Đã ký cam kết cho đi nhờ 2m thì có được tự ý rút lại không?

(PLO)- Ông Đào được chủ đất gốc cho đi nhờ trên lối đi 2m, hai bên ký văn bản cam kết nhưng sau đó chủ đất gốc rút lại chỉ cho ông lối đi 1m nên ông đã khởi kiện ra tòa…

Mới đây, gửi đơn phản ánh đến Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đào (ngụ TP Cần Thơ) cho biết, ông được chủ đất gốc cho đi nhờ trên lối đi rộng 2m nhưng sau đó bà này “vi phạm cam kết” và tòa án buộc ông phải “mua lại lối đi nhờ mới được đi”.

Bà N chỉ đồng ý cho đi nhờ 1m, còn lại 1m tòa buộc ông Đào phải trả giá trị. Ảnh: NHẪN NAM

Cho đi nhờ với chiều ngang 2m

Cụ thể, năm 2020 ông có nhận chuyển nhượng của bà N thửa đất gần 300 m2, trong đó có 40 m2 là đất thổ cư, còn lại là đất cây lâu năm. Cùng ngày này, ông và bà N có làm văn bản thỏa thuận về việc bà N cho ông đi nhờ trên phần đất của bà vào đất của ông, chiều ngang 2m, văn bản này được công chứng.

Tuy nhiên, đầu năm 2021, bà N tự ý rào lại, chỉ chừa lối đi có bề ngang 1m để ông đi lại. Do thấy việc làm của bà N vi phạm văn bản thỏa thuận đã ký và hòa giải ở phường không thành nên ông đã khởi kiện bà N về việc vi phạm văn bản thỏa thuận về cho đi nhờ đã cam kết.

Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thủy xác định tranh chấp lối đi chung và chấp nhận một phần yêu cầu của ông Đào về việc được mở lối đi qua thửa đất của bà N với chiều ngang phía ngoài đường 1,75m, phía giáp đất ông Đào là 2m. Tòa cũng chấp nhận phản tố của bà N, buộc ông Đào đền bù giá trị quyền sử dụng đất cho bà N là gần 400 triệu.

Sau đó, ông Đào kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ không chấp nhận kháng cáo của ông Đào nhưng sửa một phần án sơ thẩm, buộc ông này trả số tiền 285 triệu giá trị quyền sử dụng đất có chiều ngang 1m, dài 19m…

Tòa: Bị đơn có quyền thay đổi, chấm dứt thỏa thuận

Theo tòa phúc thẩm, văn bản thỏa thuận ghi nhận nội dung bà N cho ông Đào đi nhờ trên đất của bà với chiều ngang 2m, chiều dài từ giáp đất ông Đào ra ngoài đường. Tuy nhiên, thỏa thuận này không xác định thời hạn và không ràng buộc quyền, nghĩa vụ của các bên nên bà N có quyền thay đổi, chấm dứt thỏa thuận vì diện tích đất này vẫn đang thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà theo giấy đất.

Nguyên đơn nói đã mua phần đất này nhưng vì diện tích nhỏ không tách thửa làm giấy được, tuy nhiên nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh.

Tại tòa sơ thẩm, bà N chỉ đồng ý cho ông Đào đi vào đất nhận chuyển nhượng với chiều ngang 1m, còn ông Đào thì yêu cầu 2m nhưng không phải trả giá trị.

Tòa cho rằng, sau khi mua đất, ông Đào đã xây dựng nhà trọ cho thuê, có nhiều người đang ở và sử dụng lối đi này nên diện tích lối đi có chiều ngang 1m là chưa đảm bảo đi lại.

Phần đất của ông Đào bị vây bọc bởi các bất động sản liền kề khác, lối đi này là duy nhất để ra đường, đồng thời bà N cũng sử dụng lối đi này vào khu mộ gia đình. Vì vậy, tòa sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của ông Đào, buộc bà N mở lối đi theo như thỏa thuận là hợp lý.

Theo quy định tại Điều 254 BLDS năm 2015, nguyên đơn yêu cầu mở lối đi thì phải đền bù cho bị đơn giá trị quyền sử dụng đất. Tại đơn phản tố và tại tòa sơ thẩm, bà N đòi trị giá lối đi 2m dài 19 m là 570 triệu. Ngoài ra, tại tòa sơ thẩm, bà N cũng đồng ý cho ông Đào tiếp tục đi nhờ lối đi ngang 1m, dài 19m. Vì vậy tòa phúc thẩm mới sửa án sơ thẩm, chia đôi số tiền trên để buộc nguyên đơn trả cho bị đơn.

Tuy nhiên, ông Đào không đồng ý với phán quyết của tòa. Ông cho rằng quyền về lối đi theo khoản 1, Điều 254 có nêu “chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Ở đây, ông và bà N có thỏa thuận về việc cho đi nhờ không nêu thời hạn, giá cả. Vì vậy, ông cho rằng tòa sơ thẩm áp dụng Điều 254 chưa triệt để khi buộc ông phải mua lại phần đất đi nhờ mới được sử dụng là chưa đúng pháp luật.

Cũng theo ông Đào, tòa phúc thẩm nhận định bà N đơn phương có quyền thay đổi, chấm dứt thỏa thuận là không có căn cứ vì muốn thay đổi, chấm dứt thỏa thuận thì phải có sự đồng ý của ông. Trong văn bản thỏa thuận, cả ông và bà N cùng ký cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật, vì vậy, ông muốn khiếu nại giám đốc thẩm để hủy cả hai bản án và xét xử lại.

Phán quyết của tòa là hợp tình, hợp lý

Theo luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, căn cứ theo quy định tại các Điều 247, 254, 256 BLDS năm 2015 thì ông Đào có quyền yêu cầu bà N mở một lối đi ngang qua đất của bà N vào đất của ông Đào theo thỏa thuận hoặc theo phán quyết của tòa án. Quyền về lối đi qua này có giá trị chuyển giao đối với người thứ ba và có thể kết thúc theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.

Giữa ông Đào và bà N có thỏa thuận về lối đi có giá trị và hiệu lực theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận cho đi nhờ không xác định rõ thời hạn, khoản tiền phải chi trả… nên phát sinh tranh chấp và hai bên có quan điểm khác nhau về lối đi này.

Tòa án cấp phúc thẩm đã căn cứ yêu cầu, ý chí của các bên, kết quả thẩm định giá, đảm bảo an toàn cho việc đi lại, đã phán quyết mở lối đi có chiều ngang 2m và ông Đào phải trả cho bà N 285 triệu là hợp tình, hợp lý.

“Theo tôi thì vụ này nên kết thúc ở đây” – luật sư Lê Quang Vũ bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới