Đoạn sông trước động Phong Nha cũng bị bồi lấp mỗi năm.
Sông Son có nhánh ngầm từ động Phong Nha và tuyến Chày Lập chảy về tạo thành bộ phận không thể thiếu của hồ sơ di sản thiên nhiên thế với Phong Nha-Kẻ Bàng. Mỗi năm mưa lũ, đoạn sông trước cửa động Phong Nha thường bị bồi lấp.
Năm nào cũng bồi lấp
Động Phong Nha lừng lẫy với hệ thống thạch nhũ và bảy cái nhất tuyệt vời do chuyên gia Howard Limbert định danh: Hang nước dài nhất. Cửa hang cao và rộng nhất. Bãi cát và đá rộng đẹp nhất. Hồ ngầm đẹp nhất. Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất. Dòng sông ngầm dài nhất. Hang khô rộng và đẹp nhất. Đây là hang động khi chưa có Sơn Đoòng, nó được xem là một trong hai hang động đẹp nhất thế giới.
Tuy nhiên, vẻ đẹp tuyệt tác ấy thường xuyên bị đe dọa mỗi năm bởi chứng bồi lấp sau các trận lũ lớn mang phù sa bồi lắng trước cửa hang và đoạn sông Son bên ngoài. Hơn 25 năm qua động Phong Nha được đưa vào phát triển du lịch, đến mỗi mùa mưa bão, hàng trăm khối trầm tích mưa lũ dồn đống, tạo thành những ụn cát cao giữa đáy sông và cửa hang, gây khó khăn cho thuyền chở du khách vào khám phá.
Sông Son trước đây nhiều đoạn cạn trơ đáy.
Kinh phí thực hiện nạo vét cho khúc sông trước cửa hang dài gần 500m đó hoàn toàn phụ thuộc ngân sách địa phương với mức độ nhỏ giọt. Nó chỉ đủ thông luồng đủ rộng cho một thuyền đi, không thể giải quyết cùng một lúc nhiều thuyền vào ra lúc cao điểm. Trong khi đó, năm nào lũ cũng đưa phù sa bồi đắp ngày một nhiều. Bài toán kinh phí nạo vét cho thông luồng luôn làm đau đầu các nhà quản lý cấp tỉnh Quảng Bình bởi ngân sách tỉnh nghèo có hạn.
Gìn giữ dòng sông di sản
Trước tình hình đó, ông Lê Xuân Bách, chủ một khách sạn ở xã Sơn Trạch đứng ra cam kết với lãnh đạo tỉnh việc thông luồng bằng hình thức xã hội hóa không dùng ngân sách. Ông Bách vốn quê ở Ninh Bình vào lập nghiệp với hai bàn tay trắng, gắn bó với khu vực sông Son như máu thịt.
Ông đánh giá, sông Son bị tắc thì khách đến tham quan hang động giảm hoàn toàn, người dân nhờ khách, rồi bao nhiêu gia đình sống nhờ dịch vụ ăn uống, giải khát...sẽ điêu đứng nếu vắng khách.
Ban đầu ông viết đề án gửi tỉnh. Niềm tin với lãnh đạo địa phương là ông đã thành lập đội môi trường thu gom rác thải khu vực mặt tiền cửa ngõ vào di sản nhiều năm được đánh giá cao hơn cả đơn vị công ích ở Đồng Hới. Ông hứa như đinh đóng cột, kinh phí hoàn toàn từ vay mượn, bùn đất từ bối đắp được sàng lọc, phần nào có cát sẽ xin phép bán để quay vòng vốn, phần nào không bán được thì chôn lấp. Phần tận thu bán có lãi sau hạch toán sẽ nộp cho nhà nước để phục vụ công ích môi trường.
Sau khi nạo vét, vẻ đẹp trong xanh được trở lại.
Ông tính “lãi” của bài toán liều mạng này là khách đến với Phong Nha đông thì khách sạn của ông hơn 20 phòng kín chỗ, nhân viên có việc làm là hạnh phúc, bà con buôn bán cơm ăn, nước uống, dịch vụ hậu cần tấp nập là niềm vui thầm lặng. Từ đó, ông được phép làm và không động vào bất cứ đồng tiền nào của ngân sách.
Từ việc xã hội hóa đó, Cục đường thủy nội địa của Bộ GTVT đã mời ông lập đề án thông luồng 36km sông Son từ hang Tối về ngã ba Văn Phú. Hoàn toàn không dùng kinh phí từ ngân sách. Nó được triển khai dưới dạng tận thu sản phẩm vùng nạo vét thông luống để chi trả cho các đội làm việc theo quy trình nghiêm ngặt từ xã, huyện, đến tỉnh và Cục đường thủy nội địa giám sát. Ông tham gia, mời các chuyên gia về dòng chảy, thủy văn, cảnh quan...để quyết giữ vẻ thơ mộng cho sông Son.
Du khách bên sông Son di sản không còn ngắm cảnh nhếch nhác Trước nổ lực này, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản số 931/TB-VPUBND thông báo kết luận của Phó Chủ tịch tỉnh Trần Văn Tuân về dự án nạo vét thông luồng kết hợp tận thu vật liệu, cát sỏi theo hình thức xã hội hóa trên sông Son. Hiện đoạn sông từ cầu Xuân Sơn lên động Phong Nha, bước đầu đã được thông luồng, tàu chở du khách không phải “đánh võng” tránh các bãi ngầm. Những bè nuôi cá chình của người dân vì thế cũng có mực nước sâu hơn đảm bảo nuôi cá đủ vị mát của dòng sông cho phát triển. Nhìn sông Son hiện tại thuyền bè đi lại tự tin, ông Bách và người dân vui. Còn túi tiến ngày mỗi phải vay mượn thêm, ông đều nói: “Đảm bảo bền vững thì phải tính toán lâu dài. Tính cái lợi trước mắt thì không thể làm môi trường được”. |