Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn đã ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) phiên bản 2.0. Đây là một bước đi tiếp theo quan trọng để tạo tiền đề xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tại TP Đà Nẵng trong thời gian tới.
Theo đó, kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0 là căn cứ để định hướng, xây dựng kế hoạch phát triển và lộ trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giai đoạn 2021-2025.
Đà Nẵng sẽ hướng tới một hệ thống chính quyền số toàn diện, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của TP.
Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Phiên bản 2.0 lần này là cơ sở quan trọng để tiếp tục tiến trình chuyển đổi sang chính quyền số và kiện toàn hệ thống thông tin CQĐT hiện có. Đồng thời, TP sẽ ứng dụng CNTT rộng rãi và hiệu quả trong mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0 gồm: kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin.
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ tái cấu trúc quy trình hoạt động và cung cấp dịch vụ công. Trong đó, TP cung cấp dịch vụ hành chính công, thủ tục hành chính ngoài một cửa, dịch vụ sự nghiệp công theo hướng liên thông, đơn giản hóa qua ứng dụng công nghệ số. TP sử dụng dữ liệu số thay thế một số thành phần hồ sơ thủ tục hành chính phải nộp bản giấy.
Đà Nẵng cũng sẽ ban hành quy trình thủ tục thống nhất, đồng bộ về tiếp nhận, xử lý ban hành văn bản trong toàn hệ thống cơ quan Đảng đảm bảo xử lý hoàn toàn trên mạng, tiến tới mô hình văn phòng không giấy.
Phiên bản 2.0 cũng tập trung hoàn thiện và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ quỹ đất chia sẻ về Trung tâm dữ liệu TP và công khai phục vụ các tổ chức, công dân tra cứu, khai thác.
Đồng thời, TP phát triển nền tảng thông tin định danh cá nhân và kho dữ liệu số của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến TP.
Hệ thống thông tin của các đơn vị như điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, công chứng…cũng sẽ tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước và các giao dịch điện tử dân sự khác.
Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ triển khai mạng di động 5G trên địa bàn TP, chuyển đổi toàn bộ hệ thống ứng dụng của TP sang sử dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới.
Theo kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0, Đà Nẵng sẽ đưa nội dung đào tạo về chính quyền số vào chương trình đào tạo của các trường, cơ sở đào tạo cán bộ công chức viên chức, các trường đào tạo chuyên ngành về CNTT và truyền thông.
Một số mục tiêu kinh tế - xã hội của Đà Nẵng đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP 12%/năm. Tỉ trọng GRDP/cả nước 2,9%. Tỉ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo >70%. Tỉ lệ phường xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn TP 0%. Tỉ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 100%. Tỉ lệ cây xanh đô thị 6-8 m2/người. Tỉ lệ che phủ rừng 47%... |