Đại án đăng kiểm: Mới chỉ thẩm tra xong lý lịch của 210/254 bị cáo

(PLO)- Trong ngày đầu xét xử, ba bị cáo vì lý do sức khỏe đã có đơn xin xét xử vắng mặt; HĐXX đã thẩm tra xong lý lịch của 210/254 bị cáo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-7, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

255 bị cáo bị đưa ra xét xử về tổng cộng 11 tội danh gồm: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tham ô tài sản.

3 bị cáo xin xét xử vắng mặt

Tại phần làm thủ tục, HĐXX cho biết sẽ xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh, nhóm hành vi. Khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nào thì sẽ được trích xuất, dẫn giải đến tòa để thẩm vấn trực tiếp, các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua đường truyền tại Trại giam T30 - Công an TP.HCM.

Trong số 254 bị cáo, hai bị cáo là cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình cùng 101 đồng phạm bị xét xử về tội nhận hối lộ theo Khoản 4 Điều 354 BLHS có khung hình phạt lên đến tử hình. Vụ án có tổng cộng 133 bị cáo đang bị tạm giam, 120 bị cáo tại ngoại và 1 bị cáo đang bị truy nã được đưa ra xét xử vắng mặt.

đại án đăng kiểm
Vụ án có 133/245 bị cáo bị tạm giam, 120 bị cáo tại ngoại và 1 bị cáo đang trốn truy nã. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong ngày đầu xét xử, theo báo cáo của thư ký có 6/254 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe, trong đó có bị cáo Trần Văn Thương (Giám đốc Công ty Lâm Hà Trúc - góp vốn tại Trung tâm Đăng kiểm 50-15D), Nguyễn Phương Nam (Đăng kiểm viên - Phòng kiểm định xe cơ giới thuộc Cục đăng kiểm) và Nguyễn Thị Ngọc Bích (lao động tự do).

Cạnh đó, cũng có một vài luật sư (LS) vắng mặt. Cho ý kiến về sự vắng mặt của những người này, đại diện VKS cho biết các bị cáo vắng mặt có xác nhận của bệnh viện nên việc vắng mặt này là có lý do chính đáng. Tại cơ quan điều tra, các bị cáo đã có lời khai rõ ràng và các bị cáo có LS bảo vệ nên việc vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Đối với các LS vắng mặt do phiên xét xử kéo dài nên việc vắng mặt của các luật sư trong những ngày đầu không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo.

Thẩm tra xong lý lịch 210/254 bị cáo

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, HĐXX đã thẩm vấn xong lý lịch của 210 bị cáo là cán bộ Cục Đăng kiểm, phòng kiểm định xe cơ giới, các công ty cải tạo phương tiện xe cơ giới, các đăng kiểm viên, nhân viên thuộc các trung tâm đăng kiểm khối V, khối tư nhân D tại các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Bến Tre...

tran-lap-nghia.jpg
Bị cáo Trần Lập Nghĩa - giám đốc các trung tâm đăng kiểm thuộc khối tư nhân (khối D) trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam tại các tỉnh miền tây. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo cáo trạng, trong số các trung tâm đăng kiểm thuộc khối D (tư nhân), bị cáo Trần Lập Nghĩa sở hữu nhiều trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh thành như Trung tâm Đăng kiểm 62-03D tại tỉnh Long An, 71-02D tại tỉnh Bến Tre, 83-02D tại tỉnh Sóc Trăng(ngoài ra còn Trung tâm 84-02D tại tỉnh Trà Vinh và 66-02D tại tỉnh Đồng Tháp.

Bị cáo Nghĩa là người chỉ đạo, điều hành toàn bộ Ban giám đốc, đăng kiểm viên và nhân viên tại các trung tâm, là người hưởng lợi toàn bộ lợi nhuận từ các trung tâm và thụ hưởng toàn bộ số tiền do phạm tội mà có.

Bị cáo này chỉ thuê người lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Nghĩa và được hưởng lương định kỳ. Quá trình hoạt động, vì hưởng lợi, Nghĩa đã chỉ đạo nhân viên thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật.

Cụ thể, Nghĩa chỉ đạo lãnh đạo, Đăng kiểm viên và nhân viên các Trung tâm 62-03D và 83-02D nhận hối lộ với tổng số tiền là 1,66 tỉ đồng, nhận số tiền 350 triệu đồng là tiền của bị cáo Lê Thị Diễm Mi (nhân viên của Nghĩa) thu của các phương tiện đến đăng kiểm đưa hối lộ, nên tổng số tiền Trần Lập Nghĩa hưởng lợi là 2,01 tỉ đồng.

Ngoài hành vi nhận hối lộ bị cáo này còn phải chịu trách nhiệm đối với 975 chữ ký giả Đăng kiểm viên, từ đó các Trung tâm đã cấp 45.045 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ thu lợi bất chính 12,7 tỉ đồng; đồng thời chịu trách nhiệm đối với hành vi sử dụng phần mềm FORM1 (MDO.exe) để chỉnh sửa thông số, dữ liệu đăng kiểm.

Bị cáo này bị truy tố, xét xử về ba tội: Nhận hối lộ, giả mạo trong công tác và xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Ngày mai, HĐXX tiếp tục thẩm tra lý lịch của 44 bị cáo còn lại và tiến hành thủ tục xét hỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm