Ông Cù Huy Kiểm, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý sửa chữa đường bộ Phú Yên, cho biết từ chiều đến suốt đêm 10-3, một đơn vị thuộc Trường đại học Giao thông vận tải đã dùng thiết bị kích, nâng các gối dầm của trụ số 27 nhịp 28 vào vị trí cũ. Hiện Công ty đã tháo dỡ các rào chắn trên cầu, cho xe lưu thông bình thường trở lại.
Cũng theo ông Kiểm, Cục Quản lý đường bộ III đã giao Trung tâm Kỹ thuật đường bộ III kiểm tra tất cả cầu dài trong khu vực, nhất là hiện trạng hệ thống gối dầm để báo cáo, đề nghị Tổng cục Đường bộ cho ý kiến xử lý. Riêng cầu Đà Rằng hiện vẫn còn một số gối dầm của các trụ cầu khác có hiện tượng bị lệch cũng sẽ được chỉnh lại sau khi Tổng cục Đường bộ có ý kiến, duyệt phương án xử lý.
Như PLO đã thông tin, từ sáng 5-3, các tấm gối cầu bằng cao su dày 50 cm kê trên đầu dầm của nhịp số 28 của cầu Đà Rằng mới bị xoay, dịch chuyển ra khỏi đá kê gối khoảng 60 cm, làm dầm cầu bị sụp lún hơn 50 cm. Ngoài ra, hai tấm gối cao su kê trên đầu dầm nhịp số 27 cũng bị trôi lệch ra ngoài. Tình trạng này khiến một nửa mặt cầu bên phải tuyến phía nam trụ T27 bị lún thấp hơn mặt cầu phía bắc, lan can tay vịn bằng ống thép bị xô lệch hoàn toàn, mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt. Sự cố trên khiến đoạn cầu hư hỏng bị rung lắc mạnh mỗi khi có xe qua lại, không đảm bảo an toàn giao thông. Công ty TNHH MTV Quản lý sửa chữa đường bộ Phú Yên đã rào chắn gần một nửa mặt cầu Đà Rằng, không cho xe chạy qua đoạn mặt cầu bị hư hỏng.
Theo ông Bùi Tô Hoài, Cục phó Cục Quản lý đường bộ III, đây là sự cố hư hỏng cầu đường bộ dạng mới nhất, lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Do đó, Cục phó Cục Quản lý đường bộ III đã yêu cầu các đơn vị chức năng, các công ty quản lý đường bộ trực thuộc tiến hành đợt tổng kiểm tra các cây cầu có thiết kế tương tự cầu Đà Rằng để kịp thời có phương án xử lý.
Cầu Đà Rằng dài 1.525,7 m, có 36 nhịp, rộng 12,5 m, do Ban Quản lý dự án 18 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư với kinh phí 420 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA, khánh thành đưa vào sử dụng từ tháng 11-2004.
TẤN LỘC