Trưa 10-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Ba bị cáo cùng hầu tòa về tội danh nêu trên, gồm Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Võ Tiến Hùng (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic).
Cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại tòa. Ảnh: TTXVN
Sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng, tòa đề nghị đưa bị cáo Nguyễn Đức Chung từ phòng cách ly vào hội trường xét xử.
Mở đầu, tòa hỏi suy nghĩ của bị cáo về bản cáo trạng của VKS. Đáp lời, ông Chung nói sau khi nhận quyết định khởi tố bị can, ông đã trình bày ngay rằng việc khởi tố đối với mình là oan. Trong các lần tiếp xúc, hỏi cung với cơ quan điều tra sau đó, bị cáo cũng luôn trình bày đầy đủ những gì mình biết và diễn ra theo sự thật.
Cựu chủ tịch Hà Nội cho hay khi nhận bản kết luận điều tra, ông đã có kiến nghị gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, trong đó khẳng định mình bị oan. Đến khi nhận được cáo trạng, ông tiếp tục có đơn kiến nghị, rồi khiếu nại gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội, Chánh án TAND TP Hà Nội, để chỉ ra một số nội dung trong cáo trạng “không đúng sự thật”.
Ông Chung xin trình bày tóm tắt các kiến nghị của mình. Chủ tọa cho biết HĐXX đã đọc các bản kiến nghị và khiếu nại nêu trên của bị cáo, “bản nào ngắn nhất 10 trang, dài nhất 38 trang”.
Tiếp tục trình bày, ông Chung nêu hơn 10 điểm mà ông cho rằng cáo trạng cũng như kết luận điều tra cáo buộc không đúng với mình.
Trong đó, cựu chủ tịch Hà Nội đề nghị HĐXX công bố công khai thông báo số 308 ngày 22-8-2016 về việc thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Cáo trạng viện dẫn thông báo này, cho rằng bị cáo giao Công ty Thoát nước Hà Nội đàm phán, mua trực tiếp chế phẩm Redoxy-3C từ hãng Wacth Water. Tuy nhiên, ông Chung khẳng định trong thông báo hoàn toàn không có nội dung trên.
Ông Chung cũng dẫn lại cáo trạng về việc mình tạo điều kiện cho Nguyễn Trường Giang giành quyền phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy-3C. Theo bị cáo, ông là chủ tịch thành phố, trong những năm qua đã kết nối rất nhiều doanh nghiệp với các đơn vị nước ngoài.
Ông khẳng định không nắm được nội dung trao đổi, cách thức liên hệ giữa bị cáo Giang với Công ty Watch Water. Quyền chọn đại lý phân phối thuộc Công ty Watch Water chứ không nằm trong khả năng của mình.
Tiếp đó, cựu chủ tịch Hà Nội nhắc lại lời khai của bị cáo Võ Tiến Hùng về việc ngày 31-7-2016 ông chỉ đạo miệng phải mua chế phẩm Redoxy-3C từ Công ty Arktic. Theo bị cáo, nếu thực sự có chỉ đạo này thì bị cáo Hùng phải làm văn bản, đề xuất lên cấp trên ký. “Thế nhưng, trong suốt mấy năm, không hề ai đả động gì, giờ lại quy kết cho tôi toàn bộ” – ông Chung nói.
Bị cáo còn cho rằng Công ty Thoát nước Hà Nội có một mảng là kinh doanh, toàn bộ hoạt động của công ty liên quan đến xử lý ô nhiễm nước hồ là kinh doanh có lãi, nộp thuế cho nhà nước, không thể quy trách nhiệm cho UBND TP Hà Nội.
Tiếp tục trình bày, cựu chủ tịch Hà Nội khẳng định không có quyền và cũng không can thiệp vào hoạt động của Công ty Thoát nước Hà Nội. Bị cáo đưa ra nhiều căn cứ cho rằng chế phẩm Redoxy-3C là có hiệu quả trong việc xử lý ô nhiễm nguồn nước…
Đây là vụ án thứ hai liên quan đến cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được đưa ra xét xử. Ông Chung cùng hai bị cáo còn lại bị truy tố theo khoản 3 Điều 356 BLHS, với khung hình phạt từ 10-15 năm tù.
Trước đó, tháng 12-2020, trong vụ án đầu tiên, ông Chung bị tuyên phạt 5 năm tù do chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là tài liệu điều tra vụ án liên quan đến Công ty Nhật Cường. Ông Chung không kháng cáo với bản án sơ thẩm này.
Vụ án thứ ba, nhưng chưa có lịch xét xử liên quan trực tiếp đến dự án công nghệ thông tin của Nhật Cường với UBND Hà Nội. Trong đó, ông Chung bị truy tố với cáo buộc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tại Sở KH&ĐT Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỉ đồng.