Sáng 4-1, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án Việt Á. HĐXX thẩm vấn bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương.
Do điều kiện chống dịch bắt buộc
Theo cáo buộc, để cho Công ty Việt Á được độc quyền cung cấp Test xét nghiệm tại tỉnh Hải Dương, bị cáo Phạm Duy Tuyến thỏa thuận thông đồng với Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm TGĐ Việt Á về việc hợp thức thủ tục hồ sơ cho Công ty Việt Á trúng thầu và Công ty Việt Á sẽ chi cho Tuyến 20%-25% giá trị hợp đồng.
Do đó, cựu giám đốc CDC Hải Dương đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ứng test xét nghiệm để CDC Hải Dương sử dụng trước, rồi phối hợp với nhân viên Công ty Việt Á hợp thức thủ tục.
Hai bên còn thông đồng ban hành Chứng thư thẩm định giá theo giá Công ty Việt Á đưa ra. Lập tờ trình, hồ sơ để Công ty Việt Á được trúng thầu, ký hợp đồng, thanh quyết toán trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á thu lời bất chính, gây thiệt hại 73,8 tỉ đồng.
Đồng thời, thực hiện thoả thuận từ trước với Phan Quốc Việt, từ ngày 19-5-2021 đến ngày 19-11-2021, Phạm Duy Tuyến đã 3 lần nhận của Việt tổng số tiền 27 tỉ đồng, trong đó, Tuyến sử dụng cá nhân số tiền 16,1 tỉ đồng.
Hành vi của Phạm Duy Tuyến cấu thành tội nhận hối lộ quy định tại Điểm a, b Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, ông Tuyến khai, khi dịch bùng phát ở Hải Dương, Bộ Y tế có cử 4 đơn vị hỗ trợ chống dịch nhưng không đáp ứng được yêu cầu cấp bách do tốn thời gian thu mẫu, vận chuyển mẫu về Hà Nội rồi chuyển trả số liệu về địa phương. Yêu cầu chống dịch đòi hỏi phải có đơn vị làm tại chỗ để đáp ứng yêu cầu phong tỏa.
Việc đề xuất đưa Công ty Việt Á về Hải Dương chống dịch là theo chỉ đạo của cấp trên là Bí thư Phạm Xuân Thăng và Ban thường vụ tỉnh ủy Hải Dương.
Ông Tuyến khai nhận Hải Dương có sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á và việc ứng trước rồi hợp thức thanh toán sau là chưa phù hợp nhưng với điều kiện chống dịch lúc đó nên phải làm thế. Sau khi ứng trước thì thanh toán bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa “có bàn bạc thỏa thuận với Phan Quốc Việt không?”, ông Tuyến khẳng định không, “lúc đó chỉ làm và làm, không có gì liên quan giá cả”.
Cụ thể việc thanh toán, ông Tuyến trình bày đã giao cho Phòng Kế toán thực hiện theo quy trình, Phòng Kế toán triển khai từng bước rồi đưa các hồ sơ, giấy tờ cho bị cáo ký.
Tổng cộng, CDC Hải Dương đã ký với Công ty Việt Á 4 hợp đồng, tổng số tiền 147 tỉ đồng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Lời khai chia 27 tỉ đồng
Cựu Giám đốc CDC Hải Dương thừa nhận “có nhận lợi ích”, Việt Á đề nghị trích lại phần trăm hỗ trợ, chia sẻ cho CDC Hải Dương và các cá nhân có đóng góp trong phòng chống dịch.
“Như Việt Á nói là chia sẻ lợi nhuận nên bị cáo nghĩ không vi phạm pháp luật. Sau này bị bắt thì bị cáo mới nhận thức đó là vi phạm pháp luật”- ông Tuyến nói.
Ông Tuyến nhờ tài khoản của một người bạn làm bảo vệ ở CDC Hải Dương để nhận tiền. Khai về lý do nhờ tài khoản, ông Tuyến nói nếu nhận vào tài khoản đơn vị thì sẽ phải báo cáo chi tiết hoạt động giải ngân, không rút tiền mặt ra được.
Ông Tuyến khai đã 3 lần nhận tiền lần lượt là 5 tỉ đồng, 17 tỉ đồng và 5 tỉ đồng. Sau khi nhận tổng số tiền 27 tỉ đồng, ông Tuyến đưa tiền cho một số người, bản thân mình sử dụng riêng hơn 16 tỉ đồng.
Về chia tiền, ông Tuyến nói đã sử dụng gợi ý của Việt Á là chia lãnh đạo tỉnh, các cá nhân có công phòng chống dịch ở CDC Hải Dương…
Ông Tuyến khai đưa cho ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương 7 tỉ đồng; 2 lần đưa tiền cho ông Phạm Xuân Thăng, mỗi lần 300 triệu đồng và một lần đưa 50.000 USD.
Ông Tuyến giải thích sở dĩ đưa tiền cho ông Cường nhiều hơn là vì “sếp trực tiếp” và có nhiều đóng góp phòng chống dịch, hỗ trợ cho bị cáo.
Ngoài ra, ông Tuyến còn đưa tiền cho nhiều cá nhân khác ở CDC Hải Dương.
Ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh ủy Hải Dương) thừa nhận vi phạm như cáo trạng truy tố. Ông Thăng khai có nhận được 1 lần vật chất từ Việt Á là khoản tiền 100.000 USD, lúc đó là sau tết, Việt đưa. Ngoài ra, ông Thăng còn nhận từ ông Phạm Duy Tuyến 3 lần, tổng số là 600 triệu đồng và 50.000 USD.