dòng xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến này của Nga.

Trong khi đó, xe chiến đấu hộ vệ tăng BMP-T đã bảo vệ và hỗ trợ đắc lực cho nhiều xe tăng của Nga trong các hoạt động tác chiến bọc thép. Xe chiến đấu hộ vệ tăng BMP-T được trang bị tốt để bảo vệ các xe tăng chiến đấu chủ lực trước các đợt phục kích của bộ binh đối phương, trước tên lửa dẫn đường chống tăng hoặc súng phóng lựu ở địa hình trống trải hoặc trung tâm đô thị.

Bất chấp có sự chênh lệch về công nghệ giữa xe tăng T-90 và tất cả mẫu xe tăng khác của Ukraine, quân đội Ukraine vẫn phá hủy thành công hoặc thu giữ ít nhất 50 chiếc T-90 của Nga, theo số liệu mới nhất của trang theo dõi quân sự Oryx.

Ukraine thậm chí đã đưa một số xe tăng T-90 thu giữ được ra chiến trường chống lại Nga sau khi số xe tăng này được sửa chữa tại các nhà kho nằm gần tiền tuyến của Ukraine, theo The EurAsian Times.

Trước đó trong tháng 2, một xe chiến đấu hộ vệ tăng BMP-T của Nga được cho bị phá hủy gần TP Kreminna. Hôm 9-2, một video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh quân đội Ukraine phá hủy chiếc BMPT Terminator của Nga.

Vì thế, có thể nói rằng việc cung cấp xe tăng Challenger-2 cho Ukraine có thể làm trầm trọng thêm quy mô và tốc độ tổn thất xe tăng và thiết giáp của Nga.

Xe tăng Challenger-2 và xe tăng T-90

Challenger-2 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba của Anh, cùng thế hệ với xe tăng T-80 và T-90 của Nga.

Bộ giáp của Challenger-2 được gọi là bộ giáp Chobham hay Dorchester, và được coi là bộ giáp tốt nhất thế giới. Trong khi thành phần cấu tạo của loại xe tăng này là bí mật nhưng được cho cứng hơn thép hai lần và có thể sống sót sau đòn tấn công trực tiếp từ xe tăng T-72 của Nga.

Xe tăng T-90M của Nga với lớp giáp lưới ở phần dưới tháp pháo. Ảnh: The EurAsian Times

Xe tăng T-90M của Nga với lớp giáp lưới ở phần dưới tháp pháo. Ảnh: The EurAsian Times

Trong khi đó, T-90 có vỏ giáp vật liệu tổng hợp và hệ thống giáp phản ứng nổ Kontakt-5. Phên bản nâng cấp T-90M đã cải thiện khả năng bảo vệ giáp với hệ thống giáp phản ứng nổ Relikt thay cho Kontakt-5 trước đó. Lớp giáp này được thiết kế để bảo vệ ngòi nổ và giảm đáng kể tác động của đạn xuyên giáp thoát vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS).

Bên cạnh đó, T-90M còn có lớp giáp lưới ở phần dưới tháp pháo và lớp giáp thanh ở phía sau để cải thiện khả năng bảo vệ trước súng phản lực chống tăng.

T-90M có hệ thống đối kháng, kích hoạt lựu đạn khói giúp che giấu phương tiện nếu bị tia laser chiếu vào, từ đó giảm thiểu khả năng bị trúng vũ khí dẫn đường chống tăng của đối phương.

Xe tăng Challenger-2 nặng 70 tấn, nặng hơn đáng kể so với xe tăng T-90 vốn chỉ nặng 46 tấn đến 48 tấn. Xe tăng T-90 cũng có kích thước nhỏ hơn đáng kể so với Challenger-2.

Kích thước nhỏ và sự gọn gàng của T-90 cho phép nó di chuyển trong không gian chật hẹp như rừng núi, nhờ đó có thể cố thủ.

Challenger-2 có thể đạt tốc độ tối đa 58 km/giờ trên địa hình bằng phẳng và khoảng 40 km/giờ trên địa hình gập ghềnh. Với T-90, tốc độ tối đa là 59 km/giờ trên địa hình bằng phẳng và 45 km/giờ trên địa hình gập ghềnh.

Vũ khí chính của Challenger-2 là pháo nòng xoắn Royal Ordnance L30 120 mm, phạm vi hoạt động lên tới 4 km. Pháo Royal Ordnance L30 120 mm còn có thể bắn đạn nổ mạnh dẻo (HESH) và đạn APFSDS. Đạn HESH có tầm bắn xa hơn nhiều lên tới 8,04 km và hiệu quả hơn khi chống lại các mục tiêu như tòa nhà và phương tiện có lớp bảo vệ mỏng.

Challenger-2 có thể mang 49 viên đạn, kể cả đạn HESH và đạn APFSDS cũng như đạn khói.

Vũ khí phụ gồm hai súng máy 7,62 mm, một súng được gắn đồng trục với súng chính và súng còn lại đặt trên nóc xe.

Xe tăng T-90, hầu hết là biến thể A, được trang bị pháo nòng trơn 2A46M cỡ 125 mm, có thể bắn đạn APFSDS, đạn nổ mạnh (HE) và đạn phân mảnh (HE-FRAG) trong phạm vi 2 km – 3 km vào ban ngày và 2 km-2,6 km vào ban đêm.

Tuy nhiên, T-90M sở hữu pháo chính nòng trơn cải tiến 2A46M-4 cỡ 125 mm, có tầm bắn mở rộng 4 km- 5 km và được cho chính xác hơn 15%-20% so với pháo 2A46M tiêu chuẩn.

Xe tăng T-90M tham gia lễ duyệt binh. Ảnh: Wikipedia

Xe tăng T-90M tham gia lễ duyệt binh. Ảnh: Wikipedia

Vũ khí phụ của T-90 gồm một súng máy đồng trục 7.62mm và một hệ thống vũ khí điều khiển từ xa gắn trên nóc xe được trang bị súng máy hạng nặng 12.7 mm.

Cả hai xe tăng Challenger-2 và T-90M đều có kính ngắm tầm nhiệt. Đáng chú ý, xe tăng T-90M bị quân đội Ukraine thu giữ hồi tháng 9-2022 được phát hiện trang bị vật liệu hấp thụ sóng radar (RAM) Nakidka. Lớp ngụy trang này được cho nhằm vô hiệu hồng ngoại, nhiệt và băng tần radar, đồng thời bảo vệ xe tăng trước các vũ khí dẫn đường dựa vào ảnh nhiệt để khóa mục tiêu.

Do đó, nhiều người tỏ ra nghi ngờ 14 chiếc Challenger-2 sẽ giúp quân đội Ukraine giành lợi thế như thế nào trước Nga. Các lữ đoàn cơ động đường không số 25 và 80 của Ukraine, mỗi lữ đoàn có thể thành lập một đại đội gồm 7 xe tăng và điều này có thể khiến các đội xe không có khả năng chiến đấu bền vững nếu gặp hỏng hóc hoặc tổn thất.

Vì vậy, có khả năng Anh cuối cùng sẽ phải cung cấp thêm xe tăng Challenger-2 cho Ukraine, vì có thể hàng trăm chiếc T-90 đã xuất hiện trong các khu rừng xung quanh Kreminna, vốn không thể bị đánh bại chỉ với 14 chiếc Challenger-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm