‘Cuộc tấn công’ 51.000 tỉ nói lên điều gì?

Việc Công ty TNHH Vietnam Beverage vừa tung ra hơn 51.000 tỉ đồng để mua 25% cổ phần Sabeco là sự kiện mới nhất. Và có thể những quỹ đầu tư, những tập đoàn Thái Lan, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ tiếp tục vung tiền để mua cổ phần các công ty của VN không còn là chuyện lạ.

Lẽ tất nhiên, khi chủ trương thoái vốn khỏi những doanh nghiệp (DN) nhà nước được tiến hành thì nguyên tắc thị trường là điều cần được tuân thủ.

Nhưng nếu để ý rằng Công ty Vietnam Beverage đang chiếm 19% cổ phần của Vinamilk, Tập đoàn Fraser and Neave Ltd. đã mua Siêu thị Metro ở VN và sở hữu ở khách sạn Melia Hà Nội thì sẽ thấy sự “lép vế” của các DN VN trong tiến trình thoái vốn của Nhà nước.

Sự lép vế này đến từ đâu? Thì câu trả lời có thể đến ngay từ khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn DN VN thường niên cuối kỳ năm 2017. Thủ tướng nói rằng: “Thực tế phần lớn DN VN hiện nay vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vậy làm sao để DN VN sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở đối với lãnh đạo Chính phủ”.

Sự trăn trở ấy là rất thực tế dù Thủ tướng cho biết gần đây tại VN đang nổi lên nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có năng lực cạnh tranh không chỉ với trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.

Dù rằng thực tế mà Thủ tướng nói đến cho thấy cơ hội để DN VN trỗi dậy là rất lớn. Chính phủ thì luôn khuyến khích tinh thần cạnh tranh công bằng giữa tất cả loại hình DN, mong muốn các DN hoạt động kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, khuyến khích áp dụng công nghệ quản trị hiện đại và hướng tới áp dụng các chuẩn mực cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.

Tuy vậy, rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo DN VN có thể thua ngay trên sân nhà khi mà cộng đồng này bị ràng buộc bởi nhiều quy định vô lý. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gần đây khi đi kiểm tra việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành luôn nhắc tới một con số lãng phí “ấn tượng”: 26 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng là phí tổn mà cộng đồng DN phải chịu khi thực hiện những thủ tục kiểm tra này. Những con số biết nói này đang bào mòn tiềm lực của DN.

Có lẽ đó cũng chính là những nguyên nhân gây nên tình trạng mà TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, nói tại Diễn đàn DN VN (VBF) ngày 12-12: “Gần 60% DN vẫn đang kinh doanh không có lãi, trong 11 tháng đầu năm 2017 vẫn có tới 65.000 DN buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động”.

Khi DN VN vẫn còn phải loay hoay “chống chọi” với những khó khăn cố hữu đến từ quản lý nhà nước thì ngược lại, những tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài với tiềm lực mạnh thâu tóm và chi phối các thương hiệu của VN là điều không thể tránh khỏi.

Chỉ còn một cách: Phải kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng để DN không bị thua trên sân nhà. Khi ấy, những kỳ vọng của Thủ tướng và Chính phủ về một cộng đồng kinh doanh mạnh mới đủ sức cạnh tranh với những “cuộc chơi lớn hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới