Đã đến lúc lập Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

(PLO)- Hình thành hệ thống Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ tạo nên thế trận “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (9-5), Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, bước vào ngày làm việc thứ năm, chuyển sang thảo luận về chủ trương lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Có thể nhìn nhận, đánh giá thế nào về chuyển động chính sách này? Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTNTC. Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTNTC. Ảnh: TTXVN

Bước ngoặt và bước tiến…

. Phóng viên:Chúng ta từng tổ chức BCĐ cấp tỉnh về PCTN nhưng sau đó dừng, để rồi giờ Bộ Chính trị trình trung ương cho chủ trương tái lập. Ông nghĩ sao về diễn tiến này?

+ Ông Phạm Anh Tuấn,nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương: Tôi làm công tác tham mưu về PCTN bên Văn phòng Chính phủ, đến năm 2008 sang làm phó chánh Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN thấy cùng với việc nâng Pháp lệnh PCTN lên thành luật năm 2005 thì ngay lúc đó chúng ta đã thấy đây là mặt trận phức tạp, cam go, cần có một tổ chức để thúc đẩy.

Ban đầu chỉ lập BCĐ ở trung ương, do Thủ tướng làm trưởng ban nhưng không lâu sau đã sửa luật để lập BCĐ cấp tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.

Còn việc cuối năm 2012, trung ương quyết định chuyển sang mô hình BCĐ của Đảng, do Bộ Chính trị thành lập, Tổng bí thư làm trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban bí thư về công tác PCTN thì là do mô hình trước đó không phù hợp. Lúc ấy không tiếp tục duy trì BCĐ cấp tỉnh thì có lẽ vì cần có thời gian đánh giá xem mô hình mới ở trung ương vận hành, phát huy hiệu quả ra sao. Và sau 10 năm, đến giờ có thể coi là chín muồi…

. Chín muồi là…?

+ Thứ nhất, mô hình BCĐ Trung ương trực tiếp do Tổng bí thư làm trưởng ban đã chứng minh hiệu quả rõ ràng trong công tác PCTN. Điều đó thể hiện rất rõ ở nhiệm kỳ khóa XII, khi số lượng vụ, việc tham nhũng, kinh tế được phát hiện, xử lý tăng lên rất nhiều. Riêng Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng trực thuộc trung ương, 112 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý - tăng gấp 10 lần so với nhiệm kỳ trước đó.

Kết quả ấy càng cho thấy tham nhũng, tiêu cực đang rất phức tạp, nghiêm trọng. Cả nhiệm kỳ khóa XII đánh rát như thế mà rồi vẫn nổ ra vụ kit test Việt Á, rồi nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Như thế, nếu không tiếp tục quyết liệt thì chưa biết chế độ này sẽ đi đến đâu. Lập BCĐ cấp tỉnh chính là “chống tham nhũng phải không ngừng, không nghỉ”, như Tổng bí thư nhiều lần nhấn mạnh.

Thứ hai, thực tiễn hoạt động của BCĐ Trung ương là bài học kinh nghiệm quý giá. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác trong chỉ đạo PCTN được cọ xát qua thực chiến. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đi vào nề nếp, bài bản, khoa học, đúng vai, thuộc bài. Các thành viên, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Những kinh nghiệm ấy chắc chắn sẽ giúp việc triển khai mô hình BCĐ cấp tỉnh sớm phát huy hiệu quả.

Thứ ba, dư luận đánh giá tham nhũng có thể bớt căng thẳng, công khai hơn nhưng ở nhiều nơi vẫn nhức nhối, vẫn “trên nóng, dưới lạnh”. Thực tế, nhiều vụ việc mà BCĐ Trung ương đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo vừa qua là xảy ra ở địa phương. Các cơ quan PCTN tỉnh, thành có phát hiện, có làm ra đâu, dù thẩm quyền theo pháp luật, theo quy định của Đảng là có cả. Từ kinh nghiệm của BCĐ Trung ương có thể thấy để phát huy trách nhiệm, hiệu quả của các thiết chế PCTNTC địa phương thì cần một đầu mối, một tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.

Nếu coi việc chuyển BCĐ Trung ương sang mô hình BCĐ của Đảng, do Tổng bí thư trực tiếp làm trưởng ban là bước ngoặt của công tác PCTN thì tôi nghĩ việc lập BCĐ cấp tỉnh sẽ tạo bước tiến mới cho công cuộc này.

Ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu

. Nhưng “cán bộ nào, phong trào ấy”. Vừa qua đã có nhiều bí thư Tỉnh ủy bị kỷ luật. Gần đây nhất, hai đời bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã chịu kỷ luật rất nặng. Vậy giao cho bí thư làm trưởng BCĐ cấp tỉnh thì có yên tâm không?

+ Tôi nhớ là khi mới được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phân công làm trưởng BCĐ Trung ương về PCTN, trong một cuộc họp BCĐ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có tâm sự: “Không biết tớ phận mỏng cánh chuồn có làm được gì không!”.

Thực tế đã cho thấy bằng uy tín, tầm nhìn chính trị không bị chi phối bởi bất cứ yếu tố nào, một mục đích duy nhất là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Tổng bí thư đã thúc đẩy, đưa công tác PCTNTC lên vị trí ưu tiên cao nhất từ trước đến giờ của Trung ương Đảng. Bằng tài lãnh đạo của mình, Tổng bí thư đã tạo ra cơ chế để cấp dưới tự cọ xát, chế ước lẫn nhau, đúng tinh thần “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cho vào đây cũng phải cháy”.

Rõ ràng, để PCTNTC thành phong trào như thế này thì vai trò của Tổng bí thư là rất quan trọng, rất quyết định. Điều đó cũng sẽ đúng với BCĐ cấp tỉnh.

Nhưng “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Cấu trúc quyền lực ta là phân cấp rất mạnh cho địa phương. Tham nhũng dưới địa phương vừa là nguy cơ vừa là thực tiễn rất phức tạp. Từ kinh nghiệm của trung ương cho thấy cũng cần tổ chức BCĐ cấp tỉnh để hình thành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo để xác lập ưu tiên rõ ràng với nhiệm vụ PCTNTC. Qua đó hình thành cơ chế để PCTNTC ở địa phương cũng thành phong trào.

Lập BCĐ cấp tỉnh, giao cho bí thư làm trưởng ban cũng là cách để ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu, để buộc bí thư Tỉnh ủy phải coi PCTNTC là ưu tiên cao của chính mình.

Ngoài ra, theo tôi biết, BCĐ cấp tỉnh sẽ bị ràng buộc trách nhiệm ngang, dọc. Sẽ có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tỉnh/Thành ủy mà trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh/Thành ủy, BCĐ Trung ương.

Như vậy không chỉ là chống tham nhũng ở các cơ quan chống tham nhũng, chống tiêu cực ở các cơ quan chống tiêu cực như Tổng bí thư từng lưu ý, mà còn dần hình thành cơ chế giám sát chéo cấp ủy, ban thường vụ địa phương, nhất là người đứng đầu về trách nhiệm trong công tác PCTNTC.

Hình thành hệ thống BCĐ cấp tỉnh như thế sẽ tạo khí thế “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” trong công tác PCTNTC trong thời gian tới.

63 tỉnh, thành nhất trí chủ trương thành lập BCĐ PCTNTC
cấp tỉnh

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII ngày 4-5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và kết luận tại phiên họp thứ 21 của BCĐ Trung ương về PCTNTC, kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTNTC.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuy chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đến nay đã có năm tỉnh, TP trực thuộc trung ương thành lập BCĐ để tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (gồm Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa). Qua góp ý xây dựng đề án, đã có tất cả 63/63 Tỉnh ủy, Thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTNTC.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập BCĐ cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của BCĐ cấp tỉnh về PCTNTC và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.

Không được phép thỏa hiệp

. Tôi từng dự một số cuộc họp BCĐ Trung ương về PCTN khóa X thì thấy rõ là lúc ấy có những tranh luận rằng với tham nhũng thì nên ưu tiên phòng hay chống. Còn đến giờ, là khóa XIII, đây đó vẫn còn băn khoăn là chống rát quá thì ảnh hưởng tới phát triển kinh tế -xã hội. Theo ông, đến giờ, vấn đề ngã ngũ mức nào rồi?

+ Quan sát thì đúng là ngay trong Đảng ta cũng có những tranh cãi như vậy. Có ý kiến cho rằng trình độ, năng lực thể chế, quản lý nhà nước như thế này thì tham nhũng là không tránh khỏi nhưng nó bôi trơn giúp bộ máy vận hành nhanh hơn. Kiểu dự án 10 đồng, chi 1 đồng cho được việc còn hơn để cả 10 đồng ách tắc, đình trệ.

Nhưng qua thời gian, nhất là thực tiễn 10 năm qua thì thấy rõ tình hình tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng thế nào rồi. Thỏa hiệp thì cái được là trước mắt, là lợi bất cập hại. Không ngăn chặn, đẩy lùi thì tham nhũng dần thành văn hóa, thành nhận thức chung, chấp nhận chung thì khó mà lật ngược tình thế được.

Vận hành của BCĐ Trung ương về PCTN 10 năm qua, việc bổ sung nhiệm vụ phòng chống tiêu cực vừa rồi và nay Bộ Chính trị trình Ban chấp hành Trung ương thông qua chủ trương lập BCĐ cấp tỉnh, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu là bí thư Tỉnh/Thành ủy, xác lập ưu tiên từ trung ương xuống địa phương về nhiệm vụ PCTNTC… gợi ý rằng những tranh luận âm ỉ trong chính chúng ta về tương quan phòng - chống đang nghiêng về phía không chấp nhận thỏa hiệp.

Tất nhiên, hiệu quả như thế nào thì tiếp tục cần thời gian để đánh giá. Nhưng với diễn biến tình hình, với kết quả PCTNTC như thời gian qua đã bộc lộ ra thì không làm còn chết nữa, dù làm thì quả thật rất khó khăn.

. Theo dõi các phát biểu của Tổng bí thư thì tôi cảm thấy “PCTNTC thành phong trào” là mong muốn, là hướng tới. Vì để thành phong trào thực sự thì phải có sự tham gia trực tiếp của người dân. Ông nghĩ thế nào?

+ Quan sát quá trình vận động thì thấy quá trình hình thành BCĐ Trung ương về PCTNTC đến nay là một nỗ lực tìm tòi cơ chế, mô hình thúc đẩy công tác này. 10 năm hoạt động của BCĐ Trung ương vừa rồi là làm điểm, có kết quả tốt thì mở rộng, lập BCĐ cấp tỉnh để làm diện rộng.

Không có BCĐ thì Thường vụ cấp ủy địa phương vẫn phải làm. Nhưng lập BCĐ tức là buộc cấp ủy, người đứng đầu xác định lập ưu tiên PCTNTC.

10 năm qua đã tạo ra nhận thức mới trong Đảng và toàn xã hội về tính cấp bách của công tác PCTNTC. Đảng đã và tiếp tục nắm ngọn cờ PCTNTC, khẳng định tính chính danh của một đảng cầm quyền. Phát triển kinh tế thì từng bước rồi sẽ đi lên nhưng để bộ máy mục ruỗng, hư hỏng thì người dân không chấp nhận được.

Còn để PCTNTC thành phong trào thì đúng là phải có sự tham gia trực tiếp của người dân. Vì như hiện nay thì vẫn là ta tự soi, tự sửa, dùng lực lượng của mình để chỉnh đốn chính mình.

. Xin cám ơn ông.

Ý kiến chuyên gia

Ông NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG,
Vụ trưởng Vụ Địa phương I - Ban Nội chính Trung
ương:

“Trên nóng, dưới lạnh” và tín hiệu tích cực từ cơ sở

“Trên nóng, dưới lạnh” là vấn đề nhức nhối trong công tác PCTN. Năm 2020, kết luận Hội nghị toàn quốc sơ kết tám năm hoạt động BCĐ Trung ương về PCTN theo mô hình Tổng bí thư làm trưởng ban đánh giá công tác PCTN ở địa phương chưa có chuyển biến rõ nét. Chỉ tính ba năm trước đó, 2018-2020, nhiều địa phương cả năm không phát hiện, khởi tố được vụ án tham nhũng nào.

Tuy nhiên, với các chỉ đạo quyết liệt của BCĐ Trung ương, rồi khí thế Đại hội XIII, đến năm 2021, kết quả được báo cáo tại phiên họp thứ 21 của BCĐ Trung ương cho thấy 100% các địa phương đã phát hiện, khởi tố điều tra vụ án tham nhũng trên địa bàn. Tính rộng ra, trong năm, các Tỉnh, Thành ủy trực tiếp chỉ đạo 698 vụ án, vụ việc, tức hơn 10 vụ, việc mỗi địa phương.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng có chuyển động tích cực. Trong năm 2021 đã chuyển hồ sơ 330 vụ sang cơ quan điều tra hình sự - gấp ba lần các năm trước đó: 2018 - 101 vụ, 2019 - 98 vụ, 2020 - 102 vụ.

Với những chuyển động ấy, năm 2021, các cơ quan điều tra trên cả nước đã khởi tố 390 vụ án tham nhũng, 1.011 bị can - gấp 1,5 lần so với trung bình các năm trước.

Tuy chưa có chủ trương chung nhưng từ thực tiễn của mình, đã có năm tỉnh, thành lập BCĐ để thực hiện chỉ đạo công tác PCTN trên địa bàn, gồm Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh hòa.

Đây là cách làm sáng tạo, có thể chia theo ba nhóm: Lập BCĐ thực hiện đề án chương trình hành động của Tỉnh/Thành ủy về PCTN trong nhiệm kỳ, có Hà Nội, Sóc Trăng. Lập BCĐ để tập trung chỉ đạo, xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế âm ỉ, kéo dài, vướng mắc nhiều năm chưa giải quyết được, có Thái Bình, An Giang. Và lập tổ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để giải quyết các vụ án, vụ việc đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ kết luận là Khánh Hòa.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG,
Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Khâu chọn người vào BCĐ cấp tỉnh rất quan trọng

Tôi ủng hộ việc thành lập BCĐ PCTNTC cấp tỉnh. Việc lập BCĐ cấp tỉnh thể hiện quyết tâm xuyên suốt chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta không có vùng cấm, không ngưng không nghỉ.

Tôi xin góp thêm vài ý kiến để BCĐ cấp tỉnh thực hiện tốt, phát huy hiệu quả công tác PCTNTC.

Thứ nhất, Ban Nội chính Trung ương và BCĐ Trung ương PCTNTC cần tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban bí thư để có hướng dẫn chi tiết về thành phần tham gia BCĐ cấp tỉnh. Việc này tạo sự thống nhất cho BCĐ cấp tỉnh trong cả nước.

Thứ hai, theo tôi, BCĐ cấp tỉnh thì ngoài người đứng đầu cấp ủy đảng và các cơ quan cần thiết khác cần có sự tham gia của các cơ quan dân cử, Mặt trận để tăng cường tính giám sát, đại diện tiếng nói của cử tri, công dân trong tỉnh.

Thứ ba, cần có quy định việc chịu trách nhiệm trước BCĐ Trung ương cũng như trách nhiệm trực tiếp của các thành viên BCĐ cấp tỉnh nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa phương mà thành viên BCĐ hoặc BCĐ phụ trách.

Thứ tư, phải có cơ quan giám sát, kiểm tra hoạt động của BCĐ cấp tỉnh để tránh những vấn đề tiêu cực, tham nhũng của chính BCĐ này.

Cuối cùng vẫn là công tác chọn người tham gia BCĐ, đây là khâu then chốt, cực quan trọng. Chọn người tài đức, có tâm, có tầm tham gia BCĐ thì sẽ hạn chế, kiểm soát được các vấn đề tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.

Ngược lại, nếu khâu chọn thành viên không được thực hiện chặt chẽ, chủ quan, duy ý chí cho đủ thành phần, thiên về hình thức thì BCĐ nơi đó sẽ hoạt động không hiệu quả.

Ông ĐINH VĂN MINH,
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ:

Lập BCĐ phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là tất yếu

Chống tham nhũng theo nghĩa như một tội phạm thì có nhiều mô hình khác nhau, chẳng hạn lập cơ quan chống tham nhũng quốc gia, độc lập với hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện hữu.

Nhưng ở ta, về mặt chiến lược là cả phòng, cả chống, coi đây là một phần của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phương pháp là tự gột rửa mình, gột rửa tổ chức, dùng chính các hệ thống thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hiện có để phát hiện, xử lý.

Vậy thì việc lập BCĐ Trung ương, rồi BCĐ cấp tỉnh là tất yếu.

Thực tế địa phương thì đều có đủ bộ máy, đủ thẩm quyền để PCTNTC nhưng vẫn xảy ra các vụ việc vi phạm rất lớn, rất nghiêm trọng từ TP.HCM tới Bình Dương, ra Bình Thuận, Khánh Hòa, rồi Đà Nẵng. Hà Nội là trung tâm chính trị quốc gia, có cả cơ quan pháp luật địa phương lẫn trung ương nhưng vẫn xảy ra những việc vi phạm đến mức chủ tịch TP bị khởi tố.

Mỗi tỉnh, thành đều có vấn đề địa phương chủ nghĩa, các mối quan hệ thân tình, rồi lợi ích gắn bó, đan xen. Nên đụng vào việc sai phạm thì tự thân mình rất khó xử lý. Những chuyển động năm rồi tôi cho là cũng nhờ sự quyết liệt, chỉ đạo, áp lực từ bên trên chứ động lực tại chỗ còn yếu.

Từ kinh nghiệm tốt của BCĐ Trung ương thì giải pháp cho địa phương là lập BCĐ cấp tỉnh. BCĐ ấy không chỉ để thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy trong việc PCTNTC, mà còn là cánh tay nối dài, chịu sự chỉ đạo của BCĐ Trung ương.

Tất nhiên cũng chưa nên kỳ vọng quá cao. BCĐ cấp tỉnh chỉ cần chỉ đạo tốt công tác PCTNTC ở cấp huyện và dưới nữa là tốt rồi.

Tôi cho rằng dù lập BCĐ cấp tỉnh thì không chỉ chống mà cần hơn cả là tổ chức công tác phòng ngừa để giảm nguy cơ, cơ hội, khả năng xảy ra tham nhũng. Chứ cứ để xảy ra hậu quả rồi đi dọn thì bao giờ cho hết. Rồi cũng phải làm cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan kiểm tra đảng mạnh lên để tự họ thực hiện nhiệm vụ mà không cần chỉ đạo. Lúc ấy PCTNTC mới bền vững được.

NGHĨA NHÂN - NGUYỄN ĐỨC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm