Nhờ những cây dâu đỏ mọc tự nhiên mà cả làng vốn là nông dân thứ thiệt, sống lay lắt nhờ cây sắn, hồ tiêu, cây chuối… bỗng nhiên trở thành những nhà kinh doanh dịch vụ du lịch.
Cận cảnh chùm dâu đỏ. Ảnh: TRI TRẦN
Cây dâu đỏ - của trời cho
Mất khoảng một giờ cho quãng đường 40km từ trung tâm TP.Tuy Hòa ngược hướng Bắc theo quốc lộ 1A, đến ngã ba Hòa Đa (huyện Tuy An) rẽ trái vào đường DT 643 về hướng Tây sẽ đến cao nguyên Vân Hòa (huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).
Cao nguyên Vân Hòa là vùng bán sơn địa, cao 400 mét so với mực nước biển, không khí mát mẻ, trong lành và cái đẹp hớp hồn của các loài hoa dại. Bởi lẽ đó mà Vân Hòa được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Việt Nam.
Một trong những cây dâu đỏ có tuổi đời trên 50 năm ở Vân Hòa.
Ấn tượng trong ai đó khi đặt chân đến cao nguyên Vân Hòa không phải là cái mát lạnh 18-20 độ C về đêm hay 23-25 độ C vào ban ngày, mà là một điểm check-in thú vị trong hơn chục điểm mà dân phượt không thể bỏ lỡ, đó là vườn đỏ (vườn cây dâu đỏ).
Cây dâu đỏ (có người gọi là dâu da, dâu tiên, dâu đất…) có tên khoa học là Baccaurea, họ Phyllanthaceae. Trái có vị chua gắt, đến nỗi người ưa chua cũng phải “chạy làng” nên không được ra chợ mà chỉ để… ngắm.
Cây dâu đỏ được người dân trồng mới để thu hút khách tham quan.
Khoảng tháng bảy hàng năm, trái chín đỏ căng mọng ken kín từ gốc đến cành, được mùa ước tính mỗi cây cũng hơn ba tạ. Đây cũng là thời điểm khách du lịch khắp nơi đổ về tham quan, chụp ảnh lưu niệm với loại trái cây lạ này.
Những bậc cao niên ở thôn Lương Sơn, xã Sơn Xuân cho biết, cây dâu đỏ mọc tự nhiên ở vùng đất này nhiều đời trước nhưng lúc bấy giờ hầu như không có trái. Chỉ khoảng hơn chục năm trở lại đây, bỗng nhiên cây lại cho trái sum suê, lại có màu đỏ rất lạ, vì chua quá nên không ai ăn, trái chín rụng đỏ gốc.
Quãng ấy, từ một bức ảnh chụp cây dâu đỏ dày đặc trái ôm sát thân cây lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người biết ùn ùn kéo đến và những chủ vườn bỗng dưng trở thành nhà làm du lịch.
Du khách tạo dáng bên cây dâu đỏ.
Từ đó, người dân địa phương rất quý cây này, xem như là của trời cho, nhờ đó mà con cái được học hành đến nơi đến chốn, có của ăn của để. Không đốn hạ để lấy đất trồng hoa màu như trước mà bà con còn đi tìm cây con về trồng.
Nhà nông làm du lịch
Đến nay, nhà đất hẹp thì cũng được vài cây, vườn nào rộng cũng có hơn 30 gốc đang cho trái và mở cửa đón khách, ngày nào vắng lắm cũng kiếm được 200 ngàn đồng dư tiền chợ.
Khách đến ngày một đông, ngoài việc thu phí tham quan, chủ vườn mở thêm dịch vụ ăn uống, giải khát, giữ xe để phục vụ khách.
Du khách dạo chơi, ngắm hoa ở Vân Hòa.
Ông Nguyễn Như Phương (chủ vườn dâu Bốn Phương), cho biết hiện ngoài kinh doanh du lịch, người dân ở đây còn sống được với nghề ươm giống cây đỏ bán cho du khách. Không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ khấm khá lên.
Đến vườn đỏ, mỗi du khách chỉ bỏ ra 10.000 đồng/lượt (hoặc thấp hơn nếu đi theo đoàn) sẽ thoải mái tạo dáng bên cây dâu đỏ độc đáo. Chi phí này chỉ vừa đủ để chủ vườn chăm sóc, tưới tiêu và trồng mới mở rộng vườn dâu đón khách.
Màu xanh bạt ngàn của ruộng chuối, bắp và tràm ở cao nguyên Vân Hòa
Gia đình anh Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) lần về Phú Yên chơi hè, được bạn học đưa lên đây thưởng ngoạn vườn dâu đỏ và các điểm dừng chân khác như nhà thờ Trà Kê, nhà thờ Bác, đập thủy điện Sông Ba Hạ...
Anh bảo, chỉ mất vài chục ngàn tiền xăng là được chiêm ngưỡng nét đẹp hoang sơ của núi rừng Vân Hòa, đắm mình giữa rừng hoa dại, hít thở không khí trong lành với chi phí như vậy là quá bèo.
Mách luôn, đến cao nguyên Vân Hòa phải đi bằng xe máy mới thấy hết cái đẹp của cung đường đèo dốc. Hai bên là một màu xanh bạt ngàn của rẫy chuối, hồ tiêu, ruộng bắp và nhiều cây trái khác được xem là sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất đỏ bazan này.
Con đường dẫn về cao nguyên Vân Hòa
Chỉ xe máy mới có thể vào sâu trong buôn đê tìm hiểu về đời sống, văn hóa của người Ê đê.
Với xu hướng sống gần với thiên nhiên, những năm gần đây người dân cư từ các nơi về mua đất làm vườn, kinh doanh dịch vụ du lịch khá nhiều, văn hóa, lối sống cũng bị pha trộn ít nhiều nhưng đáng mừng là cao nguyên Vân Hòa vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ, mộc mạc.
Trái dâu đỏ ken cứng thân cây.
Đến Vân Hòa, ngại len lỏi vào giữa ruộng bắp, ruộng sắn thì có thể ghé vào vườn dâu ven đường. Vườn nào cũng vậy, nông dân làm du lịch mà, hiền lành, chân chất từ cái ăn nói đến cách cầm tiền.
Món canh lá dít, loại rau rừng đặc sản của huyện miền núi Sơn Hòa. Rau này có thể dùng ăn sống hoặc nấu canh, có vị rất lạ nhưng dễ ăn.
Du khách lỡ bữa thì ới chủ vườn nấu nồi cơm gạo rẫy, làm con gà hai món, xào xả ớt (hoặc nấu mắm thơm) và nấu canh lá dít, cả thức uống chỉ chừng 600 ngàn đồng/10 người ăn, rẻ chán.
Người ta bảo, đến Vân Hòa vào mùa Xuân với khăn choàng, áo ấm ngắm muôn hoa đua nở mới hay nhưng với tôi thì khác, cái nguyên sơ của núi rừng nơi đây tô đẹp bốn mùa.