Họ đã rượt đuổi HĐXX, la lối chửi bới, đập cửa đòi gặp thẩm phán và chánh án yêu cầu tòa phải xét xử.
Không phải ngẫu nhiên mà TAND huyện Bình Chánh đã thay đổi gần hết HĐXX (chỉ còn một vị hội thẩm nhân dân cũ).
Ông viện trưởng VKSND huyện cũng cho rằng đã chuẩn bị trước tinh thần bằng việc cử thêm người đến phiên tòa dự khán. Tòa cũng đã dự liệu trước tình huống nên đã mời cán bộ y tế tới tòa sẵn sàng ứng cứu. Thế nhưng không hiểu sao lực lượng bảo vệ phiên tòa vẫn không thể ngăn cản được hành vi hung hăng của bị đơn.
HĐXX và đại diện VKSND tại phiên tòa là hình ảnh của quyền lực nhà nước. Phóng viên, nhà báo là người của cơ quan truyền thông được tác nghiệp tại tòa theo Luật Báo chí, không ai có quyền cản trở hoặc hành hung. Nhưng xem clip, nhìn cảnh vị kiểm sát viên (KSV) phải giơ chiếc cặp lên để chống đỡ cú đấm của bị đơn mà đau lòng. Sau đó đến lượt phóng viên bị hai phụ nữ giằng co, đánh tét đầu và phá phương tiện tác nghiệp lại càng xót xa.
Tình trạng đương sự “quậy” tòa làm loạn phiên xử không phải mới và không lạ, điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra cách nghiêm trị những hành vi ấy.
Mô hình phòng xét xử vụ án dân sự mới (ban hành theo Thông tư 01/2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) của TAND Tối cao thì có một hàng rào ngăn cách giữa HĐXX, thư ký, KSV, luật sư với phần không gian phía dưới gồm vị trí ngồi của đương sự và những người tham gia khác. Tuy vậy, vẫn là chưa đủ an toàn bởi nếu đương sự quá manh động, nhảy qua hàng rào hoặc dùng những vật nguy hiểm ném về phía HĐXX. Còn nếu đòi hỏi ý thức của đương sự và những người dự tòa thì cũng khó, bởi không phải ai cũng tuân thủ pháp luật và tôn trọng tòa án.
Vấn đề còn lại là xử lý, phải áp dụng các quy định pháp luật hiện có để xử lý thật nghiêm các hành vi này thì mới có giá trị phòng ngừa và răn đe. Theo Điều 391 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người có hành vi quậy phá tại phiên tòa có thể sẽ bị khởi tố về tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp. Theo đó, chỉ cần thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác là đã có thể xử lý hình sự.
Nếu việc hành hung thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác thì có thể bị phạt tù đến ba năm. Chưa hết, nếu có hành vi đập phá tài sản mà có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì có thể bị xử tương ứng. Tương tự, hành vi hành hung thẩm phán, hội thẩm hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác mà có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích thì có thể bị xử lý về tội này.
Đây rất có thể là vụ đầu tiên một quy định mới trong BLHS mới sẽ được áp dụng để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật tại tòa. Pháp đình nói chung và phòng xử án nói riêng là chốn tôn nghiêm và nơi để HĐXX thực thi công lý. Nhưng nếu tinh thần thượng tôn pháp luật không được thể hiện triệt để tại đây thì thật là đáng tiếc.