Sáng 29-7, phiên tòa đại án 9.000 tỉ thiệt hại tại VNCB bước vào ngày thứ 10, chủ tọa tiến hành tiến hành thẩm vấn Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh).
Nói về học vấn, Danh cho biết học ngành quản trị kinh doanh, được đào tạo theo chương trình vừa học vừa làm. Khi chủ tọa hỏi: "Học ở đâu, ai đào tạo bị cáo không nhớ thì học cái gì?", bị cáo Danh không trả lời được chỉ kể lể hoàn cảnh là bị cáo trí nhớ kém, sức khỏe kém, việc đứng trước vành móng ngựa là bị cáo rất cố gắng.
Trước trình bày này, chủ tọa yêu cầu thư ký sẵn sàng điều kiện để bị cáo ngồi trả lời thẩm vấn. Đồng thời chủ tọa cho biết sẽ đọc những hồ sơ thu thập liên quan đến trình độ học vấn của bị cáo. Nghe vậy, Danh liền trả lời: “Bị cáo học ngành quản trị kinh doanh nhưng giờ bị cáo không nhớ”.
Lúc này, chủ tọa công bố hồ sơ tài liệu thu thập về trình độ chuyên môn của bị cáo Danh. Theo đó, bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh ĐH Kinh tế TP.HCM của Danh vào thời gian 1987-1991. Tuy nhiên, lý lịch cho biết thời gian này, bị cáo sống và làm việc tại Quảng Ngãi. Xác minh tại ĐH Kinh tế TP.HCM không có sinh viên nào tên Phạm Công Danh.
Bằng bị cáo nộp lên NHNN để xem xét làm Chủ tịch HĐQT VNCB là bằng giả. “Đề nghị VKS xem xét xử lý bị cáo về việc sử dụng bằng giả” - chủ tọa nhấn mạnh.
Còn khi tòa hỏi về cáo trạng, bị cáo Danh đáp: “Bị cáo có nghe, có đọc nhưng do trí nhớ kém nên không nhớ lắm”.
Bị cáo Phạm Công Danh
Chủ tọa nhắc lại, cáo trạng truy tố bị cáo hai tội là cố ý làm trái và cho vay không đúng quy định có đúng không?. Danh trả lời: "cáo trạng có quy kết bị cáo hành vi như vậy. Nhưng tôi thấy cần xem xét hoàn cảnh xảy ra hành vi đó".
Về thời điểm tham gia VNCB, bị cáo Danh không nhớ chính xác, ý tưởng thành lập một ngân hàng chuyên ngành xuất phát từ chuyện Danh thấy các nước đều có ngân hàng chuyên ngành xây dựng rất tốt.
Và việc tham gia VNCB là từ lúc gặp Hà Văn Thắm (chủ tịch Ngân hàng Đại Dương). Thắm nói Thắm đã tiếp quản Ngân hàng Đại Tín (tiền thân VNCB) và muốn sát nhập vào Ngân hàng Đại Dương.
“Tui đã đưa cho ông Hà Văn Thắm 500 tỉ đồng có giấy tờ nhận, đây là số tiền chăm sóc khách hàng” - Danh trình bày công khai tại tòa.
Và cũng theo Phạm Công Danh, ban đầu Hà Văn Thắm đòi 1.000 tỉ đồng, sau đó là 800 tỉ đồng rồi cuối cùng là 500 tỉ đồng. Khi tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín, tôi thật sự "sốc" khi nợ nần và rồi tui đại diện trả rất nhiều tiền thanh toán toàn bộ các chi phí chăm sóc khách hàng…
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.